Các ngành công nghiệp chủ đạo lao đao. Sản xuất, chế biến xuất khẩu bị đe dọa. Doanh thu các ngành dịch vụ, bán lẻ giảm sút đáng kể. Trong quí I/2020, ước tính 17.300 tỷ đồng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành đã bị "cơn bão" Covid-19 thổi bay…
Trong bối cảnh khó khăn, rất nhiều các biện pháp hỗ trợ DN được các bộ, ngành đưa ra như: Hạ lãi suất; các biện pháp về thuế, tài khóa; khơi thông, tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào…
Song ý kiến của các DN cho rằng, cần xem lại các gói hỗ trợ, cân nhắc giảm lãi suất các khoản vay cũ, chứ không chỉ giảm vay mới; giảm thuế chứ không chỉ giãn, vì DN cần giãn hơn là được giảm thuế để trước mắt có thể dùng phần tiền đó duy trì hoạt động của công ty…
Trong khi đó, dù chuyển hướng xuất khẩu nhưng dịch Covid-19 đang tác động đến kinh tế toàn cầu. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới bằng 0. Bloomberg thì nhận định nhiều nước sẽ tăng trưởng âm.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, đang có một cuộc suy thoái kinh tế mới diễn ra trên toàn cầu, thậm chí lớn hơn cuộc suy thoái 2007 - 2008. Việt Nam, với độ mở của nền kinh tế là 200% GDP, càng dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 được dự báo rất khó khăn để đạt mục tiêu 6,8% mà Chính phủ đề ra. Trong bối cảnh các nước tăng hỗ trợ tài chính để vực kinh tế, Việt Nam có cần một gói kích thích như vậy không?
Trong khi một số người cho rằng, Chính phủ nên có gói kích thích kinh tế thì nhiều chuyên gia nhận định Chính phủ đang nắm trong tay số tiền hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công.
Có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay nhưng 3 tháng đầu năm, số vốn giải ngân thấp.
Do đó, cần có chế tài mạnh để xử lý dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công để giải quyết vấn đề an sinh xã hội khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở nước ta. Giải ngân sẽ kích thích cả hai chiều cầu và cung, không cần phải bơm thêm, không làm ảnh hưởng bội chi, không làm ảnh hưởng ổn định kinh tế vĩ mô
Do đó, cộng đồng DN rất mong Chính phủ sẽ tìm cách tháo gỡ các nút thắt và trả lời cho những vấn đề nêu trên.
Sắp tới, hội nghị Chính phủ với các địa phương sẽ tập trung bàn về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 4 nội dung: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Mong rằng sau Hội nghị, các ý kiến sẽ thống nhất, đồng tâm, đồng lòng, từ đó, những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan sẽ tác động lan tỏa tới người dân, các DN trong cả nền kinh tế để tạo nên cú hích lớn cho tăng trưởng, làm sao đúng như mong muốn của Chính phủ: "Vừa chống dịch thành công, vừa giữ vững kinh tế - xã hội".