Tờ TechinAsia mới đây đã có bài viết phân tích về hoạt động kinh doanh của VNG. Bài viết chỉ ra một số điểm đáng chú ý về các mảng kinh doanh chủ chốt của VNG như game online, Zalo, Zalopay...
Game online: Liệu có còn là người làm chủ cuộc chơi?
Giống Sea Group – VNG có gốc rễ sâu khởi đầu từ mảng game. Trên thực tế, đây vẫn là lĩnh vực đóng góp 70% – 80% tổng doanh thu cho công ty. Công ty này hiện điều hành và phân phối game từ những studio khác và cũng tự phát triển một số tựa game của riêng mình.
Doanh thu mảng game trực tuyến của họ chứng kiến mức tăng 90% so với năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu mảng này đã giảm 12,7% trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng giai đoạn vào năm 2021. Điều này cũng không gây ngạc nhiên khi nhu cầu giảm hậu đại dịch.
Kể cả Sea Group – công ty vừa thông báo cắt giảm 7.000 việc làm vào năm ngoái cũng chứng kiến sự sụt giảm trong mảng giải trí kỹ thuật số Garena. Theo phân tích của TechinAsia, kết quả quý 3/2022 của công ty cho thấy doanh thu hàng đầu của Garena sẽ chậm lại hơn nữa, do những trở ngại kéo dài ảnh hưởng đến số lượng người dùng, mức độ tương tác và khả năng kiếm tiền của Free Fire.
Cũng cần phải lưu ý rằng, VNG không có tựa game tự phát triển có quy mô như Free Fire của Sea. Tuy nhiên, họ có một vài tiến bộ trong thị trường quốc tế với Dead Target và những tựa game khác phát triển bởi ZingPlay Studio sau khi chi tiêu mạnh tay cho các thị trường quốc tế kể từ năm 2021.
ZPS và MadPoly Studio – chi nhánh đứng sau Dead Targer sẽ tiếp tục là 2 cỗ máy chính cho lực đẩy game của công ty bên ngoài Việt Nam.
Mặt khác, hội đồng quản trị của công ty gần đây đã tuyên bố rằng số tiền thu được từ việc bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ sẽ được sử dụng làm chi phí cấp phép và marketing cho các tựa game như PUBG Mobile và Võ Lâm truyền kỳ bản mobile trong 2 năm tới. Điều này cho thấy công ty vẫn đầu tư mạnh tay vào những tựa game nổi tiếng từ những nhà phát triển khác như Garena, Tencent và Kingsoft.
Zalo có phải là superapp không?
VNG cũng ghi nhận lỗ gần 33 triệu USD trong 9 tháng đầu năm 2022 do đầu tư tăng vào các công ty con và công ty liên kết. Đặc biệt, công ty đã bơm nhiều tiền hơn vào Zion – công ty điều hành ZaloPay. Năm 2022, VNG đã tăng sở hữu tại Zion từ 60% lên 69%.
Hồi năm 2020, TechinAsia đã phân tích lý do tại sao sự hiện diện phổ biến của Zalo chưa biến ZaloPay có thể thống trị thị trường nội địa. Theo báo cáo mới của Data.ai, ZaloPay xếp thứ 6 về lượng người dùng hoạt động hàng tháng tại Việt Nam, xếp sau ứng dụng tài chính của Techcombank, Vietcombank và MoMo. Cũng trong báo cáo này, ZaloPay không có trong top 10 ứng dụng tài chính dẫn đầu về lượt tải xuống.
Cũng theo nhận định trước đó của TechinAsia, hiện cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam vô cùng gay gắt và các bên đều không tiếc tay chi tiền khuyến mại nhằm giành giật khách hàng. Tuy nhiên, sự thật là những khuyến mại không thể tồn tại mãi.
Để có được lợi nhuận, các công ty ví điện tử vẫn cần phải chờ rất lâu nữa và người chiến thắng phải là người có nguồn tài chính bền vững để cạnh tranh và quan trọng là làm sao để tạo ra tiền từ dữ liệu khách hàng.
"Một vài công ty phá sản hoặc sáp nhập cũng sẽ là viễn cảnh có thể xảy ra".
Cho đến khi đó, cuộc chơi vẫn chưa kết thúc và những người chơi vẫn phải tiếp tục chiến đấu để giành chiến thắng.
Về phần mình, trong một bài phỏng vấn độc quyền với TechinAsia vào năm 2022, COO của Zalo là Nguyễn Công Chính nói rằng công ty ưu tiên chức năng tin nhắn thay vì những tính năng bổ sung khác.
Bản cáo bạch của VNG cũng cho thấy rằng công ty vẫn muốn theo đuổi 2 chiến lược khác nhau: Zalo – dịch vụ tin nhắn cho cả cá nhân và doanh nghiệp và ZaloPay – ví điện tử. Điều này xác nhận giả định trước đó của TechinAsia rằng ZaloPay không phải là trung tâm trong nỗ lực thúc đẩy siêu ứng dụng của VNG.
Tin tốt là lĩnh vực dịch vụ điện toán đám mây, tài chính, thanh toán của công ty đang phát triển nhanh. 9 tháng đầu năm 2022, mảng này đóng góp gần 12% vào tổng doanh thu so với mức 5% trong năm 2020. Tuy nhiên, hiện không rõ VNG sẽ đổ bao nhiêu tiền vào để duy trì việc cạnh tranh bên ngoài mảng game.
Nguồn: TechinAsia