Đóng quỹ lớp đầu năm, nhiều phụ huynh bị cuốn vào 'cuộc chơi của người có tiền'

Hiểu Lam/VTC News |

Số tiền hội phụ huynh kêu gọi đóng góp ngày càng tăng lên, nhiều phụ huynh cảm giác như bị cuốn vào "cuộc chơi của người có tiền".

"Ngồi trong cuộc họp phụ huynh của con mà tôi chẳng dám nói lời nào", chị Huỳnh Thanh Thuỷ (37 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) ngậm ngùi kể lại.

Dù đã đóng đầy đủ các khoản nhà trường quy định, chị Thuỷ vẫn bị nhắc khéo "đừng ý kiến" khi là một trong số ba phụ huynh không đồng ý đóng các khoản ủng hộ quỹ phụ huynh. "Có những khoản hội trưởng hội phụ huynh nêu ra nhưng không nói rõ đóng vì mục đích gì, vòng vo một hồi chỉ thấy tổng kết lại số tiền phải đóng lên tới hơn 2 triệu đồng", chị nói.

Các khoản phí đầu năm trở thành áp lực của phụ huynh. (Ảnh minh hoạ)

Với nhiều gia đình, khoản tiền 2 triệu không phải số tiền lớn nhưng với chị Thuỷ đó là vấn đề. Chồng Thuỷ bị bệnh, chị lại vừa sinh con thứ hai nên gia đình rất khó khăn về tài chính.

Trong buổi họp đầu năm, khi hội trưởng hội phụ huynh kêu gọi đóng góp, chị Thuỷ cũng lăn tăn nhiều, muốn đóng cho xong nhưng điều kiện không cho phép. Cuối cùng chị quyết định giữ lại 2 triệu, "để mua sữa cho con chứ không đóng góp bừa bãi".

Nghĩ trong đầu là vậy nhưng khi thấy gần 100% phụ huynh đóng góp, lòng chị Thuỷ cũng bồn chồn, lo lắng. Sau khi chốt danh sách, chị Thuỷ thở phào vì có thêm 2 vị khác làm "đồng minh". Tuy vậy, suốt buổi họp chị Thuỷ như mang áp lực vô hình khi thấy mọi ánh mắt đổ dồn về phía mình.

"Có những ánh mắt thương cảm, có cả những ánh nhìn dè bỉu, tôi cảm nhận được nhưng đành bất lực. Giây phút ấy tôi chỉ tự trách bản thân sao không khá giả hơn để cho con bằng bạn bằng bè" , chị Thuỷ chia sẻ.

Chỉ vài ngày sau buổi họp phụ huynh, con trai anh Lê Văn Cường (40 tuổi, Hà Đông) bị bạn bè xa lánh, chỉ vì bố chưa có tiền đóng vào quỹ phụ huynh.

Là gà trống nuôi con, anh Cường không có ai để san sẻ gánh nặng kinh tế, chạy xe ôm kiếm triền trang trai cuộc sống. Việc đóng tiền học đầy đủ cho con đã là nỗ lực lớn với người bố đơn thân.

"Buổi họp phụ huynh cho đứa lớn đang cuối cấp, tôi gần như nhẵn túi, chỉ chừa lại một khoản vừa đủ để hôm sau đóng tiền học cho đứa nhỏ đang học lớp 4. Không ngờ hội phụ huynh phát sinh khoản đóng góp 600.000 đồng/cháu", vì số tiền vượt quá khả năng nên anh Cường xin thêm thời gian để xoay xở, hứa đóng góp sau.

Điều khiến anh buồn nhất không phải việc đóng góp muộn hơn các phụ huynh khác mà bởi con gái đi học về phàn nàn: "Các bạn không chơi với con vì bố chả đóng quỹ lớp, các bạn nói nhà mình nghèo". Không biết giải thích thế nào, anh Cường chỉ động viên con: "Thôi chịu khó mấy hôm, bố có tiền sẽ đóng ngay".

"Không biết các phụ huynh về nói gì mà con trẻ lại có thái độ như vậy. Chỉ vì mấy trăm bạc mà khiến các con xa lánh nhau, thật không đáng" , anh Cường nói và cho biết vì con nên đã cố vay mượn hàng xóm để đóng tiền càng sớm càng tốt.

'Cuộc chơi' của người có tiền

Có kinh nghiệm làm hội trưởng hội phụ huynh 10 năm, chị Đỗ Hồng Vân (43 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, đã gặp rất nhiều hoàn cảnh khác nhau.

"Trong một lớp, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế tốt, có những vị rất khó khăn, đóng 100.000 - 200.000 đồng đã là sự cố gắng, chưa nói đến khoản lớn hơn tiền triệu", thấu hiểu tâm lý đó nên mỗi kỳ học chị Vân đều tham khảo ý kiến phụ huynh lớp, quỹ chung chỉ đóng từ 80.000 đến 100.000 đồng, chủ yếu để sắm sửa một số vật dụng tân trang lớp học và mua quà tặng các con có thành tích học tập tốt thay lời động viên.

Họp phụ huynh đầu năm học. (Ảnh minh hoạ)

Chị Vân cho rằng số tiền này không cao, hợp lý để cả tập thể đóng góp, vừa tạo tinh thần đoàn kết, vừa để các phụ huynh đều cảm thấy mình có trách nhiệm trong đó.

"Quan điểm của tôi là không đóng góp chi phí lớn, tránh người đóng người không rồi nảy sinh các tâm lý tiêu cực. Tôi mong muốn ban phụ huynh là nơi gắn kết các gia đình, tạo nên điểm tựa vững chắc cho các con học tập, đỡ đần thầy cô trong các hoạt động ngoại khoá" , chị Vân nói.

Theo phụ huynh này, nhiều hội phụ huynh đang lợi dụng mác đóng góp, ủng hộ để thao túng các hoạt động của trường, của lớp, thậm chí cho rằng sẽ thao túng được cả giáo viên và thành tích của con cái. Thường điều này chỉ xuất hiện ở một nhóm người trong một lớp, không phải tất cả phụ huynh. Vì lợi ích của bản thân, những vị phụ huynh này sẵn sàng dùng tiền để thiết lập sức mạnh, biến môi trường giáo dục thành 'cuộc chơi' của nhóm giàu có.

"Nghĩ rằng ủng hộ càng nhiều tiền, thành tích học của con càng cao, bản thân được phụ huynh và nhà trường nể trọng là tư tưởng cần bài trừ để tránh tạo ra những thông lệ tiêu cực trong ngành giáo dục", chị Vân bày tỏ quan điểm.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), mục đích ra đời và vai trò của hội cha mẹ học sinh rất tốt, rất quan trọng. Đặc biệt là lứa tuổi tiểu học và THCS cần huy động sự tham gia, hỗ trợ của cha mẹ học sinh.

Thế nhưng nhiều nơi hội lập ra chỉ để thu tiền mà không có đồng thuận cao của phụ huynh, thậm chí không ít khoản đóng góp quá cao, gây áp lực lớn cho phụ huynh không có điều kiện.

Nữ đại biểu cho rằng, cần rà soát, giám sát trong việc thu chi, nếu như phát hiện có những khoản thu chi không hợp lý phải xử lý ngay. Cần nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu để đủ sức răn đe.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại