"Bệnh kinh niên" chốn công sở
Cách đây không lâu, An và Trân vốn là đồng nghiệp thân thiết. Vì có tính cách hợp nhau, hai người thường xuyên chọn cùng giờ làm, tan ca hay nghỉ phép đều như hình với bóng.
Một ngày nọ, quản lý thông báo cho cả hai rằng sắp tới công ty sẽ chọn người thích hợp trong bộ phận của họ để thăng chức, tuy nhiên vị trí thì chỉ có một.
Và thế là quan hệ của An và Trân lập tức biến thành quan hệ cạnh tranh. Tình chị em thắm thiết ngày trước nay cũng đã thay đổi. Hai người đều cảm thấy đối phương giả tạo, từ đó lại càng thêm thấu hiểu câu nói lòng người ở chốn công sở vốn là thứ khó dò.
Cũng bởi vậy mà sau giờ tan lớp, tôi thường nhận được tin nhắn của bạn bè chia sẻ về những phiền não trong công việc, mà đa số những phiền não này đến từ quan hệ công sở.
Có lẽ, hầu hết chúng ta ai cũng từng ít nhiều gặp phải tình cảnh này.
Đó là khi đi ngang qua những nơi chốn đông người trò chuyện như phòng trà, phòng vệ sinh, hay trong thang máy… bạn tình cờ nghe được đồng nghiệp đang thì thào (to đến độ bạn có thể nghe thấy) về việc phê phán bất kể chuyện công hay việc tư của bạn, bất kể tính chân thực của sự việc ra sao.
Bạn cố gắng làm tốt công việc được giao, nhưng phần khổ lao về bạn, còn phần công lao lại phải chia sẻ cho những đồng nghiệp lười biếng. Thậm chí đôi khi, chính những người đồng nghiệp ấy lại cố ý làm khó bạn, chặn đơn kiến nghị, giải trình của bạn…
Và rồi tới một ngày kia, bạn dần nhận ra một sự thật: Học cách đối nhân xử thế khó hơn làm việc, đặc biệt là trong môi trường công sở.
Người có năng lực sẽ không bao giờ phải dìm người khác xuống để nâng mình lên
Bạn là vai chính trong câu chuyện của cuộc đời mình. Và cũng giống như những bộ phim truyền hình chiếu mỗi tối trên TV: Vai chính thường bị tiểu nhân ghen ghét hãm hại, rồi sau đó là những chuỗi ngày tranh đấu xích mích không ngừng.
Ảnh minh họa.
Có đôi khi, chúng ta đã vô tình đem chuyện công sở áp dụng vào trong vở kịch này, cho rằng đồng nghiệp đều là những nhân vật phản diện trong kịch bản. Thế nhưng trên thực tế, ngoại trừ những kẻ tội phạm, không có ai thực sự là người "cố ý" làm hại bạn.
Họ chỉ duy trì lập trường để bảo vệ lợi ích cá nhân mình. Chỉ có điều, những lập trường này vừa vặn lại xung đột với lợi ích của người khác mà thôi.
Trên thế gian này, thứ mà con người yêu quý nhất chính là bản thân mình. Cho nên mới có người cần phê phán người khác để chứng minh sự ưu việt của mình, để bản thân trông không quá thảm hại.
Cũng giống như trong một cuộc họp, có những quản lý sẽ phê phán những khuyết điểm của bộ phận khác, để lãnh đạo tập trung về phía đối phương, từ đó giúp cho bộ phận của mình sẽ có cơ hội an toàn vượt qua.
Trong một cuộc họp giữa giảng viên, tôi đã từng nghe thấy người này phê phán nội dung và phương pháp giảng dạy của người khác, thậm chí còn nghe nói có người phê phán sau lưng tôi.
Đương nhiên tôi có thể lựa chọn oán thán, cũng có thể lựa chọn phê phán lại người đó đó, hoặc diễn vô số vở kịch kẻ bị hại như trong đầu vẫn tự biên tự diễn. Thế nhưng điều đó liệu có khiến cho mọi việc trở nên tốt hơn không?
Rất nhiều sự việc trong cuộc sống sẽ không thay đổi chỉ vì chúng ta đem lòng oán thán, càng không trở nên thuận lợi như chúng ta vẫn hằng mong muốn.
Người hay phê phán sau lưng người khác thường xuyên tự ý kéo bạn vào trong vở kịch của họ. Bởi vì bạn đã ảnh hưởng tới họ, thậm chí khiến họ có cảm giác bị đe dọa, ảnh hưởng đến địa vị của họ.
Những người đó luôn tự cho mình quyền đóng vai trọng tài, phán xét ai không tốt, ai không bằng mình, ai không có tư cách, từ đó chứng minh giá trị của bản thân, cho rằng mình là cán cân của mọi thứ.
Người thực sự có năng lực không bao giờ cần làm thấp người khác để thể hiện bản thân. Ảnh minh họa.
Thế nhưng cổ nhân có câu "hữu xạ tự nhiên hương", người có năng lực thực sự không bao giờ cần phải hạ thấp người khác để thể hiện bản thân. Một khi có năng lực thực sự, những người khác muốn "dìm" bạn xuống cũng khó.
Vì thế, mỗi chúng ta hãy không ngừng trau dồi kiến thức, năng lực, khả năng ứng xử… để có thể ngẩng cao đầu cho dù gặp phải bất cứ tình huống không hay nào ở nơi làm việc.