Ảnh từ vệ tinh Sentinel-2 đề ngày 20/11 được nhà nhà nghiên cứu thông tin tình báo từ các nguồn mở (OSINT) người Mỹ MT Anderson chia sẻ trên tài khoản X cho thấy mật độ tàu tại quân cảng Novorossiysk của Nga giảm đáng kể. Điều này cho thấy, phần lớn Hạm đội Biển Đen đã rời khỏi đây.
Ông Anderson suy đoán, động thái này có thể là một phần của SNAPEX, thuật ngữ hải quân Nga dùng để chỉ cuộc tập trận triển khai nhanh hoặc là một cuộc phân tán để đề phòng khả năng sắp xảy ra một cuộc tấn công tên lửa.
Cho dù là một phần của các cuộc diễn tập thường lệ hay là phản ứng trước nguy cơ về các cuộc tấn công chính xác tầm xa của Ukraine thì nó cũng cho thấy lực lượng hải quân Nga tại Biển Đen dễ rơi vào tình huống rủi ro.
Việc rời khỏi Novorossiysk cũng đặt ra câu hỏi về ý định hoạt động của Hạm đội Biển Đen và tính toán chiến lược rộng hơn của Điện Kremlin khi phải đối mặt với khả năng tấn công ngày càng tinh vi của Ukraine.
Các lựa chọn chiến lược của Nga
Hạm đội Biển Đen của Nga có một số lựa chọn chiến lược để tái triển khai, cho phép lực lượng này tiếp tục tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine trong khi giảm thiểu nguy cơ bị tấn công bằng các tên lửa tầm xa như Storm Shadow và ATACMS.
Một trong số các lựa chọn là di chuyển đến gần bờ biển Crimea hơn. Tại đó, hạm đội có thể được bảo vệ bằng các hệ thống phòng không tích hợp gồm S-400 và Pantsir-S1. Các vị trí này cũng sẽ đảm bảo sự gần gũi về mặt hoạt động với các trung tâm hậu cần quan trọng như Sevastopol trong khi phần nào giảm nguy cơ bị tấn công trực tiếp.
Ngoài ra, hạm đội có thể di chuyển đến các khu vực biệt lập hơn ở phía Đông Biển Đen, nằm ngoài phạm vi tấn công trực tiếp của các hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất ở Ukraine.
Các khu vực gần Bán đảo Taman hoặc gần các căn cứ ở Novorossiysk hơn cũng tương đối an toàn, mặc dù như vậy sẽ làm giảm đáng kể khả năng hạm đội tham gia tích cực vào các hoạt động xung quanh Ukraine. Tuy nhiên, chiến lược phân tán này có nguy cơ khiến các tàu dễ bị tấn công trước những thay đổi trong tương lai về phạm vi tấn công tên lửa của Ukraine.
Một khả năng khác là Hạm đội Biển Đen hoạt động ở vùng biển quốc tế của Biển Đen, điều này sẽ làm phức tạp thêm kế hoạch tấn công của Ukraine. Tuy nhiên, một chiến lược như vậy cũng đặt ra những thách thức trong việc duy trì hỗ trợ hậu cần và tiếp tế hiệu quả cho các tàu.
Không có kịch bản nào trong số các kịch bản nêu trên có thể bảo vệ Hạm đội Nga hoàn toàn trước các cuộc tấn công dẫn đường chính xác, đặc biệt là nếu Ukraine tiếp tục mở rộng phạm vi và sự đa dạng của kho tên lửa. Hạm đội Biển Đen sẽ cần phải tìm cách thích ứng và cân bằng giữa an toàn và hiệu quả hoạt động.
Rủi ro với Hạm đội Biển Đen
Hạm đội Biển Đen của Nga sở hữu một loạt tàu chiến đa dạng, được thiết kế để cung cấp cả khả năng phòng thủ ven bờ và hoạt động trên biển.
Trong số các tàu đáng chú ý nhất là các khinh hạm lớp Đô đốc Grigorovich, đóng vai trò là tàu chiến mặt nước chính của hạm đội. Những tàu chiến hiện đại này, được trang bị tên lửa hành trình Kalibr, hệ thống phòng không tiên tiến và các cảm biến tinh vi, đóng vai trò trung tâm trong các nhiệm vụ tấn công chính xác.
Các khinh hạm lớp Krivak được thiết kế chủ yếu cho tác chiến chống ngầm. Mặc dù kém tiên tiến hơn so với các tàu kế nhiệm lớp Đô đốc Grigorovich, những tàu này vẫn là tài sản có khả năng thực thi chiến lược hàng hải của Nga.
Ngoài ra, hạm đội bao gồm một loạt các tàu hộ vệ tên lửa nhỏ hơn, chẳng hạn như lớp Buyan-M, được điều chỉnh riêng để hoạt động trong vùng biển hạn chế. Chúng cũng được trang bị tên lửa Kalibr như các tàu lớn hơn.
Thành phần đổ bộ của hạm đội bao gồm các tàu lớp Ropucha và các tàu lớp Alligator, đảm bảo khả năng vận chuyển đường biển và tấn công đổ bộ quan trọng. Khả năng vận chuyển binh sĩ, phương tiện và vật tư của các tàu này khiến chúng trở thành tài sản quan trọng trong bất kỳ kịch bản leo thang căng thẳng nào.
Tàu ngầm là một yếu tố quan trọng khác của Hạm đội Biển Đen. Hạm đội này vận hành một số tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo, thường được gọi là “Hố đen” do đặc tính tàng hình của chúng. Các tàu này được trang bị ngư lôi và tên lửa Kalibr, giúp chúng có khả năng tấn công cả mục tiêu trên đất liền hoặc trên biển trong khi rất khó bị đối phương phát hiện.
Nếu mất một phần đáng kể Hạm đội Biển Đen trong các cuộc tấn công tên lửa tầm xa chính xác, điều này sẽ giáng một đòn nghiêm trọng vào khả năng thống trị trên biển của Nga trong khu vực.
Hậu quả của một kịch bản như vậy sẽ rất nghiêm trọng. Nếu không có sự hiện diện đầy đủ của hải quân, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ các tuyến đường tiếp tế tới Crimea và các vùng lãnh thổ nước này đang kiểm soát ở Ukraine. Điều này sẽ cản trở việc cung cấp vũ khí, đạn dược và các nguồn lực quan trọng khác cho tiền tuyến. Ngoài ra, việc mất nhiều tàu có khả năng phóng tên lửa như Kalibr sẽ hạn chế khả năng duy trì các cuộc tấn công tên lửa cường độ cao của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Về mặt chiến lược, việc mất đi một phần đáng kể hạm đội sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh ở Biển Đen theo hướng có lợi hơn cho Ukraine và các đồng minh của Kiev, tạo cơ hội cho Ukraine phá vỡ các tuyến tiếp tế của Nga.