Theo Medical Xpress, nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Tel Avivi - Israel đã phát triển trong phòng thí nghiệm các tế bào bạch cầu loại B được biến đổi bằng kỹ thuật chỉnh sửa gien CRISPR để có thể tiết ra lượng kháng thể trung hòa đủ nhiều và mạnh mẽ đế chống lại virus HIV.
Như vậy thuốc này sẽ hoạt động như một loại vắc-xin , nhưng để trị bệnh hơn là phòng bệnh.
Các tế bào B được chỉnh sửa trong đĩa thí nghiệm - Ảnh: Đại học Tel Aviv
Tế bào B là một loại tế bào bạch cầu của cơ thể người, chịu trách nhiệm tạo ra kháng thể chống lại virus, vi khuẩn và các mầm bệnh khác. Tế bào B hình thành trong tủy xương, di chuyển vào máu khi trưởng thành và theo hệ bạch huyết đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Tiến sĩ Adi Barzel, một trong các tác giả chính của nghiên cứu, cho biệt nhóm của ông là một trong những nhóm hiếm hoi trên thế giới đã thành công trong việc nuôi các tế bào B ngoài cơ thể và điều chỉnh nó.
Kỹ thuật di truyền được thực hiện với các chất mang virus, có nguồn gốc từ virus đã được thiết kế lại để không gây thiệt hại mà chỉ đưa gien mã hóa cho kháng thể vào các tế bào B. "Ngoài ra, chúng tôi đã có thể đưa chính xác các kháng thể vào vị trí mong muốn trong tế bào B" - tiến sĩ Barzel nhấn mạnh.
Thử nghiệm giai đoạn 1 trong phòng thí nghiệm đã hoàn toàn thành công, vô hiệu hóa được virus. Các kết quả vừa công bố trên tạp chí Nature Biotechnology.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tiến tới các vòng thử nghiệm tiếp theo - thử nghiệm trên chuột và thử nghiệm lâm sàng trên người. Nếu tiếp tục thành công, nó sẽ tạo nên một bước đột phá nhảy vọt trong cuộc chiến chống HIV/AIDS bởi loại vắc-xin điều trị này được thiết kế để chỉ phải tiêm một lần duy nhất trong đời.