Tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rời khỏi Syria ngay lập tức trong vài tuần. Tuy nhiên, lực lượng của Washington không rời nhanh như ông Trump đã hình dung. Mặc dù ông đảm bảo với các binh sĩ trong chuyến thăm tới Iraq rằng sẽ rút hoàn toàn khỏi Syria, song mới đây chính quyền Trump lại tuyên bố khoảng 400 quân nhân vẫn ở lại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Quyết định của ông Trump gợi cho người ta nhớ tới cách tiếp cận giải quyết vấn đề của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đó là một phương pháp nhằm xoa dịu những chỉ trích trong nước. Con số 400 trong trường hợp này đủ nhỏ để làm vừa ý những người ủng hộ việc ông Trump rút quân, nhưng cũng đủ lớn để những kẻ chỉ trích cảm thấy hài lòng.
Cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề liên quan tới Syria này phần lớn còn gây ra nhiều nghi vấn. Cộng đồng những người làm chính sách đối ngoại ở Washington dường như cho rằng mọi thứ ở Syria đều quan trọng, do đó cần thiết phải tiếp tục triển khai lính Mỹ tại khu vực này.
Nhưng kết quả là việc Mỹ chỉ "đứng một chân" ở Syria hay triển khai vĩnh viễn lực lượng ở đây đều không có khả năng thực hiện hay hoàn thành bất kỳ điều gì cả.
Chính sách mới của ông Trump tại Syria thất bại ngay ở nhiệm vụ cơ bản nhất là căn chỉnh mục tiêu đầu tiên với các phương tiện mà Washington có cùng lợi ích của Mỹ tại Trung Đông. Đầu tiên và quan trọng nhất, việc Mỹ triển khai ở Syria nhằm ngăn chặn sự trở lại của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Sự hiện diện của lính Mỹ ở Syria chắc chắn sẽ khiến các chiến binh IS khó có khả năng tái tập hợp và tiến hành các cuộc tấn công. Tuy nhiên, đa phần chuyên gia đều đồng ý rằng, IS sẽ vẫn tiếp tục tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác để chiến đấu ở những nơi như Libya, châu Âu, bán đảo Sinai, Sahel hay thậm chí Syria.
Trong những trường hợp trên, vẫn chưa rõ làm thế nào hoặc tại sao con số 400 lính Mỹ có thể tạo ra sự khác biệt khi chống lại những phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan IS.
Ngoài ra, do quá quan tâm tới sự tồn tại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mà dường như Mỹ cố tình "quên" rằng các nhóm khủng bố khác cũng đang hoạt động rất mạnh tại Syria, ví dụ như Hayat Tahrir al-Sham. Đây là lực lượng khủng bố có khả năng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các chiến binh địa phương. Những người ủng hộ việc triển khai lính Mỹ ở Syria gần như không quan tâm tới nhóm khủng bố này.
Tổng thống Trump và các quân nhân Mỹ.
Thứ hai, về việc người Mỹ sẽ ở lại Syria để bảo vệ các đồng minh người Kurd. Về mặt đạo đức, họ có lý do để làm việc đó, bởi vì các chiến binh người Kurd là lực lượng (gần như duy nhất) đã giúp Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố IS. Những quân nhân Mỹ còn lại – và khả năng là cả lính châu Âu nữa – sẽ có nhiệm vụ ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd Syria.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đây là nhóm các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) – một lực lượng khủng bố có kết nối trực tiếp với đảng Công nhân người Kurd vốn đã chiến đấu chống lại Ankara trong nhiều thập kỷ qua. Điều quan trọng cần lưu ý là sự hiện diện của Mỹ ở phía Đông Bắc Syria đã không thể ngăn cản nổi việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp quản Afrin và đánh đuổi YPG ra khỏi đây vào năm 2018.
Ngoài ra, chính quyền Trump có thể đã làm tổn hại mối quan hệ giữa họ với người Kurd Syria tới mức dù có bao nhiêu lính Mỹ ở Syria đi chăng nữa thì các nhà lãnh đạo Kurd cũng không thể tin tưởng Lầu Năm Góc. Rốt cuộc, dường như về các vấn đề liên quan đến Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thành công trong việc áp đặt ảnh hưởng đến suy nghĩ của ông Trump.
Một lý do khác được đưa ra cho việc tiếp tục triển khai lính Mỹ ở Syria là để có sự đối trọng vị thế địa chính trị với Nga. Theo tính toán của một số chuyên gia Mỹ, số lượng 400 lính này sẽ buộc người Nga phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ để nói về tương lai Syria.
Tuy nhiên, không có mục tiêu nào của chính quyền Donald Trump là mang tính thực tế, đặc biệt là tương lai một Syria mà không có ông Bashar al-Assad. Người Nga phản đối, Iran phản đối, và Chính phủ Syria chắc chắn phản đối điều đó. Trong khi đó, liên minh Nga-Iran-Syria đang trên đà giành chiến thắng quân sự trên thực địa.
Một số quốc gia Ả Rập đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Syria, và thậm chí các nhà phân tích châu Âu đã đi đến kết luận, việc thỏa thuận với Assad là không thể tránh khỏi. Vì thế, lực lượng Mỹ đang phải phục vụ một chính sách mà ở đó Washington khó có khả năng thành công, điều này đang khiến Lầu Năm Góc trở nên yếu đuối hơn bao giờ hết. Nó hoàn toàn trái ngược với những gì mà Washington kỳ vọng khi cho triển khai con số ít ỏi binh sĩ này ở Syria.
Cuối cùng, các lực lượng Mỹ còn lại ở Syria được cho là một phần trong nỗ lực nhằm chống lại Iran ở Trung Đông và ngăn chặn Tehran thiết lập một căn cứ quân sự thường trực để đe dọa Israel – đồng minh của Nhà Trắng. Những mục tiêu này phù hợp với lợi ích của Mỹ, nhưng việc triển khai quân làm dấy lên một số vấn đề chưa được giải quyết.
Sự hiện diện của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã làm gia tăng khả năng tình báo của Iran và việc chế tạo vũ khí của Tehran là mối đe dọa với an ninh Israel, nhưng không rõ 400 quân nhân Mỹ sẽ làm gì để ngăn chặn các hoạt động này? Người Iran không muốn thách thức Mỹ về mặt quân sự, nhưng không có gì có thể ngăn cản họ trước việc tránh xa Lầu Năm Góc và tiếp tục độc lập tiến hành các hoạt động của mình.
Răn đe Iran – giống như những gì Israel đang làm ở Syria – là hợp lý, nhưng những đề xuất giữ quân của chính quyền Trump lần này là vô nghĩa.
Mặc dù chính quyền Mỹ đã cố gắng tỏ ra quyết đoán và những người ủng hộ ông Trump gọi kế hoạch giữ 400 quân tại Syria là "xuất chúng", nhưng chính sách này được thực hiện với sự do dự đặc trưng trong cách tiếp cận của Mỹ với vấn đề Syria ngay từ đầu.
Các nhà hoạch định chính sách đã không chắc chắn những gì họ có thể làm để khắc phục vấn đề mà không khiến lính Mỹ mắc kẹt trong cuộc nội chiến của nước khác, nhưng họ vẫn cảm thấy bắt buộc phải làm một cái gì đó, bởi vì đó là điều Washington đã làm và luôn luôn làm. Đã đến lúc cần một cách tiếp cận mới.