"Đốt vàng mã người chết không nhận, không ăn được!"

Viết Dũng |

Hòa thượng Viên Minh, trụ trì chùa Bửu Long - ngôi chùa không nhang khói ở TP HCM cho rằng, tín ngưỡng lành mạnh thì giữ, còn mê tín dị đoan nên loại bỏ.

Theo Hòa thượng Viên Minh - trụ trì chùa Bửu Long (ngôi chùa không nhang khói ở phường Long Bình, quận 9, TP HCM), tục đốt vàng mã trong đạo Phật hoàn toàn không có, cũng không phải là tín ngưỡng văn hóa người Việt.

"Về tục đốt vàng mã, tôi lấy ví dụ, mỗi vùng miền ở nước ta đều có những thực phẩm riêng. Đồ ăn của người miền Nam thì người miền Bắc nhiều khi dùng không được, đó là thực phẩm sống mà còn vậy. 

Đằng này, vàng mã bằng giấy, đốt đi người chết sống sao mà nhận, ăn được? Tuy nhiên nhiều người vẫn không hiểu, vẫn mua vàng mã để đốt là hoàn toàn sai, điều này không có trong đạo Phật.

Vừa qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị không lạm dụng việc đốt vàng mã, tôi hoàn toàn ủng hộ. Theo tôi, tín ngưỡng lành mạnh mình nên giữ còn mê tín dị đoan nên loại bỏ", Hòa thượng Viên Minh chia sẻ.

Đốt vàng mã người chết không nhận, không ăn được! - Ảnh 1.

Chùa Bửu Long.

Hòa thượng Viên Minh cho biết, mùi khói vàng mã rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ông đã đi nhiều chùa, thấy người dân đốt vàng mã nghi ngút khói cũng không chịu nổi.

"Những người bình thường không chịu được thì những người có bệnh mãn tính thì làm sao chịu nổi. Còn chưa kể đốt vàng mã gây ôi nhiễm môi trường, cháy nổ, lãng phí...

Thay vì bỏ tiền sắm vàng mã với hình dáng siêu xe, nhà lầu… thì nên ăn hiền ở lành. Luật nhân quả người nào sống tốt sẽ được an lành hạnh phúc. 

Thay vì đó mình hãy dành tiền đi làm việc thiện giúp những hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật, tàn tật.

Tại chùa Bửu Long không đốt vàng mã, Phật tử đến đây cầu nguyện và gửi tiền làm từ thiện. Việc này rất thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cần được nhân rộng", Hòa thượng Viên Minh khuyên.

Đốt vàng mã người chết không nhận, không ăn được! - Ảnh 2.

Chùa Bửu Long không thắp nhang và đốt vàng mã.

Theo Hòa thượng Viên Minh, đa số mọi người đến chùa Bửu Long đều không mang hương, vàng mã. Tuy nhiên cũng có 1 số người không biết đã mang hương, vàng mã đến chùa định đốt nhưng khi được giải thích thì họ dừng.

Thầy Viên Minh cho biết thêm, tục đốt vàng mã đã trở thành thói quen, không dễ dàng loại bỏ khỏi đời sống của người dân. Các cơ sở Phật giáo cần tuyên truyền giáo dục Phật tử hàng ngày mới mong thay đổi. 

Trao đổi với PV, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký Hội đồng trị sự kiêm Chánh văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tục đốt vàng mã xuất hiện từ rất lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên không dễ thay đổi.

Công  văn 31 chỉ nhằm mục đích giáo dục, khuyên răn Phật tử loại bỏ việc đốt vàng mã, chứ không thể cấm hoàn toàn. Công văn chỉ có thể ảnh hưởng trên phạm vi các cơ sở Phật giáo và giáo dục Phật tử.

"Khi luật pháp quy định rõ ràng thì vấn đề này mới được giải quyết triệt để", Hoà thượng Thích Huệ Thông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại