“Quan nói có, dân nói không”
Thẳng thắn nhìn nhận những bất cập trong công tác thu phí lòng đường, hè phố thời gian qua của TP.Hà Nội, đại biểu Hoàng Huy Được (Ba Vì) và đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) cho rằng trong khi chúng ta để giá thu phí thấp, thực tế thì người dân vẫn phải đóng phí rất cao.
“Ngay như tôi, nếu vào cuối tuần để xe ôtô ở trung tâm quận Hoàn Kiếm thì không dưới 100.000 đồng.
Chính vì vậy, thành phố cần đặt vấn đề trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước, không để một doanh nghiệp khai thác đỗ xe thu rất lớn, nhưng khi đóng vào Nhà nước lại rất thấp” - ông Nam nói.
Theo ông Hứa Văn Lai - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thành Công (Ba Đình): “Việc lấy ý kiến tăng phí lòng đường, hè phố thì tôi chưa nghe thấy. Chắc là lấy ý kiến của MTTQ thành phố hoặc quận còn dưới cơ sở thì không hề có việc đó.
Hiện nay, một số tổ chức, hội tranh giành vỉa hè, lòng đường cho thuê bãi gửi xe. Họ không có thẩm quyền nhưng vẫn làm. Việc tăng phí gửi xe lên mà không quản lý chặt chẽ thì chính người dân sẽ thiệt thòi nhất”.
Đồng quan điểm với ông Lai, ông Phạm Quốc Hạnh - Bí thư Chi bộ khu dân cư 14 phường Thành Công (Ba Đình) - khẳng định: “Chưa có ai thông tin trước việc lấy ý kiến khảo sát của người dân về vấn đề trên.
Qua nắm bắt ở địa phương, tôi thấy vấn đề trên rất là phức tạp. Người dân rất băn khoăn, khi tiến hành tăng phí lòng đường, vỉa hè, thì công tác giám sát, quản lý vấn đề này như thế nào.
Chủ trương đề ra thì đúng, nhưng khâu quản lý, thực hiện có đúng hay không lại là vấn đề khác.
Bên cạnh đó, thực tế nhiều nơi khai thác bến đỗ xe đang có sự “giúp đỡ ngầm” của cơ quan chức năng, chia chác quyền lợi. Nếu quản lý không công khai, minh bạch thì người dân sẽ rất hoài nghi, bức xúc”.
Bãi gửi xe tự phát trên đường Ngô Quyền hiện thu 10.000 đồng/xe máy. Ảnh: CTV
Tăng phí làm rộng tư túi cá nhân?
Theo ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng, Chủ tịch Hội Luật gia TP.Hải Phòng - đối với việc tổ chức trông coi phương tiện ở lòng đường hè phố, chúng ta không miễn được thì phải thu phí, nhưng thu ở mức nào đó cho phù hợp với thu nhập trung bình của nhân dân thì phải tính và tính toán hợp lý.
Số tiền thu được nộp vào ngân sách như thế nào, nộp bao nhiêu, trích lại bao nhiêu để trả công cho những người trông coi phương tiện, cái đó phải công khai, minh bạch, không thể để tình trạng như hiện nay, Nhà nước quy định gửi xe máy phí 3.000 đồng/xe, nhưng vé “chợ đen” lên tới 10.000 đồng/xe.
Vậy số tiền chênh lệch đó thì Nhà nước được hưởng hay vào túi cá nhân, mà túi cá nhân ở đây là ai, liệu có phải những người trực tiếp trông xe ở đó hay là ai khác.
Cũng theo ông Vinh, trước khi tăng phí trông giữ phương tiện, Hà Nội cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, sau đó mới quyết định thì sẽ phù hợp với mặt bằng thu nhập và được lòng dân.
Còn đối với mức tăng phí như HĐND TP.Hà Nội vừa biểu quyết thông qua thì quả là “trên trời”, bởi lẽ thu nhập của người dân không tăng, nhưng các loại phí, dịch vụ thì tăng liên tục, viện phí cũng tăng, chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng, đặc biệt trông giữ phương tiện tăng đến 300%, như vậy làm sao có thể cải tiến, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Do vậy, việc Hà Nội tăng phí gửi xe cần xem xét lại, bởi so với mức lương công chức, viên chức và đời sống thực tế của nhân dân thì quá cao.
Tỉ lệ người giàu có hiện nay ở Hà Nội không chiếm số đông, ngược lại đại đa số vẫn là người lao động, có mức thu nhập trung bình, trung bình khá, thậm chí vẫn còn hộ nghèo.
Chính vì vậy, quy định lập ra phải phục vụ đời sống đại bộ phận quần chúng nhân dân chứ không phải một phần người dân có điều kiện, do đó phải tính toán sao cho hợp lý, hài hòa.
Về việc Sở GTVT Hà Nội cho rằng khi thu phí gửi xe giá cao người dân sẽ hạn chế đi vào khu vực nội thành, ít gửi xe hơn, lưu thông nhiều hơn bằng phương tiện công cộng, chống được ùn tắc giao thông, ông Vinh cho rằng: Chỉ khi có việc người ta mới ra đường, không ai tự nhiên lên phố dạo chơi, mua cái “bận” vào thân, do đó khi cần thì vẫn phải đi, mà đã đi đến đó thì phải gửi xe.
Nói như vậy để thấy, nguyên nhân thu phí mà Sở GTVT Hà Nội đưa ra chỉ là một phần của vấn đề thôi chứ không phải cái chính.
Việc người dân chịu phí gửi xe cao gấp nhiều lần trước kia chưa chắc đã phải là giải pháp hữu hiệu, đôi khi quản lý không tốt còn làm “túi ba gang” của một số cá nhân càng phình to.
Cũng về vấn đề này, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - cho rằng, sau khi tăng phí, Hà Nội phải giám sát chặt chẽ việc cho thuê lòng đường, vỉa hè làm bãi đỗ xe.
Đồng thời giám sát để thực hiện cho đúng quy định. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm những vi phạm đối với các bến xe tự phát, tự ý nâng giá gửi xe lên.
HĐND TP.Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn.
Theo đó, mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ ôtô tăng thấp nhất 50% và tăng cao nhất là 300% so với mức cũ, với giá trị tuyệt đối tăng tương ứng từ 20.000 đồng/m2/tháng đến 160.000 đồng/m2/tháng.
Mức thu phí sử dụng diện tích trông giữ xe đạp, xe máy tăng thấp nhất là 5.000 đồng/m2/tháng và cao nhất là 90.000 đồng/m2/tháng, tuỳ theo khu vực, tuyến phố theo nguyên tắc mức phí cao nhất thuộc 12 tuyến phố khu bảo tồn đô thị cấp 1, vùng lõi quận Hoàn Kiếm và giảm dần xa trung tâm.
Mức phí tăng không áp dụng với địa bàn thị xã Sơn Tây, các huyện ngoại thành và một số tuyến đường phố, các quận từ vành đai 3 trở ra.
Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, mặc dù Nhà nước quy định giá vé gửi xe đạp, xe máy, ôtô ở lòng đường, vỉa hè dao động ở mức từ 3.000-5.000 đồng/xe máy và 10.000-30.000 đồng/ôtô.
Tuy nhiên thực tế, tại các điểm trông xe trên địa bàn các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, kể cả bãi xe có phép và không phép đều thu với giá 10.000 đồng/xe máy và 50.000 - 100.000 đồng/ôtô.