Dự án nghìn tỷ USD của Trung Quốc đi vào bế tắc

Quỳnh Mai |

Cảnh báo của những người theo chủ nghĩa hoài nghi đang dần trở thành sự thật.

Có thể bạn không chú ý nhưng chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc trong thời gian vừa qua không hề tốt. Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" hiện đang phải đối mặt những rào cản ngày càng lớn, và thậm chí đã bị ngưng trệ.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng này là sự kiện Malaysia tạm dừng các dự án trị giá 22 tỉ USD của Trung Quốc, bao gồm cả hệ thống đường sắt gây tranh cãi dọc bờ biển phía đông của đất nước. Đây dường như là một quyết định không thể thiếu sau cuộc bầu cử tháng năm vừa rồi.

Một trong những nội dung chủ chốt trong chiến dịch tranh cử thành công để hạ gục Najib Razak của Thủ tướng Mahathir Mohamad là cáo buộc mối quan hệ thân cận giữa Najib và Trung Quốc đã kéo theo tình trạng tham nhũng và những quyết định tồi tệ.

Trung Quốc "vấp ngã" tại Malaysia chính là những gì những người theo chủ nghĩa hoài nghi đã cảnh báo. Những dự án thường bị trì hoãn và vượt quá chi phí tại các quốc gia ít trung lập.

Không chỉ vậy, tình trạng nợ, thâm hụt và dân nhập cư Trung Quốc tăng sẽ gây xung đột chính trị. Ngoài ra, khi một bên huỷ bỏ những dự án này, căng thẳng song phương và đơn phương chắc chắn sẽ xảy ra.

Malaysia là ví dụ điển hình nhất. Về phía bắc, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei trong tuần này, Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính của Myanmar Soe Win cho biết chính phủ Myanmar có thể sẽ yêu cầu giảm diện tích cảng tàu trên Vịnh Bengal.

Với Trung Quốc, cảng này vô cùng quan trọng; đây sẽ là con đường ngắn nhất để vận chuyển dầu từ Ấn Độ Dương tới Trung Quốc, tránh các trạm kiểm soát chiến lược trên Eo biển Malacca.

Tại Sri Lanka, sự quá khích trong tài chính Trung Quốc đã đem đến cho quốc gia này một khoản nợ khổng lồ. Tiền thuế quốc gia chỉ đủ để trả tiền lãi, khoảng 11 tỉ USD mỗi năm, cho khoản nợ này. Do đó, chính phủ mới tại Sri Lanka buộc phải trao quyền kiểm soát cảng Hambantota cho Trung Quốc.

Tại Pakistan, Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan vốn đã được thành lập nhằm chống lại sự phụ thuộc vào phương tây. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tại đây đang suy nghĩ lại. Nhập khẩu máy móc đắt tiền từ Trung Quốc sẽ khiến thâm hụt tài khoản vãng lai tăng vọt.

Dự trữ của ngân hàng trung ương Pakistan chỉ đủ để nhập khẩu máy móc trong vài tháng, chưa kể tới khoản vay Trung Quốc gần 4 tỉ USD vào năm ngoái.

Các quan chức Pakistan đã khuyến cáo Trung Quốc nên tiếp tục cho họ vay tiền hoặc họ sẽ hợp tác cùng IMF; điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ phải tiết lộ toàn bộ những điều khoản Trung Quốc đã chấp thuận để xây dựng CPEC.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ sớm nhận ra bài học mà nước Mỹ từng rút ra nhiều năm trước: Pakistan là quốc gia duy nhất trên thế giới đàm phán với một khẩu súng chĩa vào đầu mình.

Khi Vành đai, Con đường được công bố lần đầu tiên, sáng kiến giống như một món quà từ thiên đường đối với nhiều chính phủ đang mong muốn kiếm tiền nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng mà người dân của họ mong muốn.

Tuy nhiên, trên thực tế, các khoản đầu tư của Trung Quốc đi kèm những điều kiện nguy hiểm: lãi suất cao hơn, đảm bảo nhập khẩu từ các công ty Trung Quốc và nhập khẩu nhân công. Bên cạnh đó, chính Trung Quốc cũng chưa thực sự sẵn sàng cho những rào cản trong các khoản đầu tư cho các quốc gia với nền chính trị lộn xộn.

Liệu có thể cứu vớt sáng kiến này? Trung Quốc cần giải quyết tình trạng thặng dư vốn. Tuy nhiên, nếu mong muốn đầu tư bền vững, Trung Quốc sẽ phải hành xử cẩn trọng hơn tại các quốc gia đối tác.

Không chỉ vậy, Trung Quốc cần hợp tác với vốn địa phương và tôn trọng nền chính trị của các đối tác dù có bất đồng quan điểm. Hay nói các khác, Trung Quốc cần học theo cách hành xử của khu vực tư nhân, và rõ ràng điều này không hề dễ dàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại