Tại họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý 1/2023 của Tổng cục Thống kê hồi đầu tháng này, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động cho biết, mức thu nhập quý 1 tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).
Theo báo cáo này, thu nhập bình quân của lao động trên cả nước tăng, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh...
Hồi quý 4/2022, có sự sụt giảm tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ. Đến quý 1 thì năm nay đời sống người lao động tại vùng này được cải thiện khá chậm.
Cụ thể, quý 1/2023, thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 8,9 triệu đồng, tăng 1,9% so với quý trước. Theo đó, Đông Nam Bộ vẫn là vùng có thu nhập bình quân của người lao động cao nhất cả nước.
Quý 1/2023, thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 8,9 triệu. Ảnh: Dy Khoa
Cụ thể, trong quý 1/2023, thu nhập bình quân của lao động làm việc tại TP Hồ Chí Minh là 9,1 triệu đồng. Lao động làm việc tại Bình Phước có thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng. Trong quý 1/2021, quý 1/2022 và quý 1/2023, Đông Nam Bộ luôn là vùng kinh tế có thu nhập bình quân tháng của người lao động cao nhất Việt Nam, lần lượt là 8,4 triệu đồng, 8,3 triệu đồng và 8,9 triệu đồng. Đồng bằng sông Hồng xếp sau đó, thu nhập bình quân tháng trong quý 1/2023 của khu vực này là 8,3 triệu đồng.
Trong quý 1/2023, người lao động tại Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long có thể kiếm được lần lượt là 5,1 triệu đồng, 6,2 triệu đồng, 5 triệu đồng và 6,4 triệu đồng.
Tại sao Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân của lao động cao nhất cả nước?
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đây là vùng có địa hình rộng, thoáng; phần lớn diện tích là đồng bằng, nửa bình nguyên, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải...; phía Bắc tiếp giáp với các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, là những vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; phía Tây và Tây-Nam giáp đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tiềm năng lớn nhất về nông nghiệp của cả nước; phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông, giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là tài nguyên hải sản, dầu mỏ và khí đốt, cũng như thuận tiện kết nối với tuyến đường biển quốc tế quan trọng, nhộn nhịp bậc nhất thế giới, kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; phía Tây Bắc tiếp giáp với Campuchia, có cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), tạo thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác với Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar theo tuyến đường bộ xuyên Á.
Vùng Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước. Với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, vùng luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước.
Hạt nhân của Đông Nam Bộ là đô thị đặc biệt TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Dy Khoa.
Hạt nhân của vùng là đô thị đặc biệt TP Hồ Chí Minh - trung tâm lớn nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ; đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng.
Hồi 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra. Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước.
Cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh; tỷ trọng khu vực dịch vụ vượt mục tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ cao nhất cả nước. Đã hình thành trung tâm công nghiệp hàng đầu với nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước.
Kinh tế tư nhân phát triển năng động, có số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Đã phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, như: Công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, tự động hoá, vật liệu mới.