Đột quỵ ở người trẻ tuổi có liên quan tới Covid-19 hay không?
Thời gian qua, trên mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những thông tin cảnh báo về đột quỵ xảy ra ở người trẻ. Trong đó, có trường hợp là học sinh tắm đêm sau đó không may đột tử, có những trường hợp đang chơi thể thao mệt mỏi rồi bất tỉnh được đưa vào bệnh viện và được xác nhận đã đột quỵ… Nhiều người nghĩ tình trạng đột quỵ ở người trẻ tuổi có liên quan tới Covid-19.
Khi chúng tôi trao đổi vấn đề này với BSCKI Đào Duy Khoa, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM, bác sĩ cho hay, đã có một số nghiên cứu cho thấy nhiễm Covid-19 có thể có liên quan đến nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, hiện bệnh viện chưa có số liệu chính thức về nguy cơ đột quỵ ở người trẻ có liên quan tới Covid 19.
Bác sĩ Khoa nói thêm, nguyên nhân chính xác vì sao Covid-19 có thể có liên quan tới đột quỵ vẫn chưa rõ ràng. Hiện nay, các giả thiết được đưa ra là do có liên quan đến hiện tượng tạo máu đông do viêm, tăng đông máu,...
Nguyên nhân đột quy ở người trẻ
Theo bác sĩ Khoa, nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ khác so với người lớn tuổi. Theo đó, người trẻ tuổi bị đột quỵ thường do: bệnh lý huyết học; tăng đông máu; viêm, bóc tách động mạch; moyamoya (bệnh lý hiếm của mạch máu não); các bệnh lý tim mạch (suy tim, bệnh van tim hậu thấp, bệnh tim bẩm sinh, rung nhĩ,...).
Ngoài ra, đột quỵ ở người trẻ còn có liên quan tới yếu tố thói quen, chế độ sinh hoạt không lành mạnh (sử dụng chất kích thích, bia rượu,...) cũng như đặc điểm tiền sử bệnh nền.
Bác sĩ Khoa cho hay, để hạn chế gặp phải đột quỵ ở người trẻ nói riêng và các độ tuổi khác nói chung, tùy theo đặc điểm cá nhân của mỗi người mà áp dụng các biện pháp như sau:
- Nên biết mình có tăng huyết áp không: Kiểm tra huyết áp ít nhất 1 lần mỗi năm nếu bình thường. Nếu tăng huyết áp, nên khám và điều trị để kiểm soát tốt huyết áp.
- Nên khám tim xem có bị rung nhĩ hay các loại bệnh tim khác không. Nếu có vấn đề tim mạch phải khám điều trị ngay và thường xuyên.
- Nên bỏ thuốc lá nếu bạn đang hút thuốc.
- Nên hạn chế sử dụng rượu bia.
- Nên tiết chế trong ăn uống nếu có tăng cholesterol. Ngoài ra, cần tập luyện và uống thuốc theo đơn.
- Nên kiểm soát tốt đường huyết nếu có đái tháo đường. Hãy khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nên vận động, tránh ngồi một chỗ nhiều, nên tập thể dục đều đặn.
- Nên có chế độ ăn ít muối, ít mỡ béo.
Theo bác sĩ Khoa, khi phát hiện người đột quỵ, việc sơ cứu đúng ban đầu sẽ hạn chế được những biến chứng cho bệnh nhân. Theo đó, cách xử trí đúng như sau:
- Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương.
- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng người qua một bên nếu nôn ói; móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
- Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
- Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.
- Không để nằm chờ xem người bệnh có khỏe lại không.
- Không cạo gió, cắt lể, cúng bái…
- Phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi.