Dự án 7.300 tỉ mở rộng hầm Hải Vân: Dân ngăn cản thi công vì sợ... chết thủy sản

NGUYỄN ĐẮC THÀNH |

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân (QL 1) và thi công đường công vụ phục vụ cho việc xây cầu dẫn hầm đang gây ra nhiều lo lắng, bức xúc cho người dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế vì cho rằng, việc làm đường công vụ sẽ gây biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản nên nhiều hộ dân đã phản đối, làm đơn gửi cơ quan chức năng.

Làm biến đổi dòng chảy

Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ GTVT phê duyệt, do Cty CP đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Cty CP quản lý đầu tư và khai thác hầm đường bộ Hải Vân-Hamadeco.

Đơn vị thi công đã mở một tuyến đường công vụ phía Bắc đèo Hải Vân thuộc thôn Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

Theo thiết kế ban đầu con đường dài 230m, cao 1,9m, không có cống thoát nước và được thi công bằng rọ đá. Từ khi đường công vụ được đổ đất đá, người dân thôn An Cư Đông 2 đã ngăn cản việc thi công.

Theo nhiều người dân ở đây, họ ngăn cản không phải phá hoại chuyện gì, mà chỉ vì đường công vụ đổ đất đá chặn nước sẽ làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của họ.

Anh Nguyễn Đức Minh Hải (SN 1970) cho biết, từ năm 2000, khi dự án làm hầm Hải Vân thi công, và đơn vị xây dựng cầu dẫn hầm cũng làm đường công vụ để thi công cầu đã làm dòng chảy biến đổi nhiều.

“Những ngày qua dân phản đối cũng chỉ vì lo sợ điều đó. Người dân ở đây đều sống nhờ vào nuôi trồng và đánh bắt tôm cá, việc dòng chảy bị biến đổi sẽ ảnh hưởng rất nhiều.

Việc mở rộng đường, mở rộng hầm thì chúng tôi rất đồng tình, tuy nhiên cơ quan chức năng và đơn vị thi công nên xem xét lại việc mở đường công vụ” - anh Hải nói.

Sở dĩ người dân ở đây lo lắng là vì trước đây việc đơn vị thi công cầu Lăng Cô đã không hoàn trả lại mặt bằng đúng như nguyên trạng làm dòng chảy bị biến đổi, nên giờ đơn vị khác đắp đường công vụ để xây cầu dân mới lo lắng.

“Trước đây, họ làm xong chỉ cho xe múc qua loa lớp đất trên mặt cỡ 0,5 mét, trong khi đất đổ đường công vụ lên tới 2 mét.

Do làm cẩu thả nên dòng nước bị chặn lại, gây ra sạt lở, phá lồng bè người dân. Giờ lại nghe đơn vị thi công lại đắp đường như trước đây nên dân rất sợ” - một người dân nói.

Cam kết sẽ hoàn trả nguyên trạng mặt bằng

Ông Dương Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, sau khi sự việc xảy ra chính quyền cũng đã về cơ sở nắm bắt các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân để có hướng giải quyết phù hợp.

“Nếu thực sự đường công vụ có ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản thì chúng tôi sẽ có hướng giải quyết để phù hợp hai bên”- ông Trung nói.

Tại buổi làm việc với Ban quản lý (BQL) hầm đường bộ Hải Vân và Cty Hamadeco đã thống nhất chủ trương hạ cốt nền từ 1,9 mét xuống 1 mét; lắp đặt 5 cống để giúp dòng chảy được thuận tiện và giảm chiều dài đường từ 230 mét xuống còn 180 mét.

“Để tự nhiên như vậy mà nước nhiều lúc chảy không được, bây giờ lắp cống thì cũng chẳng giải quyết được gì.

Thêm vào đó là đơn vị gia cố đường rất kỹ càng, chở cả rọ đá về đắp hai bên, nếu như có nước lớn thì rất dễ tạo ra xoáy nước phá lồng bè của dân” - anh Hải lo lắng.

Tuy nhiên, dù 3 cuộc họp đã được tổ chức, các khúc mắc của người dân vẫn chưa được giải quyết.

“Mới đây chúng tôi cũng đã tiến hành họp giữa dân với đơn vị thi công, tuy nhiên phía người dân yêu cầu phải múc đường công vụ lên trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu.

Nhưng do đây là dự án trọng điểm cấp quốc gia nên khó thực hiện được” - Chủ tịch thị trấn Lăng Cô cho hay.

Ông Phan Công Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cũng thừa nhận rằng việc làm đường công vụ có ảnh hưởng đến dòng chảy, trong trường hợp nước chảy xiết quá bắt buộc nhà thầu phải múc đường để khơi thông dòng chảy.

“Khi giữa người dân với đơn vị thi công chưa tìm được tiếng nói chung, hướng giải quyết hay nhất là chủ đầu tư phải dừng công trình để giải quyết vấn đề, xong xuôi mọi việc mới tính tiếp” - ông Mẫn khẳng định.

Trong khi đó, phía BQLDA cũng đã có văn bản cam kết sẽ chỉ đạo và giám sát nhà thầu thanh thải toàn bộ các đường công vụ đã thi công, hoàn trả lại mặt bằng nguyên trạng.

Nếu nhà thầu không thực hiện BQLDA sẽ khấu trừ chi phí trong hợp đồng.

* Có 700 hộ dân, trong đó có đến 300 hộ chuyên về nuôi trồng thủy sản sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu dòng chảy bị thay đổi. Nhiều lần người dân ở đây tập trung ngăn không cho công nhân làm đường.

* Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, gồm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 7.300 tỉ đồng.

Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân hiện tại và cải tạo đoạn tuyến QL 1 qua đèo Hải Vân. Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông với quy mô 4 làn xe và mở rộng

cầu, dự kiến đưa vào sử dụng toàn tuyến vào cuối năm 2020.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại