Dự án BT của “ông lớn” Bitexco ở Hà Nội nâng khống hàng chục tỷ đồng

Vạn Xuân |

Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, dự án BT đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì (TP.Hà Nội) không chỉ làm tăng chi phí lãi vay 131 tỷ đồng mà còn nâng khống tổng mức đầu tư lên 36 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tại báo cáo này, đề cập đến việc triển khai các dự án BT (dự án đổi đất lấy hạ tầng) trong thời gian vừa qua, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm.

Cụ thể, qua kiểm tra 17 dự án được đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT trong năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cho biết, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước (NSNN) nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Theo kết quả kiểm tra, hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu. Điển hình, TP. Hà Nội có 5/5 dự án BT kiểm toán; TP.Đà Nẵng 3/4 dự án; tỉnh Bắc Ninh 2/2 dự án; Hà Nam 2/2 dự án; Thái Bình 3/3 dự án; Thanh Hóa 1/1.

Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực.

Ngoài ra, các dự án BT còn thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách.

Hơn nữa, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá; thanh toán trước cho nhà đầu tư trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn GTGT do công trình chưa hoàn thành thực chất là thanh toán trước tiền thuế GTGT cho nhà đầu tư tại thời điểm chưa phát sinh là một điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ NSNN.

Vẫn theo kết quả kiểm toán, vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án.

“Điều này cho thấy, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho NSNN. Bên cạnh đó, chưa có quy định về thời điểm nhà đầu tư phải góp đủ số vốn chủ sở hữu dẫn đến nhà đầu tư không bắt buộc phải góp đủ vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ tối thiểu tại mọi thời điểm nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.

Đồng thời, chưa có văn bản quy định cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư nên có chênh lệch lớn giữa các hợp đồng (cao nhất 14%, thấp nhất 10%)“, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.

Đặc biệt, quá trình kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phát hiện, tại các dự án nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu chưa đầy đủ và đúng hạn như tiến độ đã cam kết trong hợp đồng hoặc ký hợp đồng nhưng không quy định phần vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư; xác định lãi suất vốn vay còn sai sót, thiếu cơ sở; ký kết hình thức hợp đồng không phù hợp, quy định không rõ ràng thời điểm thực hiện nghĩa vụ với NSNN làm tăng chi phí lãi vay trong phương án tài chính.

Điển hình như Dự án Đầu tư đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, huyện Thanh Trì (Hà Nội), Kiểm toán Nhà nước xác định chi phí lãi vay phải giảm 131,43 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, dự án này còn xác định tổng vốn đầu tư trong phương án tài chính chưa hợp lý, một số chi phí lập cao so với thực tế và quy định dẫn đến tổng mức đầu tư tạm tính không có căn cứ 36,79 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại