Chưa bao giờ nguyên nhân đội giá được phân tích, mổ xẻ tìm ra lỗi cố ý của những người được giao quyền lực để tổ chức, ban phát, kiểm soát toàn phần dự án mà đây mới là nguyên nhân chính dẫn tới các dự án bị đội giá.
Dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội chính là một minh chứng điển hình...
Chủ đầu tư như tổng thầu?
Dùng vốn vay ODA để trả cho các nhà thầu nước ngoài bản chất là tiêu đi một khoản ngân sách tích lũy trong “tương lai” của Chính phủ.
Vậy nhưng, thay vì thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư là quản lý giám sát chặt chẽ nguồn vốn này thì cách hành xử của lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội (MRB) lại giống như một tổng thầu, luôn đặt mục tiêu hút vốn thật nhiều và giải ngân thật lực cho các nhà thầu phụ.
Chẳng thế mà trong gói thầu số 1 tuyến đoạn trên cao, MRB đã chấm cho nhà thầu Daelim trúng thầu mặc dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn hẳn so với 3 nhà thầu khác.
Trong đó phải kể đến việc Liên danh Cienco - Lotte là nhà thầu bỏ giá thấp hơn nhà thầu Dealim tới 3,4 triệu EURO nhưng vẫn bị chủ đầu tư viện dẫn những lý do bất hợp lý để loại bỏ nên đã khiếu nại lên UBND TP Hà Nội, buộc chủ đầu tư phải xuống nước gặp gỡ đàm phán trực tiếp với nhà thầu liên danh này.
Gói thầu số 6 của Dự án đường sắt trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội gồm các hạng mục Đầu máy toa xe, Thiết bị Depot, OCC/SCADA (hệ thống quản lý tòa nhà trong các ga) tín hiệu, thông tin và cấp điện.
Tháng 9/2013, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức sơ tuyển nhà thầu và chỉ có duy nhất nhà thầu Liên danh ALSTOM Transort SA - COLAS rail SA - THALES Communication & Security SAS nộp hồ sơ dự tuyển và trúng sơ tuyển.
Về nguyên tắc đấu thầu, việc chỉ có một nhà thầu nộp hồ sơ dự tuyển sẽ không đảm bảo yếu tố cạnh tranh nên chủ đầu tư cần phải tổ chức đấu thầu lại.
Trong trường hợp xét thấy ít nhà thầu đủ sức đảm nhiệm được toàn bộ gói thầu thì MRB hoàn toàn có thể chia nhỏ gói thầu số 6 ra thành nhiều gói thầu khác để đảm bảo tính cạnh tranh.
Nhưng lãnh đạo MRB đã không làm như vậy, họ không cần quan tâm đến “nguyên tắc cạnh tranh” trong đấu thầu, sẵn sàng chấp nhận một nhà thầu duy nhất, cùng nhau đàm phán giá thầu.
Đây là lý do gói thầu số 6 được phê duyệt dự toán là 234.750.000 EURO nhưng 3 lần đàm phán với chủ đầu tư nhà thầu vẫn chào giá 274.573.109 EURO, vượt dự toán phê duyệt tới 34.150.000 EURO.
Nâng cho phá
Không chỉ cố ý làm trái các nguyên tắc đấu thầu mà trong quá trình thực hiện dự án, lãnh đạo MRB còn có dấu hiệu bỏ qua cho các nhà thầu làm ẩu, kéo dài thời gian và nâng giá gói thầu.
Rõ ràng nhất là trong gói thầu tư vấn do Tư vấn Systra thực hiện. Sau khi chậm khoảng 30 tháng so với kế hoạch, Systra mới trình báo cáo cuối cùng về thiết kế kỹ thuật (TKKT) gói thầu số 3 hầm và các ga ngầm nhưng báo cáo này không hoàn chỉnh vì phần hầm chỉ được đơn vị tư vấn này lập như một bản thiết kế xây dựng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của TKKT đã được phê duyệt.
Với sản phẩm tư vấn thiết kế không đạt, đáng ra phải yêu cầu Systra hoàn chỉnh lại nhưng MRB lại gấp rút tổ chức thẩm định và phê duyệt TKKT gói thầu số 3 chỉ trong 2 ngày.
Hệ quả là phần TKKT còn thiếu ở hạng mục hầm lại bị chuyển sang nhiệm vụ của các nhà thầu thi công làm gia tăng giá trị của gói thầu thi công hầm và các ga ngầm.
Mặc dù, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo MRB phải rà soát giảm trừ khối lượng công việc thiết kế của Systra tránh trùng lặp với nhiệm vụ thiết kế của các nhà thầu để đảm bảo lợi ích quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo này, lãnh đạo MRB bao bọc cho Tư vấn Systra bằng cách ký thêm phụ lục hợp đồng để nhìn vào đó số lượng nhiệm vụ của tư vấn đã giảm đi nhưng lại khôn khéo điều chỉnh dự toán hợp đồng trọn gói theo hình thức nhân lực + thời gian lao động.
Cách điều chỉnh dự toán trên khiến cho khối lượng công việc của tư vấn Systra đã được giảm trừ đi nhưng kinh phí lại tăng lên tới 6,5 triệu EURO.
Tính đến thời điểm này, gói thầu số 3 đã bị đội giá lên thành 302 triệu EURO so với mức phê duyệt dự toán ban đầu là 169,936 triệu EURO.
Làm dự án, lãnh đạo MRB hiểu hơn ai hết rằng chỉ có thể kí hợp đồng với nhà thầu khi có mặt bằng sạch hoặc ít ra thì tiến độ GPMB có tính khả thi nhưng nguyên tắc này cũng bị MRB cố tình đi ngược lại.
Gói thầu hầm và các ga ngầm được MRB kí hợp đồng với nhà thầu Liên danh HYUNDAI E&C - GHELLA JV từ tháng 10/2015 trong khi đến nay công tác GPMB vẫn đang bế tắc và không biết khi nào mới có mặt bằng sạch để bàn giao cho nhà thầu thi công.
Vậy là, ngày 6/9/2016, nhà thầu HYUNDAI E&C - GHELLA JV đã gửi văn bản đòi MRB phải bồi thường 40 triệu USD vì chậm bàn giao mặt bằng.