Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn một trong những hành động quen thuộc nhất của cuộc sống, đó là sự an ủi ấm áp và bao bọc, chia sẻ từ một cái ôm . Đại dịch đã dạy chúng ta nhiều điều, một trong những điều đó là nhiều người đã dựa vào những cái ôm này để có được cảm giác yên tâm, được an ủi và bình tĩnh.
Như vậy, chúng ta có thể nhận thức được tầm quan trọng của hành động dù đơn giản này trong cuộc sống. Một cái ôm xảy ra khi một người vòng tay qua cơ thể người khác. Và như vậy, hành động ôm này sẽ diễn ra hạn chế ở các loài động vật có cánh tay, chủ yếu là các loài linh trưởng.
Điều này tiết lộ rằng, mặc dù chúng ta có thể coi ôm là một đặc điểm duy nhất của con người, nhưng ôm thực sự cũng rất nổi bật trong cuộc sống của các loài linh trưởng không phải con người.
Hai con bonobo nhỏ ôm nhau tại Khu bảo tồn Lola ya Bonobo. (Ảnh: Getty)
Ví dụ, loài linh trưởng tinh tinh lùn bonobos (Pan paniscus) là đối tượng nghiên cứu của Zanna Clay, một nhà tâm lý học so sánh và phát triển, đồng thời là nhà linh trưởng học tại Đại học Durham, Vương quốc Anh.
Clay đã nghiên cứu sự tương tác xã hội giữa các bonobo và phần lớn công việc quan sát của bà diễn ra tại một khu bảo tồn ở Cộng hòa Dân chủ Congo dành cho các bonobo có cuộc sống bị ảnh hưởng do tình trạng săn bắn bất hợp pháp. Tại khu bảo tồn này, người ta thường thấy những con tinh tinh nhỏ quàng vai ôm nhau khi chúng đứng gần nhau và đi lại.
Bà Clay nói: “Tại khu bảo tồn này có khá nhiều tinh tinh mồ côi cần được chăm sóc và chúng thường hay làm những gì chúng tôi gọi là "đi bộ ôm". Chúng ôm nhau và cùng nhau đi bộ trong khu bảo tồn".
Khỉ bế con ngồi trên một khúc gỗ. (Ảnh: Live Science)
Theo bà Clay, hành vi này phổ biến trong khu bảo tồn hơn là trong tự nhiên, có thể vì bonobos cũng nhận được những cái ôm từ người chăm sóc của chúng. Tuy nhiên, hành động ôm vẫn xảy ra trong cuộc sống tự nhiên của bonobos.
Trên thực tế, việc ôm có thể bắt nguồn từ hành vi làm mẹ của bonobo cái, chúng ôm con vào lòng và vòng tay như cái nôi cho con nhỏ. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng, hành vi ôm này phổ biến nhất ở bonobo trẻ và thường xảy ra sau khi bonobo trải qua xung đột hoặc căng thẳng.
Thông thường, trong những trường hợp này, một con bonobo đau khổ sẽ duỗi tay ra làm động tác van xin, và một con bonobo khác sẽ lao nhanh về phía con vật đang kêu và ôm chặt lấy nó.
Rất khó để đánh giá cảm xúc của động vật, nhưng bằng chứng cho thấy, có khả năng việc ôm sẽ trấn an những loài linh trưởng này, cũng giống như con người, bà Clay nói.
Điều thú vị là trong một số nghiên cứu trước đây của mình, Clay và các đồng nghiệp của bà đã phát hiện ra rằng, những chú bonobo mồ côi ít có khả năng đưa ra những cái ôm đồng cảm với những người bạn đau khổ hơn so với những chú bonobo trẻ được mẹ nuôi dưỡng. Điều này có thể cho thấy tầm quan trọng của sự chăm sóc từ cha mẹ trong việc tạo nền tảng cho cử chỉ xã hội này ở động vật linh trưởng.