Đồng minh thân cận nhất với Nga trở thành "quốc gia đối tác" của BRICS theo quy chế mới

Hữu Hiển |

Đài RT (Nga) đưa tin, Bộ Ngoại giao Belarus thông báo trong tuyên bố vào ngày 11/11 rằng nước này đã chính thức nhận lời đề nghị làm đối tác của nhóm BRICS.

Cổng thông tin báo chí của Bộ Ngoại giao Belarus thông báo, Ngoại trưởng nước này Maksim Ryzhenkov đã chuyển cho Đại sứ Nga tại Minsk Boris Gryzlov một bức thư do Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko viết để gửi đến người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Trong thư, nhà lãnh đạo Belarus mô tả BRICS là "trụ cột của thế giới đa cực" mang lại cho nhiều quốc gia "hy vọng về một trật tự thế giới công bằng hơn".

Ngoại trưởng Belarus Maksim Ryzhenkov (phải) và Đại sứ Nga tại Belarus Boris Gryzlov tại Minsk, Belarus, vào ngày 11/11/2024. Ảnh: Bộ Ngoại giao Belarus

Theo RT, là đồng minh thân cận nhất của Nga, Belarus cũng phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Mặc dù Belarus không trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, Minsk đã cho phép Moscow sử dụng lãnh thổ của mình vào tháng 2/2022 khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.

Các lệnh trừng phạt bao trùm một loạt các lĩnh vực kinh tế, bao gồm lệnh cấm chuyển giao công nghệ quân sự và hàng hóa có mục đích sử dụng kép cho Belarus. Các công ty EU cũng bị cấm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho Minsk và nước này đã bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính EU. Belarus đã lên án các lệnh trừng phạt là bất hợp pháp và không có lý do.

Quy chế “quốc gia đối tác” của BRICS

RT cho hay, quy chế “quốc gia đối tác” đã được phê duyệt sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức tại thành phố Kazan của Nga vào tháng trước. Quy chế mới này quy định về việc tham gia thường xuyên vào các phiên họp đặc biệt của hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp của bộ trưởng ngoại giao, cũng như các sự kiện cấp cao khác của khối. Các quốc gia đối tác cũng có thể đóng góp vào các tài liệu được công bố của BRICS, do đó mở rộng phạm vi địa lý của các nước này.

Quy chế quốc gia đối tác được đưa ra như một giải pháp thay thế cho tư cách thành viên, sau khi hơn 30 quốc gia nộp đơn xin gia nhập khối. BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, và được mở rộng khi Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) chính thức trở thành thành viên vào đầu năm nay.

Tuần trước, Tổng thống Nga Putin cho biết những đại biểu tham gia hội nghị thượng đỉnh đã nhất trí về danh sách các ứng cử viên tiềm năng, với lời mời sẽ sớm được gửi đi.

“Nếu các nước đưa ra phản hồi tích cực, họ sẽ được cấp quy chế quốc gia đối tác BRICS”, ông Putin nói.

Mặc dù Nga - quốc gia giữ chức Chủ tịch BRICS năm nay - vẫn chưa chính thức công bố danh sách các nước đối tác đầy tham vọng, nhưng theo các quan chức Nga, hơn 30 quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO - đã nộp đơn xin gia nhập BRICS.

Bộ Ngoại giao Belarus tuyên bố rằng việc Tổng thống Lukashenko đưa ra phản hồi cá nhân đối với lời mời sẽ khiến quy chế quốc gia đối tác của Belarus có hiệu lực.

Trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan vào tháng trước, ông Lukashenko cho biết Minsk đã sẵn sàng trở thành “thành viên tích cực” của khối.

“Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ triết lý của BRICS. Belarus sẽ đến với các bạn với những ý tưởng và dự án cụ thể”, ông Lukashenko tuyên bố.

Nhà lãnh đạo Belarus trước đây từng mô tả BRICS là “một bước tiến lớn hướng tới một thế giới đa cực” và là sự kết thúc cuối cùng của “bá quyền toàn cầu” của phương Tây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (hàng đầu tiên, từ trái sang phải) tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan, Nga vào ngày 23/10/2024. Ảnh: Getty

Theo Tổng thống Nga Putin, nhóm các nước mới nổi BRICS đại diện cho hình mẫu của một loại quan hệ liên chính phủ mới. Nhà lãnh đạo Nga đưa ra phát biểu này tại phiên toàn thể Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai lần thứ 21 diễn ra ở thành phố Sochi (Nga) ngày 7/11.

“Nguyên mẫu của một mối quan hệ mới, tự do và không theo khối giữa các quốc gia và dân tộc chính là cộng đồng hiện đang được hình thành trong khuôn khổ BRICS”, ông Putin tuyên bố.

Tổng thống Nga chỉ ra thực tế rằng ngay cả trong số các thành viên NATO, vẫn có những nước quan tâm đến việc hợp tác chặt chẽ với nhóm.

"Tôi không loại trừ khả năng trong tương lai các quốc gia khác cũng sẽ nghĩ đến việc hợp tác chặt chẽ hơn với BRICS", ông Putin nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại