Cùng với Tupolev-144, máy bay siêu thanh Concorde được nhiều người xem là thành tựu đáng tự hào nhất của ngành hàng không thế kỷ 20. Cỗ máy bay lượn trên trời ở tốc độ mà âm thanh không đuổi kịp, có thể đi từ châu Âu tới bờ đông nước Mỹ trong khoảng 3 tiếng là một kỳ quan công nghệ.
Tuy nhiên, dù có khởi đầu dường như đầy sắc hồng, nhiều hãng hàng không lại quay lưng trước cả khi mẫu máy bay thực sự ra đời và chi phí nghiên cứu khổng lồ đã định hình sẵn số phận của Concorde.
Máy bay Concorde do British Airways khai thác.
KỲ QUAN HÀNG KHÔNG THẾ KỶ 20
Động lực khiến máy bay Concorde có thể ra đời đến từ những ước vọng và nỗ lực của nhiều quốc gia từ những năm 50 nhằm cho ra đời loại máy bay dân dụng có thể di chuyển ở vận tốc siêu thanh. Ý tưởng hàng không dân dụng bay ở vận tốc siêu thanh bắt đầu sau tháng 10/1947 - khi phi công Chuck Yeager thành công lái mẫu Force Bell X-1 ở vận tốc Mach 1.06, tương đương vận tốc bằng 1,06 lần vận tốc âm thanh.
Các cường quốc thế giới khi đó đều có cho mình những ý tưởng và nỗ lực để có máy bay siêu thanh, nhưng chỉ có Nga và hợp tác Pháp-Anh thành công cho ra đời máy bay siêu thanh.
Tupolev-144 là mẫu máy bay siêu thanh cùng đời với Concorde.
Quay lại những năm 50, một chuyến bay từ Luân Đôn, Anh tới New York, Mỹ trên máy bay cánh quạt mất tới 15 tiếng - đó là một trải nghiệm rất đáng quên với vận tốc thấp, ồn, rung do động cơ máy bay và dễ bị thời tiết tác động. Khi máy bay phản lực ra đời, thời gian di chuyển cắt còn 7 tiếng, trải nghiệm bay tốt lên rất nhiều vì bay cao hơn mây thời tiết, loại bỏ được hoàn toàn tác động của thời tiết. Nhưng mọi chuyện tiếp tục thay đổi khi Concorde ra đời.
Năm 1961, Anh cho ra bản thiết kế đầu tiên cho một cỗ máy bay siêu thanh, nhưng quốc gia láng giềng Pháp cũng đang nghiên cứu một mẫu máy bay siêu thanh tương tự. Có một ý tưởng rằng sẽ thật tuyệt vời khi cả hai quốc gia chung đích đến này cùng xây dựng một mẫu máy bay siêu thanh.
Tháng 11 năm 1962, chính phủ Pháp và Anh đã ngồi lại và ký một bản hiệp ước, trực tiếp dẫn tới sự ra đời của Concorde. Thực ra, chính cái tên Concorde cũng thể hiện nỗ lực của cả Anh và Pháp cho dự án đầy tham vọng này: Concorde (trong tiếng Pháp) hay Concord (trong tiếng Anh) đều có nghĩa là "Sự đồng thuận".
Bên trong cơ sở sản xuất Concorde tại Bristol, Anh năm 1967.
Sau bản hiệp ước, hàng nghìn kỹ sư hàng không Pháp và Anh đã cùng nhau biến giấc mơ đưa các chuyến bay siêu thanh vào hàng không dân dụng. Với tốc độ gấp 2 lần tốc độ của âm thanh, Concorde được kỳ vọng có thể giúp các hãng hàng không tiết kiệm chi phí nhiên liệu và tiền mua tàu bay khi 1 chiếc Concorde có thể đi nhanh gấp 2 lần mẫu máy bay thông thường. Vẫn hành trình Luân Đôn - New York, Concorde có thể hoàn thành trong khoảng 3,5 tiếng.
Đã có tới 18 hãng hàng không quan tâm với tổng đơn hơn 100 chiếc tới từ khắp nơi trên thế giới, như Pan American World Airways - 8 chiếc, American Airlines - 6 chiếc, hay Eastern Airlines - 6 chiếc.
Song, từ khi Concorde chính thức đi vào vận hành từ tháng 1/1976 đến khi dừng hoạt động vào năm 2003, cả thế giới chỉ có 20 chiếc Concorde được sản xuất, gồm: 4 chiếc phiên bản thử nghiệm, 2 chiếc phiên bản tiền sản xuất, và 14 chiếc vận hành thương mại; Pháp và Anh, mỗi quốc gia sở hữu một nửa số này. 2 hãng hàng không quốc gia Air France (Pháp) và British Airways (Anh) cũng là 2 đơn vị duy nhất khai thác thương mại Concorde. Những đơn hàng còn lại đều không tới được thực tế.
Máy bay Concorde đã dừng hoạt động sau 27 năm. Ảnh: Rob Young / Wikimedia
SỐ PHẬN BUỒN CỦA CONCORDE
Hơn một thập kỷ kể từ khi Concorde bắt đầu được xây dựng, cỗ máy bay siêu thanh này chính thức ra đời. Chi phí tổng mỗi quốc gia phải trả để phát triển Concorde lên tới 1,44 tỷ USD, gấp khoảng 10 lần con số ước tính ban đầu.
Bên cạnh chi phí nghiên cứu khổng lồ, vận hành Concorde cũng là một cơn ác mộng với hai hãng hàng không. Khi Concorde còn là ý tưởng, giá xăng dầu rất rẻ nhưng khi Concorde chính thức đi vào vận hành thì lại trùng với cơn sốt giá nhiên liệu của những năm 1973, 1974; trong khi đó, Concorde ước tính tiêu thụ số nhiên liệu gấp 4 lần so với một chiếc máy bay phản lực đời đầu, số hành khách chuyên chở trên mỗi chuyến cũng còn kém xa.
Vào năm 1977, giá vé mỗi chiều Luân Đôn - Washington tốn khoản tiền tương đương 3.400 USD thời nay; thời gian càng trôi, giá càng lên cao. Tới cuối những năm 90, giá vé một chiều bay xuyên Đại Tây Dương đã lên tới khoảng 6.000 USD theo giá trị ngày nay. Ngay cả khi Concorde được biến thành một dạng dịch vụ di chuyển siêu xa xỉ nhắm tới giới siêu giàu, vé bay Concorde vẫn là một trong những sản phẩm khó bán nhất.
Giá vé bay Concorde luôn rất cao. Ảnh: CNN
Bên cạnh yếu tố kinh tế, các chuyến bay Concorde còn mang theo vấn đề về âm thanh. Đã từng có người nói vui rằng Concorde bay đến đâu thì thế giới biết đến đó, bởi khi vượt qua tốc độ âm thanh, Concorde, hay bất cứ phương tiện này, sẽ tạo ra tiếng nổ rất lớn - gọi là "tiếng nổ siêu thanh". Chính tiếng nổ lớn này đã khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cấm Concorde bay trên không phận của họ, đồng nghĩa Concorde ít có cơ hội bay trên đất liền.
Khó khăn của Concorde còn phải kể tới tiếng ồn rất lớn của động cơ đốt sau Rolls-Royce Olympus 593 từng khiến người dân quanh sân bay ở Kennedy, Mỹ biểu tình phản đối.
Trên thực tế, Concorde là một mẫu máy bay tương đối an toàn; trong suốt gần 30 năm hoạt động chỉ duy nhất một tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, chỉ một tai nạn đã là đủ với Concorde. Vào tháng 7/2000, chuyến bay mang số hiệu 4590 của Air France đã gặp tai nạn, cướp đi toàn bộ sinh mạng của 109 hành khách và phi hành đoàn.
Cái kết của Concorde đến vào năm 2003 - sau 27 năm phục vụ. Cả Air France và British Airways cùng thông báo điều này vào tháng 4 năm đó, dù chuyến bay cuối của cả hai xảy ra ở hai thời điểm khác nhau. Tất nhiên, vụ tai nạn của Air France năm 2000 gánh phần lớn trách nhiệm cho cái kết của Concorde, nhưng nếu xét về mặt kinh tế thì số phận của Concorde đã được định đoạt từ lâu rồi.