Mỹ bắt đầu thu thuế 15% với hàng nhập khẩu Trung Quốc, tổng giá trị khoảng hơn 110 tỉ USD. Chiều ngược lại số mặt hàng Mỹ trị giá 75 tỉ USD bị Trung Quốc đánh thuế 5%.
So với hai đợt thuế mà Mỹ - Trung áp đặt lên hàng hóa của nhau trước đó, “vòng đấu” mới đây cùng kế hoạch đánh thuế ngày 15.12 tới có điểm khác biệt.
Theo nhà kinh tế Aditya Bhave làm việc cho ngân hàng Bank of America Merrill Lynch: “Các lần trước rõ ràng cố gắng tránh hàng tiêu dùng. Nhưng lúc này không còn sản phẩm không phải hàng tiêu dùng nào chưa bị đánh thuế”.
Những mặt hàng mua sắm phổ biến như máy tính xách tay, giày dép cùng đồ chơi đang bị nhắm đến, gây tác động xấu đến niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong lúc nền kinh tế nước này ở vào thời điểm nhạy cảm – dùng chi tiêu bù đắp cho ngành sản xuất trì trệ.
Ngân hàng JPMorgan Chase từng dự báo thuế quan chính quyền Mỹ áp đặt với hàng Trung Quốc khiến một hộ gia đình Mỹ mất trung bình 600 USD/ năm. Qua hai đợt thuế tháng 9 cùng tháng 12 có thể tăng lên 1.000 USD.
Nhà kinh tế Bhave lưu ý rằng đợt thuế 15.12 đặc biệt rủi ro vì Mỹ khó lòng kiếm nguồn cung thay thế hàng Trung Quốc sắp bị nhắm đến, sản phẩm từ đối tác thương mại châu Á chiếm 80% lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ. Không còn phương án thay đổi nhà cung cấp thì doanh nghiệp Mỹ buộc phải đẩy phần chi phí phát sinh về phía người tiêu dùng.
Thuế quan mới cũng là “đòn đau” cho Trung Quốc. Nhà kinh tế Bhave đánh giá nền kinh tế châu Á không thể không bị thiệt hại mặc dù họ “chịu đau” khá tốt. Lĩnh vực hứng chịu tác động tiêu cực sẽ bao gồm ngành sản xuất, đầu tư tư nhân, niềm tin người tiêu dùng, chi tiêu công.