Cầu thủ ngôi sao của CLB Nam Định, Rafaelson đã chính thức nhập tịch thành công vào Việt Nam. Qua ngày 20/12 tới, anh sẽ đủ 5 năm sinh sống tại Việt Nam, đủ điều kiện FIFA để chơi cho ĐTQG chúng ta tại các giải đấu chính thức.
Câu chuyện Rafaelson nhập tịch thành công và có thể lên ĐTVN đã tạo ra nhiều tranh cãi thời gian qua. Đã từng có thời, ĐTVN cũng sử dụng các cầu thủ nhập tịch không mang dòng máu Việt Nam rồi sau đó nhanh chóng dừng lại, không tiếp tục tiến hành nữa.
Ở thời điểm bây giờ, khởi động lại việc sử dụng cầu thủ nhập tịch trên ĐTQG có hợp lý? BLV Quang Tùng nêu quan điểm:
"Đấy là một vấn đề mang tính quan điểm, sẽ có lúc này hợp lý, lúc kia lại không. Vấn đề đó có thể ban đầu sẽ được đón nhận hoặc đón nhận trong tranh cãi, sau đó chuyển dần thành tiền lệ để thay đổi... đó là cả một quá trình. Ta không thể khẳng định nó hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, nhất là lúc ban đầu.
Về mặt luật pháp thì chẳng có gì sai. Nhưng nó sẽ cần sự đồng thuận của số đông, cũng như các quan chức bóng đá Việt Nam. Dù sao lực lượng đó cũng phản ánh tiêu chuẩn, nhận định chung của xã hội. Nếu số đông chưa chấp nhận cũng là bình thường và ở nhiều nước khác họ đã chấp nhận, cũng là bình thường.
Những cường quốc bóng đá như Italia, Đức... cũng đã chấp nhận các cầu thủ có màu da khác trong ĐTQG họ. Nhưng để tới lúc đó, họ cũng đã trải qua những tranh cãi không khác gì chúng ta cả. Cũng có những nơi đã dừng lại, đấy là bình thường.
Tất nhiên chúng ta cũng phần nào cần có sự sẵn sàng để đón nhận chuyện sử dụng cầu thủ nhập tịch không mang nguồn gốc Việt Nam. Đấy cũng là xu hướng toàn cầu thôi, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước. Chúng ta cần lắng nghe, tiếp thu để ngày nào đó thực hiện nhiều trường hợp nhập tịch hơn.
Ngày xưa chúng ta từng sử dụng cầu thủ nhập tịch trên ĐTQG, Phan Văn Santos. Nhưng vấn đề là khi chúng ta đá với Olympic Brazil (2008), cậu ấy lại hát Quốc ca Brazil chứ không hát Quốc ca Việt Nam.
Nó chỉ là một hiện tượng nhưng phần nào đó phản ánh bản chất rằng, khi người ta mặc một bộ đồ tuyển quốc gia lên, nó không đơn giản chỉ là bộ quần áo mà còn cần thay đổi cả nhận thức văn hóa, cần coi đó là tổ quốc thứ hai của họ, phục vụ quyền lợi của quốc gia - tổ quốc thứ hai. Chứ không đơn giản là anh cầu thủ chỉ đi đá bóng để kiếm tiền.
Khi mặc áo ĐTQG thì còn cần nghĩa vụ, trách nhiệm với quốc gia tương ứng. Thế nên là một tuyển thủ quốc gia thì còn cần nhiều tiêu chuẩn. Việc thuộc bài Quốc ca chỉ là một phần bề mặt thôi nhưng cũng phản ánh, con người đó có hòa nhập cùng cộng đồng, bằng trách nhiệm, ý thức, tiêu chuẩn hay không, để cộng đồng chấp nhận họ là người Việt Nam đúng nghĩa".
Rafaelson - chỉ là "miếng vá" oái oăm cho ĐT Việt Nam hay người mở đường?
Nói riêng về trường hợp Rafaelson, BLV Quang Tùng tiếp:
"Ta tạm bỏ qua động cơ xem vì sao Rafaelson muốn nhập tịch Việt Nam, vì rất khó để có thước đo nào khẳng định chính xác. Liệu cậu ấy thật tâm nhập tịch, cống hiến cho bóng đá Việt Nam hay không thì lúc này ta chưa biết. Nhưng cậu ấy sẽ cần thể hiện khía cạnh có tính văn hóa ở đây, cần có những nhận thức, phong cách giống như một người Việt Nam. Còn về luật thì cậu ấy có thể đã đủ rồi".
Bàn luận về Rafaelson, BLV Quang Tùng đặt ra hai vấn đề, nếu ĐTVN quyết định gọi cầu thủ này lên thì với mục tiêu gì và liệu sẽ thay đổi được tới đâu:
"Với tôi, tôi còn nghĩ ở một khía cạnh khác. Bóng đá Việt Nam đúng là đang thiếu tiền đạo, một cầu thủ có khả năng săn bàn để giải quyết bài toán dứt điểm trên ĐTQG. Chúng ta đang cần nhân tố như thế hơn bất cứ lúc nào. Chúng ta đang muốn vươn lên, rồi đem so sánh với các cường địch khu vực như Thái Lan, Indonesia... Nhu cầu tìm tiền đạo trở nên gấp gáp, bức thiết hơn.
Nhưng nếu ta chỉ nhập tịch một cầu thủ thôi, liệu có thể thay đổi hoàn toàn chất lượng ĐTVN chưa? Một trường hợp có thay đổi nhưng chưa phải "cây đũa thần". Sự thay đổi cần phải làm toàn diện, thay đổi cả nền tảng cơ. Đấy mới là điều chúng ta cần. Còn nếu chỉ nhập tịch và dùng một cầu thủ thì chỉ là vấn đề mang tính thời điểm.
Ở thời điểm hiện tại, nếu ta nhập tịch và dùng Rafaelson, vấn đề nữa là ta nhắm đến mục tiêu nào? Kể cả có vài cầu thủ cùng độ tuổi cậu ấy, thì dành cho mục tiêu nào? Chúng ta không thể làm thế chỉ vì AFF Cup. Câu chuyện lớn như vậy thì phải là Vòng loại World Cup chứ? Vậy thì phải là năm 2027, 2028 mới đá. Nên nhập tịch một cầu thủ như Rafaelson cũng không làm gì.
Tất nhiên người ta sẽ nói, không có người thứ nhất thì sao có người thứ hai. Đồng ý. Nếu vậy thì là câu chuyện mang tính mở đường, tôi không có ý kiến gì. Còn để thay đổi hoàn toàn về chất cho bóng đá Việt Nam thì không hẳn đâu.
Thái Lan đã làm, Malaysia đã làm, Singapore đã làm và gần nhất là Indonesia đã làm. Vấn đề là phải làm ở một mức độ nào đó thì mới mang đến hiệu quả toàn diện. Malaysia làm không thành công. Sinagpore được một giai đoạn nhưng lại thôi. Thái Lan cũng ở mức vừa phải thôi. Indonesia thì đang có vẻ thành công. Nhưng Indonesia hai năm nay họ làm rất mạnh, trở thành một chiến lược, bài bản hơn, chiều sâu hơn và có hiệu quả. Có nghĩa là ta cần tìm vào các bài học đó, xác định mục tiêu ta hướng tới.
Còn để giải quyết đơn thuần một trường hợp riêng biệt nào đó thì ta có thể giải quyết được, sau khi cầu thủ nhập tịch ấy hội tụ được các yếu tố ta kể trên. Chứ để hy vọng bóng đá Việt Nam thay đổi mạnh mẽ chỉ với 1 trường hợp thì không ai đảm bảo được cả".
Nhập tịch cầu thủ, làm thế nào cho đúng?
Khi được hỏi, nếu xác định đẩy mạnh sử dụng các cầu thủ nhập tịch không mang dòng máu Việt Nam, ĐT chúng ta nên sử dụng với số lượng thế nào, BLV Quang Tùng tiếp:
"Tôi nghĩ chẳng có công thức nào cả cho việc dùng cầu thủ nhập tịch. Tất nhiên cũng phải có định hướng, để quá trình diễn ra trôi chảy, tạo ra sự thay đổi hoàn toàn về chất. Tăng cường lực lượng là điều ta mong muốn nhưng phải có chiến lược, chứ không phải chỉ là tiện cho ai đó, rồi chờ đợi thành công một cách may rủi. Ta đã làm là phải có tính toán, chuẩn bị sâu.
Bên cạnh đó, ta vẫn phải phát triển nền tảng của chúng ta ở trong nước.
Việc chúng ta thích hay không thì rất khó nói. Xu thế là tất yếu thôi, có những thứ ta thích hay không thì vẫn phải thừa nhận. Thể chất con người Việt Nam khó cải thiện trong 10, 15, 20 năm nữa. Nếu nhập tịch mà tốt hơn về thể chất thì ta cũng cần chấp nhận thôi. Với cả ta đã làm mạnh đâu để mà khẳng định nó rất tốt hay rất không tốt?
Quan trọng là sự mở đường, sự chấp nhận của số đông hay không? Ngoài ra là chủ trương có chiều sâu. Rồi chúng ta củng cố bóng đá nội tại nữa. Indonesia hay Thái Lan họ vẫn làm rất tốt việc phát triển bóng đá nội tại. Đó mới là điều đảm bảo để phát triển bóng đá bền vững hơn".
Câu chuyện ĐT Việt Nam và Rafaelson vẫn còn ở phía trước khá xa xôi. Thực tế mọi thứ mới chỉ là bàn luận, phía LĐBĐ Việt Nam và HLV Kim Sang-sik chưa hề có động thái nào về việc có gọi Rafaelson lên tuyển hay không.
Nếu mọi chuyện tới, hãy cứ chờ xem nó sẽ diễn ra thế nào!