"Đồng minh nổi loạn" của Nga từ chối ký thỏa thuận - Ông Putin ra lệnh, quân Nga rút khỏi biên giới Iran

Minh Nhật |

Trước đó, chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan được cho là "bóng gió" về khả năng Armenia liên kết với Tehran trục xuất lực lượng Nga ra khỏi biên giới Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran.

Lực lượng Nga rút khỏi biên giới Armenia-Iran

Hãng thông tấn Interfax ngày 8/10 đưa tin, lực lượng biên phòng Nga sẽ dừng hoạt động tại trạm kiểm soát Karchevan trên biên giới giữa Armenia-Iran. Quyết định đã được Tổng thống Vladimir Putin thông qua và sẽ có hiệu lực ngày 1/1/2025.

Trước đó, hôm 9/9 vừa qua, trong bối cảnh Nga-Iran căng thẳng do bất đồng quan điểm xung quanh hành lang Zangezur, theo tờ Radar Armenia, chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan đã đề cập tới lực lượng biên phòng Nga đang triển khai tại biên giới Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

"Lực lượng biên phòng Nga đang đứng trên biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tôi nghĩ chúng ta cần suy nghĩ về vấn đề này" – Ông Simonyan nói.

Phát ngôn của ông Simonyan được cho là "bóng gió" về khả năng Armenia liên kết với Tehran trục xuất lực lượng Nga ra khỏi biên giới giữa Armenia - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran.

Lực lượng Nga ở Armenia. Ảnh: Foreign Policy

Phản ứng về phát ngôn của ông Simonyan, đại diện Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 11/9 cho biết, tình hình trong khu vực vẫn chưa được bình thường hóa hoàn toàn và việc rút lính biên phòng Nga khỏi biên giới với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là "không phù hợp", xét theo tình hình an ninh của Armenia.

"Lực lượng biên phòng Nga cũng đã nhiều lần chứng minh được sự hiện diện của họ cần thiết tới mức nào. Nhưng có vẻ như điều này đang làm một số chính trị gia ở Yerevan khó chịu" – Bà Zakharova nói.

Ở diễn biến mới nhất, theo Interfax, sau cuộc họp tại Moscow về các vấn đề liên quan tới sự tham gia của biên phòng Nga trong việc bảo vệ biên giới Armenia hôm 8/10, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Putin đã nhất trí về việc rút lực lượng Nga khỏi chốt kiểm soát Karchevan.

"Một thỏa thuận đã đạt được giữa Nga-Armenia. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, lực lượng biên phòng của Cơ quan An ninh Quốc gia Armenia sẽ tham gia bảo vệ biên giới nhà nước Armenia-Iran và Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tại trạm kiểm soát biên giới Armenia-Iran" – Ông Nazeli Baghdasaryan, thư ký báo chí của Thủ tướng Pashinyan cho hay.

Ông Baghdasaryan lưu ý, Thủ tướng Pashinyan đã cảm ơn Tổng thống Putin vì sự hỗ trợ của lực lượng biên phòng Nga tại trạm kiểm soát biên giới Armenia-Iran kể từ khi Armenia giành được độc lập.

Nga-Armenia đã ký thỏa thuận về việc triển khai lực lượng biên phòng Nga trên lãnh thổ Armenia vào tháng 9/1992. Theo thỏa thuận, Yerevan cho phép biên phòng Nga làm nhiệm vụ kiểm soát biên giới Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, chịu trách nhiệm bảo vệ 333km biên giới Armenia-Thổ Nhĩ Kỳ và 44km biên giới Armenia-Iran.

Tháng 5/2024, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov thông báo, ông Putin và ông Pashinyan đã nhất trí rút lực lượng biên phòng Nga khỏi một số khu vực của Armenia. Tuy nhiên, ông Peskov lưu ý rằng, "theo yêu cầu của Yerevan, biên phòng Nga vẫn sẽ đóng quân ở biên giới với Armenia với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ".

Tới tháng 7/2024, biên phòng Nga kết thúc nhiệm vụ tại sân bay Zvartnots ở thủ đô Yerevan.

Hành lang Zangezur: Armenia gạt bỏ sự tham gia của Nga

Zangezur là một tuyến đường được đề xuất để kết nối Azerbaijan với vùng tự trị Nakhchivan (thuộc Azerbaijan) thông qua Armenia. Nga ủng hộ dự án này, tuy nhiên, Iran và Armenia đều phản đối do đánh giá đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia.

Tại hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) diễn ra ngày 8/10, ông Putin đã thảo luận về vấn đề này với các nhà lãnh đạo Azerbaijan và Armenia.

Hành lang Zangezur sẽ kết nối Azerbaijan với khu vực tự trị Nakhchivan thông qua Armenia. Ảnh: Iranwire

Thủ tướng Pashinyan đã trình bày chương trình "Ngã tư thế giới" trong cuộc gặp với Tổng thống Putin, đồng thời trao cho ông một cuốn sách nhỏ liên quan.

Đây là một giải pháp thay thế do Yerevan đề xuất cho hành lang Zangezur. Theo kế hoạch của chính quyền Armenia, tuyến giao thông đi qua Armenia, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Iran sẽ hoạt động dưới chủ quyền và quyền tài phán của từng quốc gia mà không có sự tham gia của Nga.

"Ý tưởng của dự án này như sau: Armenia sẵn sàng đảm bảo việc di chuyển của phương tiện giao thông, hàng hóa, hành khách, đường ống dẫn dầu và cáp qua lãnh thổ của mình: từ Gruzia đến Iran, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Azerbaijan, cũng như ngược lại và xa hơn nữa" – Ông Pashinyan nói.

"Chúng tôi sẵn sàng đảm bảo việc di chuyển của phương tiện giao thông, hàng hóa, hành khách, đường ống dẫn dầu và cáp giữa phần chính của Azerbaijan và Cộng hòa Tự trị Nakhchivan" – Thủ tướng Pashinyan tuyên bố trong cuộc họp.

Từ chối ký thỏa thuận chung CIS tại Nga

Đáng lưu ý, theo hãng thông tấn Armenpress (Armenia), Yerevan đã từ chối ký thông qua 2 tuyên bố chung tại hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao của CIS, diễn ra 1 ngày trước Hội nghị các nhà lãnh đạo CIS.

Hội nghị này vừa diễn ra vào ngày 7/10, với sự tham dự của Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan. Đến tối cùng ngày, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Armenia thông báo, nước này đã không tham gia 2 tuyên bố chung được thông qua trong ngày, song không cung cấp bất cứ chi tiết nào đằng sau quyết định của mình.

Tuyên bố đầu tiên tập trung vào các nguyên tắc hợp tác nhằm đảm bảo an ninh ở khu vực Á-Âu, và kêu gọi 'thích ứng kiến trúc tương tác Á-Âu trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, văn hóa, cũng như các lĩnh vực khác với thực tế đa cực'.

Tuyên bố thứ hai — về việc không chấp nhận sử dụng các biện pháp hạn chế đơn phương trong quan hệ quốc tế — khuyến nghị các quốc gia thành viên kiềm chế không áp dụng, mở rộng hoặc thực hiện các biện pháp như vậy.

Hãng tin OC Media lưu ý, việc thông qua tuyên bố thứ hai diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang tăng cường các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga do cuộc chiến ở Ukraine, và căng thẳng giữa Nga-Armenia đang gia tăng sau nhiều động thái chống Nga của quốc gia này.

Mối quan hệ giữa Nga-Armenia đã xấu đi rõ rệt kể từ năm 2022, khi Armenia tẩy chay hầu hết các phiên họp của CIS và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

Theo tờ Politico (Mỹ), vốn có mối quan hệ đồng minh truyền thống với Nga nhưng Armenia đang chuyển hướng về phương Tây để tìm kiếm các mối quan hệ đối tác mới sau khi cáo buộc Moscow đã không làm gì để ngăn chặn cuộc tấn công chớp nhoáng của Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh tháng 9/2023.

Trang tin Topcor và Info24 (Nga) vào đầu tháng 9 cho biết, Armenia cũng đã bắt đầu cung cấp các loại vũ khí từ thời Liên Xô cho Ukraine.

Hiện tại, mối quan hệ giữa Moscow và Yerevan đã rơi xuống mức "thấp nhất lịch sử".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Nguyễn Xuân Son ra mắt chói sáng, tuyển Việt Nam tiến vào bán kết trong niềm hân hoan vô bờ

Nguyễn Xuân Son ra mắt chói sáng, tuyển Việt Nam tiến vào bán kết trong niềm hân hoan vô bờ

21/12/2024 22:05

Sau nhiều sự chờ đợi, rốt cuộc Xuân Son đã chứng minh được giá trị của mình. Anh đã không làm hàng triệu người hâm mộ bóng đá Việt Nam phải thất vọng.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top