Động thái “chưa từng có tiền lệ” từ Nga ở Bắc cực khiến phương Tây đứng ngồi không yên

Kiều Anh |

Việc Nga tăng cường khả năng quân sự với mức độ chưa từng có ở Bắc cực khiến phương Tây đứng ngồi không yên với những lo ngại cả về kinh tế và quân sự.

Tăng cường sức mạnh quân sự

Nga đang tăng cường sức mạnh quân sự ở mức độ "chưa từng có tiền lệ" ở Bắc Cực và đang thử nghiệm các loại vũ khí mới nhất nhằm đảm bảo an ninh bờ biển phía bắc và mở một tuyến vận chuyển quan trọng từ châu Á sang châu Âu giữa bối cảnh băng tan do biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia vũ khí và giới chức phương Tây đã thể hiện mối lo ngại đặc biệt về một "siêu vũ khí" của Nga mang tên ngư lôi Poseidon 2M39.

Sự phát triển của ngư lôi này đang diễn ra nhanh chóng sau khi Tổng thống Putin yêu cầu cập nhật về một "giai đoạn quan trọng" của các cuộc thử nghiệm hồi tháng 2 từ Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cũng như các cuộc thử nghiệm được lên kế hoạch vào năm nay.

Theo CNN, ngư lôi tàng hình không người lái Poseidon 2M39 vận hành bằng một lò phản ứng hạt nhân và được các nhà thiết kế Nga tạo ra nhằm xâm nhập vào hệ thống phòng thủ bờ biển, giống như hệ thống của Mỹ ở đáy đại dương.

Thiết bị này có thể phóng đầu đạn của ngư lôi với sức nổ bằng hàng triệu tấn thuốc nổ, đồng thời tạo ra những cơn sóng điện từ trường có thể phá hủy các mục tiêu dọc bờ biển trên một khu vực rộng lớn.

Hồi tháng 11/2020, Christopher A Ford, người sau này trở thành trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và an ninh toàn cầu nhận định, Poseidon được thiết kế để khiến "các thành phố bên bờ biển của Mỹ ngập trong những cơn sóng thần phóng xạ".

Các chuyên gia cũng nhất trí rằng vũ khí này "rất thực tế" và có thể đạt được thành công. Người đứng đầu cơ quan tình báo Na Uy, Phó Đô đốc Nils Andreas Stensønes nhận định với CNN rằng cơ quan của ông đánh giá Poseidon là một phần trong "kiểu vũ khí phòng thủ hạt nhân mới”.

"Vũ khí này mới đang trong giai đoạn thử nghiệm. Tuy nhiên, hệ thống chiến lược và các mục tiêu mà nó nhắm vào có ảnh hưởng cả bên ngoài khu vực họ đang thử nghiệm hiện nay”. Chuyên gia Stensønes từ chối cung cấp thêm thông tin về tiến triển giai đoạn thử nghiệm của ngư lôi trên cho tới nay.

Các hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ không gian Maxar cung cấp cho CNN đã tiết lộ chi tiết về việc củng cố các căn cứ quân sự của Nga và các trang thiết bị ở bờ biển Bắc cực của nước này, cùng với một số kho lưu trữ dưới lòng đất gồm vũ khí mới công nghệ cao và Poseidon.

Thiết bị quân sự phần cứng của Nga ở khu vực phía bắc gồm có máy bay ném bom MG31BM và các hệ thống radar mới gần với bờ biển Alaska.

Việc Nga củng cố quân sự diễn ra trùng với thời điểm Mỹ và NATO có một vài động thái mới khi máy bay ném bom Lancer B-1 của Mỹ đồn trú tại căn cứ không quân Ørland của Na Uy gần đây đã hoàn thành sứ mệnh ở Biển Barrent.

Tàu ngầm tàng hình Seawolf cũng được các quan chức Mỹ thừa nhận hồi tháng 8 là đang hiện diện ở khu vực này.

Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định với CNN: "Rõ ràng đã có sự thách thức quân sự từ Nga ở Bắc cực. Điều này hàm chứa những ám chỉ cho Mỹ và đồng minh, ít nhất là bởi điều này khiến Nga tăng cường quyền lực ở Bắc Đại Tây Dương", quan chức trên nhận định.

Các vũ khí công nghệ cao cũng thường xuyên được thử ở khu vực Bắc cực, các quan chức Nga cho hay.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Thomas Campbell nhận định hồi tháng 11 rằng, Nga khẳng định đã thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm Tsirkon, đồng thời cho rằng Nga đang mở rộng hệ thống mạng lưới tên lửa phòng thủ dọc bờ biển và phòng không nhằm tăng cường khả năng tại các khu vực trọng yếu ở Bắc cực.

Tsirkon và ngư lôi Poseidon là một phần trong thế hệ vũ khí mới mà Tổng thống Putin nhận định hồi năm 2018 sẽ trở thành các nhân tố thay đổi cuộc chơi trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Na Uy Stensønes nhận định với CNN rằng Tsirkon là "một vũ khí mới với tốc độ siêu thanh rất khó để đánh bại".

Ngày 31/3, Tass cho biết đã có một cuộc thử nghiệm thành công khác với vũ khí Tsirkon từ tàu chiến Đô đốc Gorshkov, đồng thời khẳng định rằng tất cả 4 cuộc thử tên lửa đều nhắm trúng mục tiêu. Hãng này cũng cho biết sẽ có thêm các cuộc thử nghiệm nâng cấp vào tháng 5 hoặc tháng 6.

Giải pháp khi hàng rào phòng thủ tự nhiên dần biến mất

Tình trạng biến đổi khí hậu đã phá hủy nhiều hàng rào phòng thủ tự nhiên của Nga ở phía bắc, chẳng hạn như những bức tường băng với tốc độ khó dự đoán.

"Sự tan chảy này đang diễn ra nhanh hơn so với các nhà khoa học dự đoán hoặc suy nghĩ cách đây 1 vài năm. Đây sẽ là sự dịch chuyển mạnh mẽ trong những thập kỷ tới", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Các quan chức Mỹ cũng bày tỏ mối lo ngại về những nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng với Tuyến đường Biển Bắc (NSR) - một tuyến vận chuyển từ Na Uy tới Alaska, dọc theo bờ biển phía bắc của Nga.

Tuyến đường Biển Bắc có khả năng giảm một nửa thời gian hiện tại để vận chuyển các container tới châu Âu từ châu Á qua Kênh đào Suez.

Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) của Nga đã công bố một video vào tháng 2 cho thấy tàu Christophe de Margerie đã hoàn thành tuyến đường phía đông qua Bắc cực lần đầu tiên vào mùa đông, cùng với tàu phá băng 50 Let Pobedy trong hành trình tại 3 trong số 6 vùng biển ở Bắc Cực.

Ông Campbell nhận định, Nga tìm cách khai thác NSR như một tuyến vận chuyển quốc tế quan trọng, đồng thời bày tỏ mối lo ngại về những quy tắc Nga đang tìm cách áp lên các tàu thuyền sử dụng tuyến đường biển này.

"Khi Nga đang thử vũ khí, truyền tín hiệu GPS, đóng cửa không phận hoặc hải phận để tập trận, điều khiển các máy bay ném bom trên Bắc cực dọc không phận của đồng minh và đối tác, họ luôn cố gắng truyền đi một thông điệp nào đó", một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.

Trong số những vũ khí mới của Nga này có Poseidon 2M39. Ban đầu ngư lôi này bị các nhà phân tích cho là một vũ khí "hổ giấy" khi được phóng đại về khả năng nhưng lại khó có thể triển khai thành công trong thực tế.

Tuy nhiên, hàng loạt diễn biến ở Bắc cực, bao gồm cả các bài báo từ phía Nga cho thấy việc thử nghiệm 3 tàu ngầm của Nga nhằm mang vũ khí tàng hình với chiều dài 20 mét này hiện đã khiến các nhà phân tích cân nhắc tính thực tế và hiệu quả của dự án trên.

The Belgorod - một tàu ngầm quan trọng mang ngư lôi trên, sẽ trải qua cuộc thử nghiệm quan trọng vào tháng 5 mặc dù các nhà chức trách Nga nhấn mạnh cuộc thử nghiệm này không liên quan đến sự phát triển của Poseidon.

Phản ứng từ Nga

Bộ Ngoại giao Nga từ chối bình luận song từ lâu Nga đã khẳng định các mục tiêu của nước này ở Bắc cực chủ yếu mang tính kinh tế và hòa bình.

Một tài liệu vào tháng 3/2020 của các nhà ra chính sách điện Kremlin cho thấy các mục tiêu quan trọng của Nga trong khu vực đằng sau 20% sản lượng xuất khẩu và 10% GDP. Chiến lược này tập trung vào việc đảm bảo thống nhất lãnh thổ và hòa bình khu vực của Nga.

Nó cũng thể hiện nhu cầu cần đảm bảo mức sống cao và tăng trưởng kinh tế trong khu vực cũng như phát triển cơ sở nguồn lực và Tuyến đường Biển Bắc như một "hành lang vận chuyển quốc gia cạnh tranh toàn cầu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại