Hình ảnh chụp MRI sọ não có tiêm thuốc cản quang phát hiện u não của bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân T.V.C. (63 tuổi, trú tại Yên Định, Thanh Hóa) có tiền sử khỏe mạnh và không có thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ.
Cách ngày vào viện 3 ngày, bệnh nhân bị đau đầu, chóng mặt, đi lại khó khăn, mất cân bằng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị các triệu chứng trên tại nhà nhưng không đỡ mà ngày càng trở nặng hơn nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá khám bệnh.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, qua thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng và chụp MRI sọ não, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có u tiểu não bên trái, kích thước 3x2cm. Bệnh nhân ngay sau đó được hội chẩn và chuyển về Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực điều trị.
ThS.BS Lê Ngọc Biển, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh - Lồng ngực cho biết: Đây là ca bệnh khó bởi khối u nằm ở vị trí sâu, phức tạp, đã xâm lấn vào thân não, gần với xoang ngang. Thêm vào đó, khi nhập viện, bệnh nhân đã bị phù não, chèn ép thần kinh và chèn ép thân não, không thể đi lại được.
Sử dụng kính vi phẫu để phẫu thuật cắt bỏ khối u não cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
"Nếu phẫu thuật theo phương pháp mổ hở với đường mổ lớn để lấy khối u thì bệnh nhân có khả năng phải chịu di chứng nặng nề như liệt chân, liệt tay và đối mặt với nhiều nguy cơ tai biến. Vì vậy, sau khi hội chẩn, chúng tôi đã quyết định tiến hành phẫu thuật u tiểu cầu não cho bệnh nhân bằng kính vi phẫu" - ThS.BS Lê Ngọc Biển cho hay.
Theo ThS.BS Lê Ngọc Biển, để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và hiệu quả điều trị tốt nhất, trước phẫu thuật, bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa chống phù não, sau đó mới tiến hành phẫu thuật bóc tách khối u não.
Sau 3 giờ tiến hành ca phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ và gỡ dính thành công hoàn toàn khối u ăn sâu vào các cấu trúc mạch máu thần kinh quan trọng như dây thần kinh sọ số V, VI, VII, VIII, động mạch não sau, động mạch tiểu não trên, hạn chế tối đa tổn thương não trong quá trình phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, triệu chứng đau đầu giảm nhiều, tay chân cử động bình thường và không xuất hiện thêm triệu chứng tổn thương thần kinh mới nào. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được ra viện sớm.
Cũng theo ThS.BS Lê Ngọc Biển, u tiểu não đa phần không thể phòng tránh được. Thậm chí, khi khối u xuất hiện, bệnh nhân gần như không hề hay biết với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh khác và khá mơ hồ như đau đầu, ù tai, tầm nhìn thay đổi, chóng mặt…
Đối với những trường hợp khối u tiểu não có kích thước lớn, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, khối u sẽ ngày càng to. Bệnh nhân không chỉ đau đầu, nuốt sặc, yếu liệt tăng dần, mà thậm chí sẽ có nguy cơ đi vào hôn mê và tử vong bất cứ lúc nào.
Chính vì vậy, ThS.BS Lê Ngọc Biển khuyến cáo: Khi có các triệu chứng bất thường như trên, người dân nên đến các cơ sở y tế được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại để nhanh chóng phát hiện và chữa trị kịp thời. Đồng thời, mỗi người dân nên có thói quen thăm khám sức khoẻ định kỳ để tầm soát và sớm phát hiện các bệnh lý, đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và gia đình.