Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đang có chuyến thăm tới Moscow, đây là chuyến công du đầu tiên của ông kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Ông Jaishankar sẽ tham gia cuộc họp của ngoại trưởng các nước nằm trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trong cuộc họp này sẽ có cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Ông Vương Nghị sẽ đi cùng với các quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, những người có đủ chuyên môn cần thiết để phá vỡ thế bế tắc ở Ladakh – khu vực đang bất ổn sau khi căng thẳng bùng phát giữa Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 5.
Những cuộc đối thoại này được kỳ vọng sẽ tìm ra một phương thức nào đó cho phép Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đều tuyên bố chiến thắng, sau đó rút về vị trí vốn có và trả lại nguyên hiện trạng cho Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh vừa trở về từ Moscow vào cuối tuần trước sau khi tham gia cuộc gặp giữa bộ trưởng quốc phòng các nước SCO và đối diện với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Tuy nhiên, hai phía không thu được tiến triển nào trong các cuộc thảo luận về tình hình Ladakh.
Trong một diễn biến liên quan khác, cuối tuần này, Nga và Ấn Độ sẽ kết thúc cuộc tập trận hải quân song phương số 11 ở vịnh Bengal mang tên "Indra Navy", trong đó lực lượng vũ trang hai phía đã tiến hành diễn tập phòng không, bắn đạn thật, các hoạt động triển khai trực thăng và tiếp nhiên liệu trên biển.
Ấn Độ và Nga đang tiến hành cuộc tập trận hải quân chung. Nguồn: Daily Guardian
Sự lưỡng lự của Ấn Độ ở Malabar
Tuy nhiên, trong cuộc tập trận hải quân chung Malabar sắp tới với Mỹ và Nhật Bản, Ấn Độ vẫn chưa chính thức mời Australia, bất chấp việc các ngoại trưởng thuộc nhóm "QUAD" (Bộ tư kim cương) sẽ có cuộc gặp trong tháng tới theo lời mời của New Delhi.
Sự lưỡng lự của Ấn Độ xuất phát từ việc nước này không muốn "chọc tức" Trung Quốc một cách không cần thiết, trong bối cảnh hai phía vốn đã căng thẳng tại Ladakh. Quyết định mời Australia tập trận có lẽ sẽ phát đi thông điệp rằng 4 quốc gia này và lực lượng hải quân của họ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, do Mỹ dẫn đầu, đang tập hợp để chống lại Bắc Kinh.
Ngoài ra, còn có một thông điệp ngầm khác, đó là: New Delhi đang trì hoãn vì không muốn làm mất lòng Nga – quốc gia đang hỗ trợ Ấn Độ tìm cách đối thoại với Trung Quốc để tìm ra giải pháp mà đôi bên đều chấp nhận được đối với cuộc khủng hoảng Ladakh.
COVID mở ra nhiều cánh cửa
Vắcxin Sputnik V của Nga. Ảnh: TASS
Nhà báo Malhotra cho biết, một trong những bằng chứng rõ ràng có thể chứng minh mối quan hệ Nga-Ấn đang nồng ấm trở lại vào khoảng 1 tuần trước, Đại sứ Ấn Độ tại Nga Venkatesh Verma đã nhận được một cuộc gọi từ Viện nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya của Moscow, hỏi rằng liệu Ấn Độ có quan tâm tới việc hợp tác phát triển vắc-xin Sputnik V để chống COVID-19 hay không.
Trong bối cảnh số ca nhiễm COVID tại Ấn Độ đã vượt quá số ca nhiễm tại Brazil từ cuối tuần trước, ông Verma đã kết nối phía Nga với Thư ký Renu Swarup của Bộ Công nghệ sinh học Ấn Độ.
"Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Nga trên mặt trận phát triển vắc-xin" – tờ Indian Express dẫn một nguồn tin cho hay.
Hiện chưa rõ hình thức hợp tác nào đang được xem xét giữa hai phía.
"Người bạn Nga đã quay trở lại"
Theo nhà báo Malhotra, lần đầu tiên sau vài năm qua, New Delhi dường như một lần nữa đang hâm nóng mối quan hệ với Nga.
Ấn Độ cần Nga không chỉ bởi Moscow có kinh nghiệm dịch tễ học đáng tin cậy, có thể cung cấp một loại vắc-xin giúp Ấn Độ xoay chuyển tình thế, mà còn bởi Nga là cường quốc duy nhất hiện nay có đủ vị thế đề nghị và thúc giục Bắc Kinh đàm phán với New Delhi về cuộc khủng hoảng Ladakh.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Twitter
Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đang duy trì mối quan hệ chặt chẽ với người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev. Ông Doval đã đến Moscow sau khi Điều khoản 370 (về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir và Jammu) bị bãi bỏ vào năm ngoái.
Tại đây, ông Patrushev đã đề nghị hỗ trợ việc hợp nhất Jammu và Kashmir vào Ấn Độ. Nga trở thành thành viên thường trực đầu tiên của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề này.
Không thể phủ nhận trong thời gian qua Ấn Độ và Mỹ đã sáp lại gần nhau hơn. Một trong những biểu hiện rõ nét là New Delhi có xu hướng giảm dần tỷ trọng vũ khí Nga và thay vào đó quay sang mua vũ khí do Mỹ, châu Âu sản xuất. Điều này đã phần nào khiến Moscow phật ý.
Tuy nhiên, giờ đây, New Delhi dường như một lần nữa đang đi trên con đường về bên Moscow.