Theo Straits Times, có một số quỹ đầu tư tư nhân ở trong khu vực châu Á đã tiến hành hợp tác nhằm thành lập một liên minh ở Việt Nam, với mục tiêu là thu hút được đầu tư lên tới 35 tỷ USD vào Việt Nam trong thập kỷ tới. Trong đó, mục tiêu của liên minh này là tạo điều kiện cho việc đầu tư vào những lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục và y tế.
Liên minh mới được thành lập này có tên là Vietnam Private Capital Agency (VPCA), được thành lập bởi 5 đối tác từ những quỹ đầu tư, trong đó bao gồm Golden Gate Ventures, Do Ventures và Monk's Hill Ventures. Theo đó, liên minh VPCA sẽ tiến hành tổ chức những hội thảo, hỗ trợ các quỹ đầu tư tư nhân, đồng thời làm việc với Chính phủ nhằm điều chỉnh chính sách phù hợp.
Hiện nay, chưa rõ cách liên minh VPCA đưa ra con số dự báo đầu tư, bởi con số 35 tỷ USD vượt xa so với mức thu hút đầu tư hàng năm của ngành công nghệ ở Việt Nam. Nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn đang đánh giá cao của Việt Nam, nhất là trong khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang khiến nhiều doanh nghiệp di dời nhà mày và hướng đến các thị trường mới để mở rộng.
Theo dự kiến, VPCA sẽ tiến hành mở rộng số lượng thành viên lên tới 100 cá nhân vào cuối năm 2025, cao hơn nhiều so với hơn 40 thành viên hiện tại. Một số quỹ đang tham gia vào VPCA bao gồm Vertex Ventures, Ascend Vietnam Ventures và Mekong Capital.
Ông Vinnie Lauria, nhà đồng sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, nhận định: "Việt Nam là một thị trường nóng. Động lực thành lập VPCA xuất phát từ những diễn biến chính ở Việt Nam, bao gồm tiền lương và GDP, FDI tăng, tăng trưởng xuất khẩu sau đại dịch Covid-19, những chương trình đổi mới của Chính phut và việc phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng".
Theo báo cáo chung của Google, năm 2021, Việt Nam đã thu hút được mức đầu tư kỷ lục trong lĩnh vực công nghệ, đạt 2,6 tỷ USD thông qua 233 giao dịch đầu tư tư nhân, tăng nhiều so với con số 700 triệu USD thông qua 140 giao dịch của năm 2020. Đặc biệt, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 90 tỷ USD vào năm 2030, tăng từ 30 tỷ USD vào năm 2023.
Nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng
Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2024 diễn ra vào sáng 7/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, nền kinh tế của nước ta đã phục hồi tích cực, lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch, với nhiều điểm sáng, đặc biệt là trong xuất khẩu và thu hút FDI. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng qua đạt khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, FDI đăng ký mới đạt gần 12 tỷ USD, tăng 27% và vốn FDI thực hiện là khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2024, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,47 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 2,94 lần cùng kỳ. Vị trí thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài là Quảng Ninh với gần 1,78 tỷ USD, chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. Vị trí thứ ba là TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,76 tỷ USD, chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư cả nước.
Ngoài ra, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2024. Theo đó, những tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB và OCED đều nhận định rằng, tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 cao hơn năm 2023 từ 0,5 - 1,0 điểm phần trăm, với lần lượt ở các mức 5,5%; 5,8%; 6,0% và 6,0%.
Ngoài ra, HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 lên mức 6,5% (trước đó là 6%).
Trong thời gian tới, nhiều tổ chức, chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; đồng thời gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, cũng như tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...
Bài tham khảo nguồn: Bloomberg, The Straits Times, MPI