Công ty tôi làm về lĩnh vực marketing, chuyên nhận dự án phát triển trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook... Sau 5 năm gắn bó với công ty, tôi cũng tự thấy mình đang dần "già". Để không bị tụt hậu và bắt kịp xu hướng của công việc, tôi không ngừng học hỏi, trau dồi và chưa bao giờ thấy việc học hỏi là đủ. Có lẽ một phần vì vậy mà tôi được mọi người ở công ty yêu quý.
Chuyện công sở sẽ cứ thế êm đẹp vui vẻ, nếu như không có sự xuất hiện của Nhi.
Nhi, 25 tuổi, được một người bạn gửi gắm tôi giới thiệu vào công ty. Ngoại hình khá xinh xắn, vui vẻ và sự tự tin chính là điểm cộng. Tuy nhiên, Nhi chưa từng chính thức đi làm ở công ty nào sau khi tốt nghiệp.
Ngày đầu tiên Nhi vào công ty, tôi bất ngờ trước sự hòa đồng thái quá của cô. Nhiều đồng nghiệp còn nháy mắt với tôi, kiểu "nó có thật sự bình thường không?".
Chuyện là, vừa vào tới, Nhi đã lập tức hô hào thu hút sự chú ý của mọi người rồi giới thiệu bản thân. Cô nàng nói mình đi làm vì đam mê chứ ba mẹ giàu, trong khi sự thật là ba mẹ Nhi chẳng có gì ngoài vài tấc ruộng ở quê. Điều làm mọi người bất ngờ nhất là Nhi hứa đưa công ty phát triển vì có kinh nghiệm nhiều năm... "ở nhà lướt mạng xã hội".
Dù hơi sốc, song tôi vẫn cố tự trấn an, cho rằng Nhi chỉ đùa và muốn thể hiện sự hài hước của mình.
Những ngày bắt đầu công việc, trong các cuộc họp, Nhi liên tục chê bai ý kiến và sản phẩm của đồng nghiệp đi trước: "Quê quá, cũ quá, không hấp dẫn.. .". Quan sát, tôi thấy các đồng nghiệp giận đỏ mặt. Điều nực cười là khi sếp hỏi, nếu chưa ưng ý thì Nhi có thể đưa ra sáng kiến, cô nàng lại trả lời rằng "chưa chuẩn bị cho nội dung bé kiểu này bao giờ".
Sau các cuộc họp, tôi bị đồng nghiệp mắng vốn vì giới thiệu Nhi vào công ty. Lúc đó tôi chỉ biết động viên mọi người bình tĩnh, với lý do em ấy mới đi làm, chưa va vấp nhiều. Nghĩ rằng bản thân mình cũng có trách nhiệm, tôi hẹn cà phê và chia sẻ khéo léo với cô nàng. Tưởng chừng Nhi sẽ hiểu chuyện, thay đổi dần, nhưng câu trả lời khiến tôi ngã ngửa: "Em là người thẳng tính, có sao em nói vậy. Mọi người kém thì em nói kém, có sao đâu".
Buổi cà phê hôm đó cũng giúp tôi tỉnh táo hơn, nhận ra rằng mình không nên bao đồng quá nhiều. Tôi quyết định để Nhi tự "bơi".
Hai tháng làm việc, Nhi vẫn không có bất cứ sáng kiến nào. Công việc của cô nàng dường như chỉ là đi bình luận dạo dưới các sản phẩm mà công ty đăng tải.
Hôm nọ, có một bình luận của Nhi được cộng đồng mạng tán thành, hơn chục nghìn lượt thích và phản hồi, đưa về lượt xem khá tốt cho sản phẩm. "Thành công" đó khiến Nhi nở mũi, cô chụp màn hình và viết nguyên một sớ đăng tải lên Facebook cá nhân, cho rằng mình là "vơ-đét" của công ty. Cũng từ đây, thái độ của Nhi đối với đồng nghiệp càng tệ hơn.
Tôi cũng nghe nhiều đồng nghiệp kể lại những điều Nhi nói không hay về mình, song tôi chọn mặc kệ; 5 năm đi làm không quá nhiều nhưng đủ để tôi biết người như Nhi chắc chắn không thể "trụ" lâu ở công ty.
Hết 3 tháng thử việc, Nhi tưởng sẽ được ký hợp đồng chính thức nhưng sếp thông báo thử việc thêm 3 tháng. Quyết định này khiến cô không phục.
Chúng tôi nghe được những lời "gào thét" của Nhi từ trong phòng sếp: "Em đã làm rất tốt, có thua ai trong công ty đâu? Bình luận của em còn viral cả mạng xã hội, người ta biết đến công ty là nhờ em, đã ai ở công ty này làm được vậy chưa?".
Sau hôm đó, Nhi nghỉ việc. Trên Facebook cá nhân, cô nàng trình bày lý do ngừng làm ở công ty tôi là bị sếp và đồng nghiệp chèn ép, vì thấy môi trường làm việc không tốt nên cô là người chủ động xin nghỉ. Bài đăng của Nhi khiến công ty chúng tôi bị công kích khá nhiều.
Sau lùm xùm đó, sếp chia sẻ với chúng tôi rằng, không doanh nghiệp nào muốn giữ chân một người chưa thể hiện được năng lực, không có trách nhiệm mà lại tính cách chẳng giống ai, chưa làm được gì đã "vỗ ngực xưng oai".
Đến hiện tại, Nhi đã nghỉ việc ở công ty tôi 3 tháng. Tôi không bất ngờ khi biết trong 3 tháng qua, cô nàng nhảy việc ở 3 công ty. Mỗi lần nghỉ, công ty đó lại được "xướng tên" trên Facebook cá nhân của cô.