Vì vậy, khi đột ngột đau họng, khó nuốt - nói, khó thở cần tới cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán bệnh.
Theo BS. Đào, bệnh viêm thanh thiệt có thể gặp ở mọi lứa tuổi khi có yếu tố nguy cơ như người có hệ miễn dịch suy giảm, hoặc sau khi uống rượu lạnh, rượu ngâm (tự pha chế),… và đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em bởi tổ chức liên kết vùng này lỏng lẻo, kích thước thanh môn hẹp dễ gây khó thở.
Bệnh diễn biến nhanh với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như sốt, nuốt vướng, nuốt đau, tăng tiết nước bọt, khó thở, trạng thái tinh thần kích thích. Nhiều trường hợp không nuốt được, khó thở, có tiếng rít, toàn thân kích thích vật vã, có thể mất ý thức do bít lấp toàn bộ đường vào phổi.
Hình ảnh bệnh nhân bị viêm thanh thiệt và thanh thiệt ở người bình thường.
Trước đây không lâu, Bệnh viện Tai Mũi Họng cũng đã cấp cứu thành công một bệnh nhân suýt mất mạng vì viêm thanh thiệt cấp.
Bệnh nhân nam 41 tuổi, quê Thanh Hoá, làm nghề bán hàng rong. Anh nhập viện trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, không làm chủ được chuyện tiểu tiện. Đặt biệt khi đến bệnh viện, nạn nhân đã ngưng thở.
Khai thác bệnh sử, trước đó 20 ngày, bệnh nhân có ăn cơm với cá và có cảm giác vướng họng, nên nghĩ mình hóc xương. Bệnh nhân cố gắng khạc ra nhưng tình trạng không thuyên giảm mà càng lúc càng nặng. Đỉnh điểm là ba tuần sau, khi chuẩn bị đi làm, bệnh nhân cảm thấy không thở nổi.
Bệnh nhân được đặt nội khí quản và khai thông đường thở ngay lập tức, đồng thời xử lý lồng ngực, xoa bóp tim. Nhờ được cứu chữa kịp thời, sau khi mở khí quản, đường thở bệnh nhân được khai thông.
Các bác sĩ cho biết, thời gian phải cấp cứu cho bệnh nhân dưới 4 phút, vì nếu để quá thời gian này, tế bào não khó lòng hồi phục được. Trường hợp của bệnh nhân này thanh thiệt đã phù nề lên, nên khó khăn nhất là việc đặt nội khí quản. Thật may mắn, bệnh nhân đã đến cấp cứu kịp thời, bởi chỉ cần trễ một chút, bệnh nhân có thể sống đời sống thực vật.
Chia sẻ về chẩn đoán bệnh, BS. Đào cho biết, thăm khám ban đầu bằng đè lưỡi thấy thanh thiệt sưng đỏ, nề mọng. Soi thanh quản gián tiếp thấy các cấu trúc xung quanh và thanh thiệt phù nề, sung huyết, che lấp thanh môn.
X-quang cổ nghiêng có dấu hiệu ấn ngón tay hay hình ảnh ngón tay cái do thanh thiệt sưng to.
Về nguyên nhân, BS Đào cho biết, thường từ viêm nhiễm vùng họng, thực quản do vi khuẩn Hib, do nấm, herpes, hoặc do virus tế bào đại tràng (Cytomegalo virus). Các yếu tố khác do tác động bên ngoài như hóc xương, ăn hoặc uống những đồ quá lạnh có thể gây phù nề thanh quản. Ngoài ra, ở những bệnh nhân bị ung thư, phải xạ trị vùng cổ cũng có biểu hiện bệnh này.
Để điều trị, BS Đào cho rằng theo mức độ và nguyên nhân gây bệnh mà có những chỉ định điều trị khác nhau, nếu ở thể nhẹ việc điều trị toàn thân bằng uống kháng sinh, kháng viêm, hạ sốt giảm đau. Điều trị tại chỗ là khí dung kháng viêm, giảm phù nề, giãn cơ trơn đường hô hấp (salbutamol)…
Đối với thể nặng, BS Đào nhấn mạnh có thể phải điều trị nội trú, với các biện pháp hỗ trợ thở oxy, mở khí quản hoặc đặt nội khí quản. Khi đó bệnh nhân phải dùng kháng sinh, kháng viêm, hạ sốt truyền tĩnh mạch. “Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong trước khi đến được cơ sở y tế do bít lấp đường hô hấp”- BS Đào nói.
Vì vậy việc phát hiện sớm với các biểu hiện của bệnh như, đột ngột đau họng, khó nuốt - nói, khó thở cần được cấp cứu và xử trí kịp thời, BS Đào khuyến cáo.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Biện pháp được khuyến cáo: Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là dự phòng với vi khuẩn Hib (H influenza type b). Với người lớn tiêm phòng thường quy không được khuyến cáo, ngoại trừ đối với những bệnh nhân suy giảm miễn dịch ung thư, thiếu máu hồng cầu liềm hoặc các bệnh khác.
Trong mọi trường hợp, các BS khuyên người dân, khi phát hiện các triệu chứng như đau họng, khàn tiếng, khó thở, thay đổi giọng nói đột ngột,… cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên môn thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm.