Kỳ 7 trong series "Những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh" lần này đưa độc giả khám phá một trong khu vực đáng sợ nhất trên Trái Đất: Hoang mạc Sonoran, nơi sinh sống của một trong những sinh vật chứa nọc độc chết chóc nhất giới tự nhiên.
#7: Lãnh địa của bầy rắn độc - Cuộc "đột kích" trong đêm
Có mặt trong danh sách "10 loài rắn chết chóc nhất hành tinh", loài rắn độc này được xem là "cơn ác mộng được báo trước" của con người và nhiều loài động vật.
Sở hữu nọc độc có thể phá vỡ mạch máu, gây rối loạn đông máu, tê liệt nặng, hoại tử và hủy hoại mô, một khi nọc độc của "kẻ tử thần" này được bơm vào cơ thể sống, ngay cả con người cũng khó thoát khỏi "cửa tử" mười mươi.
Ấy vậy mà "cỗ quan tài di dộng" dài gần 2m lại là loài động vật đặc hữu, sinh sôi nảy nở rất phong phú tại hoang mạc Sonoran rộng 260.000 km2 của vùng Bắc Mỹ. Vùng đất ẩn chứa mối nguy hiểm chết người này lại rất thu hút giới thám hiểm tự nhiên của Mỹ.
Cùng theo chân một nhiếp ảnh gia, thợ lặn, nhà thám hiểm, kiêm blogger nổi tiếng của Mỹ (tên blog là Escaping Abroad) để khám phá thế giới của sinh vật chết chóc này.
MÀN ĐÊM ĐẶC QUÁNH TẠI HOANG MẠC "CHẾT CHÓC" SONORAN
Nếu nghĩ rằng, tại vùng đất chỉ toàn sỏi cát và nắng nóng này, sự sống khó mà nảy nở, ấy là lúc bạn chưa khám phá một hoang mạc Sonoran khi Mặt trời tắt nắng và màn đêm buông xuống.
Một thế giới đầy nhộn nhịp của những cư dân vùng Sonoran chỉ thực sự bắt đầu khi thứ ánh sáng nóng hàng chục độ C kia chịu hạ nhiệt và ngủ quên ở một miền triền cát nào đó.
Càng về đêm, những lớp cát ban ngày bị Mặt trời thiêu đốt dần nguội đi, mặt cát nhờ thế cũng bắt đầu chuyển động lạ thường. Đó là lúc những đội quân chết chóc - "cơn ác mộng" của những tay thám hiểm tự nhiên là chúng tôi - bắt đầu xuất hiện: Chúng là nhện độc Tarantulas, bọ cạp, bọ khổng lồ và (dĩ nhiên rồi) rắn độc.
Tôi cùng một người bản địa dạn dày kinh nghiệm tiến vào hoang mạc Sonoran vào một đêm như thế để săn lùng cư dân nguy hiểm nhất của nó - Rắn đuôi chuông.
Sonoran có tất cả 17 loài rắn đuôi chuông sinh sống. Điều đáng nói là chúng đều sỡ hữu nọc độc gây chết người!*
Giờ đang vào Xuân. Chúng tôi phải chờ mất 3 tháng để lên kế hoạch thâm nhập vùng đất "lành ít dữ nhiều" này cũng bởi, mùa đông là mùa của những loài bò sát máu lạnh ngủ đông.
Văng vẳng trong bầu không khí tĩnh mịch của hoang mạc Bắc Mỹ là tiếng lạo xạo quen thuộc của tất cả các cư dân vùng Sonoran: Âm thanh đáng sợ phát ra từ những cái đuôi của rắn chuông.
Sau kỳ ngủ đông dài đằng đẵng, để lấp đầy những cái bụng rỗng suốt 3 tháng trời nằm trong ổ, những con rắn đuôi chuông bắt đầu một mùa đi săn mới. Và âm thanh đầy kích động từ những cái đuôi phần nào cho thấy chúng không những háu đói mà còn sẵn sàng cho cuộc giao tranh sống còn.
Có lẽ trong thế giới loài rắn, rắn đuôi chuông là đặc biệt hơn cả nhờ sở hữu "cái chuông cảnh báo" ở cuối đuôi. Sau khi mổ xẻ phần đuôi khác lạ đó, người ta nhận thấy nó hoàn toàn... rỗng! Vậy, âm thanh được tạo ra như thế nào?
Bí ẩn này giới khoa học đã giải mã thành công: Phần đuôi của rắn chuông được cấu tạo từ các lớp chất sừng (Keratin, đây là vật liệu cấu trúc chính tạo nên những lớp bên ngoài của da người, tóc và móng tay). Khi con rắn bị kích động (vì gặp được con mồi, đối đầu kẻ thù hoặc cảm thấy bị đe dọa), nó sẽ rung lắc mạnh, quá trình này kết hợp với cấu trúc rỗng bên trong giúp tạo ra âm thanh lạo xạo đặc trưng của loài rắn chuông.
Dĩ nhiên rồi, món khoái khẩu của sinh vật chết chóc nhất Sonoran chính là những loài gặm nhấm, đặc biệt là loài chuột.
Không ngẫu nhiên mà giới khoa học xếp rắn đuôi chuông vào Top 10 loài rắn chết chóc nhất hành tinh. Không chỉ sở hữu nọc độc khiến con mồi chết chỉ sau vài phút, tốc độ ra đòn của rắn đuôi chuông còn rất đáng nể: Cặp răng nanh của chúng có thể táp vào phần da của bạn với tốc độ 2,5m/giây.
"Ác mộng" không dừng ở đó, một khi con mồi đã dính đòn, nếu con mồi nào khỏe mạnh có thể gượng dậy bằng chút sức lực ít ỏi còn lại, rắn đuôi chuông sẽ truy sát đến cùng bằng cái mũi ngửi mùi cực nhạy của nó.
Đối với con người, mặc dù chúng hạn chế tối đa việc tiếp xúc với con người (đó là lý do người ta thường tìm thấy rắn đuôi chuông ở các vùng sa mạc, hốc đá sâu), nhưng một khi đã hăng máu tấn công, loài rắn này rất kiên nhẫn và có thể truy sát bạn với tốc độ 3,4m/giây.
Ở đất này, sơ sểnh một chút là có thể mất mạng!
Quay lại chuyến hành trình trong đêm của hai người chúng tôi. Thật không uổng công chờ đợi 3 tháng dài cũng như sự mạo hiểm đáng nể của chúng tôi khi "cả gan đột kích" Sonoran trong đêm thế này.
Kết quả thu được hoàn toàn mỹ mãn khi tôi chớp được những khoảnh khắc tuyệt đẹp của từng loài rắn đuôi chuông nơi đây.
CUỘC SĂN LÙNG NHỮNG LOÀI RẮN ĐUÔI CHUÔNG CỰC ĐỘC
1. Rắn đuôi chuông kim cương miền Tây (nước Mỹ)
The Western Diamondback Rattlesnake
Ảnh: Escaping Abroad
Đây là bức ảnh đầu tiên tôi có được ngay sau khi màn đêm buông xuống trên hoang mạc Sonoran. Có lẽ vì đói ăn, loài rắn đáng sợ nhất trong loài rắn đuôi chuông này đã xuất hiện trong thước phim của tôi.
Tư thế cuộn tròn này cùng âm thanh liên hồi phát ra từ cái đuôi chứng tỏ con rắn đuôi chuông kim cương miền Tây không hề chào đón chúng tôi một chút nào.
Nó cuộn mình thủ thế và sẵn sàng tấn công tôi nếu tôi không bỏ đi. Dĩ nhiên, chúng tôi không muốn mạo hiểm với sự may mắn khởi đầu này. Chúng tôi rời đi và tìm kiếm những cư dân cùng loài khác.
2. Rắn đuôi chuông có sừng Sidewinder
The Horned Sidewinder Rattlesnake
Ảnh: Escaping Abroad
Ảnh: Escaping Abroad
Chỉ mất vài phút sau, người đồng hành dày dạn kinh nghiệm của tôi đã phát hiện ra sinh vật chết chóc nhưng vô cùng đẹp đẽ này.
Sở dĩ, chúng được gọi là Sidewinder là vì người ta nhìn thấy cách di chuyển đầy uyển chuyển trên cát của chúng. Cách thức di chuyển này có được từ việc thích nghi để "nhập gia tùy tục" của rắn chuông có sừng. Tất cả là nhằm giảm bớt phần bụng tiếp xúc với cát nóng.
Như cách di chuyển điệu nghệ này, tốc độ nhanh nhất mà rắn đuôi chuông có sừng Sidewinder có thể đạt được là 8m/giây!
Xem thêm video - Nguồn: Smithsonian Channel
Cận cảnh màn di chuyển của rắn đuôi chuông có sừng
3. Rắn đuôi chuông kim cương non
Ảnh: Escaping Abroad
Trên đường tìm kiếm "bộ sưu tập" những loài rắn đuôi chuông tiếp theo, chúng tôi bắt gặp một con rắn đuôi chuông kim cương còn non. Có lẽ, chúng cũng theo chân bố mẹ đi kiếm mồi để lấp đầy cái bụng rỗng sau một mùa đông dài.
4. Rắn đuôi chuông Mojave
Ảnh: Escaping Abroad
Ảnh: Escaping Abroad
Đẹp nhưng cực độc!
Rắn đuôi chuông Mojave sở hữu loại nọc độc mạnh nhất, nguy hiểm nhất và chết chóc nhất trong tất cả các loài rắn đuôi chuông sinh sống tại Bắc Mỹ!
Nọc độc của nó được ví như "cú đấm kép" vừa có thể phá hủy hệ thần kinh, vừa có thể hủy hoại máu với độc tố hoại máu cực mạnh Hemotoxin.
Hành trình của chúng tôi kết thúc khi Mặt trời Sonoran ló rạng! Nguy hiểm đấy, nhưng đội chúng tôi cực kỳ may mắn khi có được trong tay những bức ảnh tuyệt đẹp của những cư dân chết chóc vùng hoang mạc.
Tuy chưa thể kể hết tên của những loài rắn đuôi chuông khác tại đây, nhưng điều đó chẳng hề chi khi hành trình khám phá thế giới trong đêm của Sonoran của chúng tôi chưa bao giờ dừng ở đó!
*Một số loài tiêu biểu: Western diamondback (tên khoa học: Crotalus atrox), Mojave rattlesnake (Crotalus scutulatus), Tiger rattlesnake (Crotalus tigris), Blacktail rattlesnake (Crotalus molossus), Sidewinder (Crotalus cerastes)...
Hình ảnh:
Rắn đuôi chuông Blacktail rattlesnake (Crotalus molossus).
Một con răn đuôi chuông vằn hổ - Tiger rattlesnake (Crotalus tigris).
Bài viết sử dụng nguồn: Escapingabroad, Epicadamwildlife, Cobras
ĐỌC CÁC SERIES KHÁC TRONG "NHỮNG KHU VỰC NGUY HIỂM NHẤT HÀNH TINH" - TẠI ĐÂY.