Theo bác sĩ Đinh Hoàng Phát, Khoa Nội tim mạch - Lão học, đơn vị đột quỵ, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng 10%-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy số bệnh nhân đột quỵ nặng không tăng cao nhưng xu hướng ngày càng trẻ hóa. Có bệnh nhân dưới 20 tuổi bị đột quỵ, méo miệng, yếu nhẹ nửa người, may mắn vùng não tổn thương ít nên hồi phục tốt.
Ăn mòn thể chất
Bác sĩ Phát cho biết nếu bệnh nhân bị đột quỵ đến bệnh viện trễ, não tổn thương nhiều sẽ để lại những di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động. Một số người sau đột quỵ bị yếu liệt nửa người không đi lại được làm tăng tỉ lệ tàn phế; nói chuyện không được, mất khả năng giao tiếp; lơ mơ, hôn mê, sống thực vật... khả năng hồi phục rất thấp. Những người phải nằm một chỗ vì di chứng đột quỵ trong thời gian dài sẽ có thể viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, loét lưng, có huyết khối ở mạch máu…
Bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh
"Nếu bệnh nhân nhập viện trong 6 giờ là giờ vàng của đột quỵ, bác sĩ có thể sử dụng những phương pháp tái thông mạch máu, làm giảm vùng não tổn thương, di chứng sẽ ít hơn, hồi phục tốt" - bác Phát cho biết.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM Cơ sở 3 - cho biết nếu đột quỵ xảy ra ở thân não, nơi kiểm soát các chức năng quan trọng của cơ thể như hô hấp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể thì có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Loại đột quỵ này có nhiều khả năng khiến bệnh nhân hôn mê hoặc tử vong.
Đột quỵ ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ lên hệ thần kinh nên bệnh nhân có nguy cơ cao bị co giật. Điều này thường phụ thuộc vào kích thước của vùng não bị đột quỵ, vị trí và mức độ nghiêm trọng của nó. Một nghiên cứu cho thấy 1/10 trường hợp có thể phát triển co giật sau đột quỵ.
Ảnh hưởng về nhận thức
Ngoài thể chất, bác sĩ Vũ cho hay đột quỵ khiến bệnh nhân gặp phải một số dạng suy giảm nhận thức. Bệnh nhân sẽ gặp các vấn đề về sử dụng ngôn ngữ bao gồm khó nói, nhầm lẫn từ, khó hiểu lời nói của người khác và các vấn đề về đọc, viết. Bên cạnh đó, tổn thương tế bào não trong cơn đột quỵ thường xuyên có thể gây mất trí nhớ. Bệnh nhân có thể khó nhớ từ, tên, khuôn mặt, tuyến đường, các sự kiện gần hoặc thông tin mới. Họ cũng có thể nhầm lẫn giữa các cảm giác như nóng và lạnh hoặc ngứa ran như kim châm.
"Những việc đơn giản như làm theo chỉ dẫn có thể khó đối với người bị đột quỵ vì chấn thương não có thể làm chậm hoặc làm giảm khả năng xử lý thông tin và giao tiếp có thể là một cuộc đấu tranh. Đọc và viết cũng có thể trở nên khó khăn hơn. Đối với nhiều người, những khó khăn này sẽ giảm bớt khi chữa bệnh và trị liệu nhưng đối với một số người, chúng sẽ dai dẳng" - bác sĩ Vũ nói.
Bên cạnh đó, có tới 50% bệnh nhân đột quỵ trải qua rối loạn cảm xúc tại một số thời điểm. Họ có những đợt bùng nổ cảm xúc không thể kiểm soát, bao gồm cười cuồng loạn hoặc nước mắt tuôn trào và các cảm xúc này có thể diễn ra trong bối cảnh xã hội không phù hợp.
Các bác sĩ khẳng định nếu người đã bị đột quỵ thì họ có nguy cơ cao bị đột quỵ lần thứ hai hoặc cơn đau tim. Vì vậy, để ngăn ngừa một cơn đột quỵ khác, các bác sĩ khuyến nghị người bệnh thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất nhiều hơn, dùng thuốc theo đơn nếu cần thiết.
Vì sao đột quỵ có xu hướng trẻ hóa?
Theo bác sĩ Đinh Hoàng Phát, trước đây, đột quỵ gặp chủ yếu ở người cao tuổi nhưng ngày nay đã có xu hướng trẻ hóa. Bởi bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, trong khi đó, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ.
Bên cạnh đó, do đời sống của người dân ngày càng được nâng cao nên việc sử dụng rượu, bia ở giới trẻ ngày một nhiều, các món nhậu có nguy cơ làm gia tăng mỡ máu. Mỡ máu tăng lâu dần sẽ làm xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Trong khi đó, áp lực công việc của giới trẻ gia tăng, thời gian để vận động thể chất thiếu sẽ dễ gây béo phì, thừa cân... Tất cả các yếu tố đó đều có nguy cơ làm gia tăng bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch và sự gia tăng đột quỵ khó tránh khỏi.
Bác sĩ Phát khuyến cáo những người trẻ không nên chủ quan về sức khỏe của bản thân, cần khám tầm soát thường xuyên để phòng ngừa đột quỵ.