Tối 21/11 sắp tới, ĐT Việt Nam thắng ĐT Iraq trong lần đầu tiên HLV Philippe Troussier cầm quân ở sân Mỹ Đình. Trước đó, ĐT Việt Nam đã ca khúc khải hoàn từ Rizal Memorial khi cầm 3 điểm trọn vẹn từ chủ nhà ĐT Philippines. HLV Philippe Troussier lao vào phòng họp báo với khí thế hừng hực và cất tiếng “gáy” như “Gà trống Gaulois”.
“Ai có thể ngạc nhiên vì những bàn thắng hôm nay chứ tôi thì không. Tôi thấy bóng đá Việt Nam hay ghi bàn kiểu trời ơi đất hỡi, còn bàn thắng của chúng tôi là đá theo bài. Chúng tôi đã tập rất kỹ và biết rằng trong thực tế sẽ như vậy.” – HLV Philippe Troussier vừa nói vừa bĩu môi.
Kịch bản giả tưởng về khởi đầu như mơ của ĐT Việt Nam ở vòng loại World Cup 2026, với phát biểu của HLV Philippe Troussier sau khi U22 Việt Nam thắng U22 Myanmar 3-1 để giành HCĐ SEA Games 32, có vẻ là hai mảnh ghép ăn khớp.
Nửa năm trước, HLV Philippe Troussier đã gây thất vọng khi U22 Việt Nam thua U22 Indonesia 2-3 dù được chơi hơn người ở bán kết và không thể bảo vệ HCV SEA Games. Bây giờ, sức ép trên vai nhà cầm quân người Pháp còn lớn hơn. Lướt trang mạng xã hội của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ta sẽ thấy những ý kiến tin tưởng ông Troussier chìm nghỉm trước làn sóng chỉ trích.
Thực tế, ông Troussier không phải mẫu HLV “dễ mến” trong mắt giới mộ điệu. Thời đỉnh cao sự nghiệp ở Nhật Bản, ông cũng mâu thuẫn với truyền thông và một số cầu thủ. Thời kỳ xuống dốc tại Trung Quốc, ông từng xô xát với CĐV Thâm Quyến Hồng Ngọc.
Lúc này, ĐT Việt Nam của HLV Philippe Troussier đang như chiếc lò xo bị nén. Lực nén có thông số rất rõ ràng: 3 thất bại, 0 bàn thắng, 10 bàn thua, 2 thẻ đỏ trong loạt trận FIFA Days tháng 10/2023. Những con số quá đủ khiến người hâm mộ Việt Nam đau lòng, dù ai đó giải thích rằng “đây là lúc thử nghiệm” hay “các đối thủ ĐT Trung Quốc, ĐT Uzbekistan, ĐT Hàn Quốc đều ở đẳng cấp hàng đầu châu Á”.
Thời gian thử nghiệm của HLV Philippe Troussier đã hết. Thời gian để ông nói về triết lý của mình hay những hạn chế của bóng đá Việt Nam cũng đã cạn. Vòng loại World Cup 2026 bắt đầu là lúc ĐT Việt Nam phải lột xác và bước vào lộ trình thăng tiến liên tục để bước tới đẳng cấp châu Á như mục tiêu đề ra.
Hoặc tìm ra giải pháp để bước tới thành công, hoặc rẽ vào ngả đường thất bại, đó là ngã ba định mệnh trước mắt ĐT Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier.
“Ngày xưa tụi thầy đá 11 trận không thắng, dư luận chỉ trích dữ lắm, thế rồi mình vô địch AFF Cup đấy” – Trợ lý Nguyễn Việt Thắng có thể nói vậy để khích lệ các học trò ở ĐT Việt Nam trước vòng loại World Cup 2026.
Chuỗi trận liểng xiểng và hành trình vô địch AFF Cup 2008 dưới thời HLV Henrique Calisto hẳn là tấm gương gần gũi với ĐT Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Việt Thắng chính là tiền đạo trụ cột trong đội hình lần đầu vô địch Đông Nam Á cách đây 15 năm và giờ đang là trợ lý của HLV Philippe Troussier.
Không dừng lại ở mức động viên tinh thần, chức vô địch AFF Cup 2008 mang đến một hình mẫu cụ thể để dự đoán quá trình vươn tầm của ĐT Việt Nam – nếu điều này xảy ra tại vòng loại World Cup 2026.
Năm 2008, ĐT Việt Nam của HLV Henrique Calisto đã lột xác nhờ một loạt điều chỉnh: chuyển từ sơ đồ 4-4-2 sang 4-2-3-1, chia tay những cầu thủ không thích hợp, có những quân bài tẩy xuất hiện đúng lúc.
Nói cách khác, ĐT Việt Nam năm 2008 là một tập thể đầy biến động từ chỗ thất bại tới khi thành công: Dương Hồng Sơn thay Phan Văn Santos trong khung thành, Công Vinh chuyển từ đá cặp tiền đạo với Việt Thắng sang hoạt động ở cánh trái, Vũ Phong đảo vị trí ra cánh phải, cấu trúc hàng tiền vệ thay đổi từ cặp Minh Phương – Tài Em thành bộ ba Tấn Tài – Minh Châu – Tài Em. Chỉ duy nhất hàng hậu vệ năm 2008 được cố định gồm Việt Cường – Như Thành – Phước Tứ - Quang Thanh.
Quan trọng hơn, đó là một tập thể có sự tự tin tăng dần qua từng trận đấu và tận dụng tối đa cơ hội khi may mắn mỉm cười: thắng hú vía Malaysia ở vòng bảng, vượt sức ép hạ ĐKVĐ Singapore ở bán kết, đánh bại kình địch Thái Lan để đăng quang đầy cảm xúc.
ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008
Trong bối cảnh HLV Philippe Troussier chọn cách xới tung đội hình mà HLV Park Hang Seo để lại sau 5 năm thành công cùng bóng đá Việt Nam thay vì nâng cấp lối chơi từ bộ khung của người tiền nhiệm thì ĐT Việt Nam đã rơi vào trạng thái bất ổn.
Câu hỏi đặt ra là liệu HLV Philippe Troussier có thực hiện những điều chỉnh chuẩn xác như HLV Henrique Calisto năm nào, để đưa ĐT Việt Nam từ trạng thái bất ổn bước vào chu kỳ chiến thắng và thổi bùng sự tự tin của cầu thủ qua từng trận đấu? Nhất là khi mục tiêu bây giờ của ĐT Việt Nam không chỉ là vô địch Đông Nam Á mà cần vượt tầm khu vực để theo đuổi giấc mơ World Cup.
Đặc biệt, chúng ta cần lưu ý rằng việc đưa đội tuyển vượt tầm Đông Nam Á, bước ra châu lục và thực hiện hóa giấc mơ World Cup là điều chưa có nền bóng đá nào trong khu vực làm được. Như vậy, nếu ĐT Việt Nam hoàn thành trọn vẹn mục tiêu mà HLV Philippe Troussier tuyên bố, chúng ta không chỉ tạo nên thành công vượt bậc với chính mình mà còn xứng đáng làm hình mẫu để bóng đá Đông Nam Á nghiên cứu.
Đặt mục tiêu vươn tầm châu lục nhưng bất thành rồi sa vào khủng hoảng – Không đội bóng nào ở Đông Nam Á hiểu thấu trải nghiệm này như Thái Lan.
Xét về tổng thế, câu chuyện của bóng đá Thái Lan có rất nhiều nét tương đồng với ĐT Việt Nam: Họ có một lứa cầu thủ xuất chúng so khu vực và một HLV thích hợp (Kiatisuk Senamuang). Họ gặt hái thành công khi gây tiếng vang ở ASIAD, vô địch AFF Cup, vào đến vòng loại cuối World Cup. Họ chịu những thất bại khi chạm trán các đối hàng đầu châu Á và bổ nhiệm những HLV từng cầm quân dự World Cup (Milovan Rajevac, Akira Nishino) để hy vọng vươn tầm…
Phần sau câu chuyện của bóng đá Thái Lan là điều không ai muốn bóng đá Việt Nam trải qua: Họ lún sâu hơn vào khủng hoảng. Lứa cầu thủ tài năng xuất chúng bị chững lại, bị đặt dấu hỏi về tinh thần cống hiến, trong khi thiếu lứa kế cận xứng đáng. Họ chịu thêm những thất bại ở cả khu vực Đông Nam Á lẫn châu Á...
Tuy nhiên, ĐT Thái Lan đã thoát khỏi khủng hoảng bằng việc bổ nhiệm một HLV có bề dày kinh nghiệm ở Thai League là Mano Polking. Lứa cầu thủ Chanathip Songkrasin (1993), Theerathon Bunmathan (1990), Sarach Yooyen (1992), Thitiphan Puangchan (1992), Teerasil Dangda (1988)… không còn tạo ra thành tích đáng chú ý ở tầm châu Á, khi đã đồng loạt bước qua tuổi 30, thế nhưng họ đã lấy lại ngôi vô địch Đông Nam Á. Điểm mấu chốt là dàn sao “tuổi băm” đã được HLV Mano Polking thiết kế lối chơi để phát huy hết điểm mạnh thay vì phải thay đổi bản thân để đáp ứng triết lý mới.
Điều trớ trêu là ĐT Thái Lan đã trở lại ngôi vô địch Đông Nam Á bằng việc vượt qua ĐT Việt Nam ở 2 kỳ AFF Cup liên tiếp.
So với ĐT Thái Lan thì lứa cầu thủ xuất chúng của bóng đá Việt Nam có độ tuổi trẻ hơn, độ cộng hưởng từ các lứa cầu thủ lớn hơn, thậm chí đạt nhiều thành công ngoài tầm khu vực hơn. ĐT Việt Nam kém ĐT Thái Lan về số chức vô địch AFF Cup (2 so với 7) nhưng thành tích dự U20 World Cup 2017, á quân U23 châu Á 2018, tứ kết Asian Cup 2019, tứ kết U23 châu Á 2022 là chuỗi thành công mà bóng đá Việt Nam đã tạo ra bằng nhiều lứa cầu thủ và người Thái chưa làm được. Ngoài ra, bóng đá Việt Nam không vướng vào những mâu thuẫn nội bộ nghiêm trọng như bóng đá Thái Lan trong thời gian qua.
Nếu ĐT Việt Nam “trật bánh” trong công cuộc nâng tầm lối chơi theo triết lý của HLV Philippe Troussier, thì có thể chúng ta cũng không lún sâu vào khủng hoảng như ĐT Thái Lan đã từng. Hoặc giả, nếu rơi vào chu kỳ khủng hoảng thì ít nhất ĐT Việt Nam cũng có tấm gương chặn đà lao dốc từ chính kình địch để tham khảo kinh nghiệm.
Nguyễn Quang Hải, Hồ Tấn Tài (1997), Hoàng Đức, Phạm Tuấn Hải (1998), Đoàn Văn Hậu, Bùi Hoàng Việt Anh (1999)… đều chưa bước qua tuổi 27 và thật bất công nếu dự đoán ĐT Việt Nam sẽ tụt dốc không phanh trong trường hợp HLV Philippe Troussier thất bại.
Tuy nhiên, HLV Philippe Troussier thành công với ĐT Việt Nam và 2 chiến thắng trước ĐT Philippines, ĐT Iraq là khởi đầu cho một chu kỳ đi lên ấn tượng… mới là kịch bản mà chúng ta đang chờ đợi.