Nếu bạn chưa biết thì trong cơ thể chúng ta lúc nào cũng tồn tại các tế bào đột biến, chỉ trực chờ tạo ra khối u ung thư. Tuy nhiên, trong trạng thái cơ thể khỏe mạnh, các tế bào này sẽ chịu sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch.
Chỉ khi nào hệ thống miễn dịch của bạn suy yếu mà tế bào ung thư đã trở nên quá mạnh, chúng mới phát triển thành các khối u. Đó là lý do vào một thời điểm nào đó trong đời, 40% tất cả chúng ta sẽ phải nhận một chẩn đoán ung thư.
Nhưng con người không phải là sinh vật duy nhất phải chịu đựng căn bệnh nghiệt ngã này. Nhiều loài động vật cũng thường xuyên mắc ung thư và tử vong sớm như một hệ quả tất yếu, bởi ở trong môi trường tự nhiên chúng không có bác sĩ hay bệnh viện để điều trị.
Kỳ lạ thay các nhà khoa học phát hiện có một số loài động vật ít bị ung thư hơn các loài khác, trong khi, có một số loài có tỷ lệ mắc ung thư rất cao.
Và như nhiều phát minh của con người vốn là thứ chúng ta học được từ các loài động vật, các nhà khoa học tin rằng nhiều loài động vật cũng đang nắm giữ những bí quyết giúp chúng tránh được căn bệnh chết người này.
Động vật ăn thịt động vật làm tăng nguy cơ mắc ung thư
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature, một nhóm các nhà khoa học Hungary đã phân tích hồ sơ khám nghiệm tử thi của 110.148 con vật chết trong các vườn thú trên khắp thế giới. Các xác động vật này thuộc về 191 loài khác nhau và được thu thập từ năm 2010 trở lại đây bởi một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có tên là Species360.
Orsolya Vincze, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái ở Hungary, cho biết các hồ sơ này cung cấp một số lượng lớn bằng chứng cho phép bạn thu thập thông tin về nguyên nhân cái chết của động vật.
Một con sư tử bị ung thư đang được chụp cộng hưởng từ để điều trị.
Động vật sống trong môi trường tự nhiên tất nhiên cũng mắc ung thư, nhưng thông tin của chúng rất khó được thu thập. Một lý do là bởi những con vật này sẽ bị tự nhiên chọn lọc.
Chúng có xu hướng chết sớm hơn vì không được chăm sóc. Sau khi bị ung thư, động vật thường sẽ chết đói vì không còn sức khỏe để tìm kiếm thức ăn hoặc dễ dàng trở thành mồi cho các động vật ăn thịt.
"Bạn phải đến các vườn thú, nơi mọi con vật đều được theo dõi và bạn biết khi nào chúng chết và biết chúng chết vì nguyên nhân gì", Vincze nói.
Kết quả phân tích cho thấy hầu hết các loài động vật đều có nguy cơ mắc ung thư, tuy nhiên nhìn chung, động vật ăn thịt động vật khác có nguy cơ mắc ung thư cao hơn động vật ăn cỏ.
Chẳng hạn, những con kowari (Dasyuroides byrnei), một loài thú có túi nhỏ, ăn thịt ở Úc được biết đến là loài dễ bị ung thư nhất, với 16 trong số 28 hồ sơ được phân tích (tương đương 58%).
Các loài động vật ăn thịt khác như báo hoa mai, cáo tai dơi và sói đỏ cũng có tỷ lệ tử vong cao do mắc ung thư.
Linh dương đen (Antilope cervicapra) và patagonian (Dolichotis patagonum) là hai loài ăn cỏ có nguy cơ ung thư rất thấp.
Ngược lại, động vật ăn cỏ như linh dương, cừu và bò thuộc nhóm có vú ít bị mắc ung thư nhất. Hai loài đặc biệt đề kháng được với ung thư là những con linh dương đen (Antilope cervicapra) ở Ấn Độ và patagonian (Dolichotis patagonum), một loài gặm nhấm lớn ở Argentina.
Không có bất kể một trường hợp chết vì ung thư nào được tìm thấy trong số hơn 400 xác động vật thuộc vào 2 loài này.
Nghịch lý Peto
Một ngạc nhiên trong nghiên cứu là các nhà khoa học đã xác nhận kích thước và tuổi thọ động vật không liên quan đến nguy cơ mắc ung thư của chúng. Hiện tượng này vốn được biết đến với tên gọi "nghịch lý Peto", được nhà dịch tễ học người Anh Richard Peto phát hiện vào năm 1977.
Gọi là nghịch lý, bởi về mặt lý thuyết động vật lớn hơn và sống lâu hơn phải tích lũy nhiều đột biến hơn trong mỗi lần tế bào của chúng phân chia. Các đột biến tế bào được biết là nguyên nhân sản sinh ra các tế bào bất thường và gây ra khối u trong cơ thể.
Vincze nói điều này đã được xác nhận trên một số loài động vật, ví dụ như chó và người. Một phân tích nguyên nhân cái chết của hơn 74.500 con chó thuần hóa ở Bắc Mỹ năm 2011 cho thấy các giống chó nhỏ hơn có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn các giống chó lớn và ngược lại.
Trong khi đó, nghiên cứu theo dõi kéo dài 25 năm trên 17.738 nam công chức Anh cho thấy càng những người đàn ông cao lớn thì càng có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Nghiên cứu tương tự được thực hiện trên hơn 1 triệu phụ nữ ở Anh năm 2011 cũng cho thấy kết quả tương tự.
Nhưng điều này chỉ đúng khi chúng ta xét trên quy mô từng loài. Còn giữa các loài động vật với nhau, nghịch lý Peto sẽ xuất hiện. Chẳng hạn voi và cá voi, những loài cực lớn và sống lâu nhưng có tỷ lệ mắc ung thư thấp hơn rất nhiều so với con người.
Bất chấp kích thước và tuổi thọ, voi rất ít bị ung thư.
Vincze giải thích điều này có thể xuất phát từ cơ sở tiến hóa của những loài động vật to lớn này. Để có thể phát triển cơ thể lớn hơn với tuổi thọ dài hơn, chúng đã phải tích lũy được những gen di truyền cho phép ức chế tế bào ung thư.
Năm 2015, một nghiên cứu trên tạp chí Cell Reports đã tìm thấy một gen như vậy trong loài cá voi đầu cong (Balaena mysticetus). Một nghiên cứu khác cùng năm phát hiện cá voi sở hữu tới 20 bản sao gen ức chế khối u ký hiệu là TP53, trong khi các loài động vật có vú khác như con người chỉ có 1.
Các phân tích bộ gen của voi ma mút được bảo quản cũng cho thấy loài vật khổng lồ này có tới 14 bản sao của gen TP53.
Cơ hội tìm thấy và phát triển các biện pháp phòng và điều trị ung thư
Quay trở lại với những phát hiện từ nghiên cứu của Vincze và đồng nghiệp, nó củng cố một khẳng định đã được lặp đi lặp lại rằng lối sống và các loại thực phẩm chúng ta ăn sẽ quyết định nguy cơ mắc ung thư của chúng ta.
Beata Ujvari, một đồng tác giả nghiên cứu tới từ Đại học Deakin, Úc cho biết việc tiêu thụ thịt khiến các loài động vật tích lũy nhiều chất ô nhiễm hơn trong chuỗi thức ăn.
Các loài ăn cỏ đã tích lũy ô nhiễm từ thực vật, rồi các loài ăn thịt lại tích lũy ô nhiễm thêm một bước nữa, từ thực vật và cả các loài động vật ăn thực vật. Các loài ăn thịt đầu bảng, ăn thịt các loài động vật ăn thịt khác lại càng tích lũy nhiều ô nhiễm hơn.
Các yếu tố ô nhiễm tích lũy trong chuỗi thức ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.
Hơn nữa, những loài động vật ăn thịt nạp vào người rất nhiều chất béo, ít chất xơ và có vi khuẩn đường ruột kém đa dạng hơn những loài ăn thực vật. Đây đều là những yếu tố liên quan đến nguy cơ mắc ung thư, và đã được xác nhận ở cả trên người.
Trong nghiên cứu, Vincze và Ujvari cũng đã tìm thấy việc ăn thịt bò sống, chứa một chủng virus papillomavirus có thể là nguyên nhân khiến sư tử dễ mắc ung thư hơn. Virus này cũng được xác nhận là nguy cơ gây bệnh ung thư trên người.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng môi trường nuôi nhốt, ít vận động trong sở thú cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư của động vật, mặc dù họ sẽ cần xác nhận điều đó bằng các thống kê trong tự nhiên.
Nhưng rõ ràng, điều này một lần nữa đúng với con người. Lối sống ít vận động và lười tập thể dục có thể đẩy bạn vào nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Là một loài động vật, con người cũng sẽ chia sẻ nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ung thư với các loài động vật khác.
Do đó, nhìn vào các loài động vật cũng là một cách để chúng ta rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình.
Lối sống ít vận động và lười tập thể dục có thể đẩy bạn vào nguy cơ mắc ung thư cao hơn.
Nghiên cứu sâu nghịch lý Peto và nguyên nhân ức chế ung thư ở động vật ăn cỏ cũng có thể giúp chúng ta tìm ra biện pháp ngăn chặn và chữa trị ung thư.
Trong tương lai, các nhà khoa học có kế hoạch tìm hiểu thêm về những con linh dương đen và patagonian để xem bí quyết phòng ngừa ung thư của chúng là gì, ngoài chế độ ăn ít chất béo và giàu xơ.
"Chúng ta thực sự có thể xem xét các cơ chế phân tử đó và xác định chúng, đồng thời cố gắng thiết kế các phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư ở người và ở cả động vật", Vincze nói.
Tham khảo Arstechnica , Ncbi