Dự án cao tốc 121km được Thủ tướng đến thăm 3 lần báo tin vui: Hầm xuyên núi được Liên danh Đèo Cả đào thông, vượt tiến độ 2 tháng

Hà Giang |

Doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã huy động 1.132 nhân sự, 398 thiết bị máy móc và triển khai 32 mũi thi công đồng loạt 24/7, hướng tới mục tiêu thông tuyến vào năm 2025.

 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến kiểm tra tại hầm số 2 (Km 71) dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh vào ngày 14/11 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Hầm Đông Khê thuộc dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh chính thức được đào thông

Theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Đèo Cả, ngày 7/12, hầm Đông Khê dài gần 500m chính thức được đào thông, vượt hai tháng so với kế hoạch đề ra. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng tại dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Theo Đèo Cả, doanh nghiệp dự án và các nhà thầu đã huy động 1.132 nhân sự, 398 thiết bị máy móc và triển khai 32 mũi thi công đồng loạt 24/7, hướng tới mục tiêu thông tuyến vào năm 2025. Đến nay, sản lượng thi công đạt 630 tỷ đồng/hơn 10.056 tỷ đồng, đáp ứng tiến độ đề ra.

Trước đó, ngày 26/11, Lễ thông nhánh phải hầm Đông Khê, thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được tổ chức. Đây là ống hầm đầu tiên được đào thông trên toàn tuyến cao tốc, vượt ba tháng so với tiến độ đề ra. Dự kiến, toàn bộ hạng mục hầm Đông Khê và Thất Khê sẽ hoàn thiện cơ bản vào tháng 6/2025, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

 - Ảnh 2.

Hầm Đông Khê được đào thông (Ảnh: CTCP Tập đoàn Đèo Cả)

Ngay sau khi hầm Đông Khê được thông, đội ngũ kỹ sư và công nhân sẽ triển khai các công đoạn tiếp theo như: Đào hạ nền, gia cố, lắp đặt ván khuôn để đổ bê tông vỏ hầm, lắp đặt hệ thống thiết bị ITS.

Theo đại diện lãnh đạo Tổng thầu thi công dự án, vùng núi Đông Bắc, đặc biệt là các tỉnh như Cao Bằng và Lạng Sơn, sở hữu những dãy núi đá vôi sừng sững cùng hệ thống hang động dày đặc. Do đó, dù rất nỗ lực, việc gặp phải địa hình karst trên công trường Đồng Đăng - Trà Lĩnh vẫn là rủi ro luôn phải lường trước và có giải pháp kỹ thuật xử lý để đảm bảo an toàn thi công và chất lượng công trình.

Về công nghệ, các nhà thầu đã áp dụng phương pháp NATM “hệ Đèo Cả” – kỹ thuật đào hầm tiên tiến và linh hoạt, phù hợp với nhiều dạng địa chất khác nhau. Hệ thống thiết bị hiện đại của Tập đoàn Đèo Cả, như máy khoan và máy phun tự hành, cũng được sử dụng, mang lại hiệu quả và độ an toàn cao trong quá trình thi công.

Được biết, công nghệ NATM (New Austrian Tunneling Method) là phương pháp xây dựng ngầm phổ biến toàn cầu, giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ xây hầm truyền thống.

Công nghệ NATM gồm 10 bước, sau khi đánh dấu vị trí nổ mìn, đơn vị thi công nổ mìn theo từng gương hầm (diện tích cần đào), xúc dọn đất đá rồi làm lưới thép bao quanh bề mặt hầm, phun bê tông trên lưới thép, khoan lỗ cắm neo gia cố địa chất. Tiếp theo, đơn vị thi công bao phủ hầm bằng chất liệu vải đặc biệt để chống nước, đổ bêtông vỏ hầm và làm nền đường.

Dự án đường bộ cao tốc dài 121km kết nối Hà Nội, khu vực Đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc

Trước đó, ngày 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát thực địa và có cuộc làm việc với yêu cầu hoàn thành hai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng ngay trong năm 2025.

Theo Báo Chính phủ, đây là lần thứ ba Thủ tướng có mặt tại hai dự án này. Trong chuyến công tác, Thủ tướng đã đi thực địa nắm bắt tình hình triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại vị trí điểm cuối giai đoạn 1 dự án và tại hầm số 2 - hầm Đông Khê.

 - Ảnh 4.

Ngày 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát thực địa 2 dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài 121km, được khởi công ngày 1/1/2024 theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Dự án được phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 được đầu tư hơn 93km, điểm đầu tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng).

Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ là trên 14.114 tỷ đồng, bao gồm hai hầm chính. Nhà đầu tư là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568. Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư đứng đầu liên danh thực hiện dự án giai đoạn 1.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư tiếp gần 28km còn lại, từ khoảng Km 93+350 đến Km 121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh.

Dự kiến tổng sản lượng dự án trong năm 2024 đạt 1.010 tỷ đồng, tổng giải ngân các nguồn vốn đạt 2.000 tỷ đồng, làm nền tảng cho việc quyết tâm thông tuyến trong năm 2025 để hoàn thành toàn bộ dự án vào cuối năm 2026.

Sau khi hoàn thành, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối Hà Nội, khu vực Đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương và khu vực, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại