Truyền thông thế giới gần đây đưa tin rầm rộ về việc Hoa Kỳ cho hạ thủy và thử nghiệm tiêm kích cất, hạ cánh trên tàu sân bay lớn nhất và hiện đại nhất hiện nay với chi phí đóng lên tới 13 tỷ USD. Như lời tổng thống Donald Trump phát biểu chào mừng trong lễ khánh thành: Hàng không mẫu hạm mang tên USS Gerald R. Ford đã làm cho Hoa Kỳ càng trở nên vĩ đại.
Thế nhưng, các chuyên gia quân sự của nhiều nước kể cả của Hoa Kỳ đều đưa ra phân tích và nhận định rằng việc đóng các tàu sân bay của các cường quốc là những dự án sớm lỗi thời. Nguyên nhân vì đâu vậy?
F/A-18F Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS Gerald R. Ford
I. Tàu sân bay là mục tiêu rất dễ bị tấn công
Với kích thước rất lớn, di chuyển chậm - 30 hải lý/ giờ và đi theo một đoàn hộ tống với số lượng lớn tàu mặt nước nên hạm đội có tàu sân bay là mục tiêu không thể che giấu và rất dễ bị xâm hại bằng nhiều phương tiện khác nhau của đối phương.
1. Tàu sân bay có thể bị đánh chìm hoặc hư hỏng nặng bằng ngư lôi phóng từ tàu ngầm đối phương
Lịch sử các cuộc chiến tranh trước đây đã chứng tỏ điều đó và hiện nay các nước có tàu ngầm đều trang bị ngư lôi có thể đánh ngầm dưới bụng của hàng không mẫu hạm làm cho nó hư hại nặng, có thể bị chìm hoặc bị tổn thương nặng và mất khả năng chiến đấu;
2. Tàu sân bay rất dễ bị tấn công bằng tên lửa hành trình
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã có trang bị tên lửa hành trình. Loại tên lửa này có nhiều biến thể khác nhau, loại bắn từ bờ, loại bắn từ máy bay, loại bắn từ tàu mặt nước và loại phóng từ tàu ngầm.
Loại tên lửa này có đặc điểm được phóng từ xa, bay thấp, có độ chính xác cao và có thể tăng tốc ở giai đoạn cuối nên hệ thống phòng không của hàng không mẫu hạm rất khó phát hiện và đánh chặn. Nếu loại tên lửa này được đánh loạt thì tàu sân bay bị tổn thất rất nặng nề, boong tàu và các máy bay đậu trên boong sẽ bị phá nát;
3. Tàu sân bay là mục tiêu lý tưởng cho tên lửa đạn đạo
Với kích thước khoảng bằng ba sân bóng đá lại di chuyển chậm thì tàu sân bay là mồi ngon cho tên lửa đạn đạo.
Cho dù hạm đội tàu hộ tống có hệ thống phòng không hiện đại đi chăng nữa thì việc đánh chặn tên lửa đạn đạo là việc vô cùng khó khăn.
Nếu không đánh chặn được ở giai đoạn đầu và giai đoạn giữa thì ở giai đoạn cuối nó bổ nhào với tốc độ khủng khiếp sẽ hầu như không bắn được và nếu có bắn trúng thì nó vẫn rơi xuống boong tàu và chưa cần đến đầu nổ nó mang theo thì động năng rơi của nó cũng có sức phá hủy khủng khiếp;
4. Tàu sân bay rất dễ bị không quân đối phương đánh cảm tử
Chúng ta đều biết trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Không quân Nhật Bản đã nhiều lần đánh bom cảm tử. Khi máy bay ném bom bay vào hạm đội nó có thể bị hệ thống phòng không bắn trọng thương nhưng phi công vẫn cố lao xuống tàu sân bay thì với động năng của máy bay cùng với lượng bom mang trên nó sẽ có sức công phá khủng khiếp.
Tàu sân bay Amagi của Nhật bị lật nghiêng trong cảng Kure sau đợt không kích của Hải quân Mỹ, năm 1946. Ảnh: Hải quân Mỹ.
5. Tàu sân bay có thể bị đánh bằng thủy lôi
Hiện nay các nước đã chế tạo ra rất nhiều loại thủy lôi. Với công nghệ hiện nay thì việc lựa chọn mục tiêu và cho kích nổ từ xa không có gì là khó khăn lắm. Thủy lôi có lượng thuốc nổ lớn mà nổ ngay dưới bụng tàu sân bay thì sức công phá khó tưởng tượng nổi.
6. Tàu sân bay có thể bị đánh bằng robot lặn
Hiện nay các nước đang đẩy mạnh nghiên cứu và chế tạo robot quân sự, trong đó có robot lặn. Robot lặn đặc biệt nguy hiểm khi được trang bị trí tuệ nhân tạo và mang theo đầu nổ công suất lớn hay đầu nổ hạt nhân. Nó có thể lặn xuống bên dưới tàu sân bay và tìm những điểm yếu của tàu để kích nổ và đánh chìm tàu.
7. Tàu sân bay có thể bị người nhái tấn công
Trong những trường hợp đặc biệt, thí dụ như khi neo đậu hay khi vào âu tàu để bảo dưỡng định kỳ, tàu sân bay rất có thể bị người nhái hủy diệt bằng khối thuốc nổ hẹn giờ. Điều này đã từng xảy ra trong chiến tranh Việt Nam (Xem thêm tại đây).
II. Chi phí cho một hạm đội tàu sân bay là quá lớn
1. Chi phí cho đóng một tàu sân bay là rất lớn thường khoảng hơn 10 tỷ USD, bằng ngân sách quốc phòng của một nước trung bình.
2. Chi phí cho việc đóng toàn bộ đoàn tàu hộ tống tàu sân bay cũng rất lớn cỡ khoảng hàng chục tỷ USD.
3. Chi phí cho đội máy bay đậu trên tàu cũng rất đáng kể, tùy vào số lượng máy bay có mặt mà giá trị của chúng từ hàng chục triệu USD đến hàng tỷ USD.
4. Chi phí cho các hệ thống vũ khí trang bị cho tàu sân bay và hạm đội hộ tống cũng là con số hàng chục tỷ USD.
Tàu sân bay Mỹ USS Enterprise (trái) di chuyển bên cạnh tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle (phải). Ảnh: Hải quân Mỹ
5. Chi phí cho công tác hậu cần thường xuyên và bảo dưỡng, sữa chữa định kỳ cũng rất lớn.
6. Nếu còn có sự hộ tống của tàu ngầm thì chi phí còn đội lên khủng khiếp làm mất cân bằng cả một nền kinh tế trung bình.
7. Hiệu quả chiến đấu lại không cao vì hiện nay so với tác chiến bằng tên lửa hành trình thì việc tác chiến bằng máy bay không hiệu quả bằng và máy bay rất dễ bị hệ thống phòng không đối phương phát hiện và đánh chặn, tầm tác chiến của máy bay không xa nếu không được tiếp dầu trên không.
8. Nếu bị hư hại thì việc đưa tàu sân bay về nơi có thể sửa chữa nó cũng gặp rất nhiều khó khăn do nó quá to lớn nên việc lai dắt chẳng dễ dàng gì và lại phải lai dắt đến những âu tàu đặc biệt dành riêng cho tàu sân bay mà trên thế giới những âu tàu như thế rất ít.
9. Nếu trong tương lai gần các tên lửa siêu thanh phát triển thì theo các chuyên gia nói: Tàu sân bay chỉ là chiếc quan tài đắt giá.
10. Vì chi phí cho một hạm đội tàu sân bay quá lớn nên việc sử dụng nó trong xung đột buộc chủ sở hữu nó luôn luôn phải cân nhắc và thường được dùng để uy hiếp những kẻ yếu, những nước không có khả năng chống trả nó mà không giám dùng để tác chiến với những nước có vũ khí đánh trả nên hiệu suất sử dụng thấp và mau chóng bị già hóa.
Tóm lại, hiện nay một số cường quốc đang đua nhau biểu dương lực lượng bằng việc đóng mới các tàu sân bay, điều này có ý nghĩa chính trị và kinh tế nhiều hơn ( tài phiệt vũ khí có những hợp đồng béo bở), còn về quân sự chẳng khác gì mang tiền ném xuống biển.
* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.