Ba Lan đồng ý triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ
Tổng thống Andrzej Duda ngày 22/4 cho biết, Ba Lan sẵn sàng trang bị vũ khí hạt nhân - loại vũ khí mạnh ở mức độ hủy diệt - trên lãnh thổ nếu NATO quyết định củng cố sườn phía đông của nước này.
"Nga đang ngày càng quân sự hóa.... Gần đây, họ đã chuyển vũ khí hạt nhân sang Belarus", ông Duda cho biết trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Fakt.
"Nếu các đồng minh quyết định triển khai vũ khí hạt nhân như một phần của việc chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ, nhằm tăng cường an ninh cho sườn phía đông của NATO, thì chúng tôi sẵn sàng cho điều đó".
Tổng thống Duda tiết lộ thêm, các cuộc thảo luận về hợp tác hạt nhân giữa Ba Lan và Mỹ đã diễn ra được một thời gian.
"Tôi đã nói về điều này nhiều lần rồi. Tôi phải thừa nhận rằng khi được hỏi về điều đó, tôi tuyên bố [Ba Lan] đã sẵn sàng".
Ông nhấn mạnh rằng, với tư cách là thành viên NATO, Ba Lan có một số nghĩa vụ nhất định và "về phương diện này, Ba Lan chỉ đơn giản thực hiện một chính sách chung".
Ba Lan hiện cũng là thành viên NATO ủng hộ lập trường của Ukraine trong xung đột với Nga. Nước này có chung đường biên giới với vùng lãnh thổ Kaliningrad (Nga) và với Belarus, đồng minh của Moscow.
Theo kế hoạch chia sẻ hạt nhân của NATO, Mỹ được phép bố trí vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên chưa sở hữu vũ khí hạt nhân. Mỹ hiện đã trang bị vũ khí hạt nhân tại 5 thành viên NATO gồm Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga lên tiếng
Điện Kremlin cùng ngày cho biết, Nga sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh nếu Ba Lan triển khai vũ khí hạt nhân.
"Quân đội sẽ phân tích tình hình. Nếu những kế hoạch này được thực hiện, tất cả các bước cần thiết sẽ được thực hiện để đảm bảo an ninh của chúng tôi",người phát ngôn Dmitry Peskov nói.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 1 từng khẳng định, Moscow coi tài sản hạt nhân của Mỹ, Anh và Pháp là "kho vũ khí hạt nhân duy nhất nhằm vào Liên bang Nga" vì NATO đã tuyên bố đây Moscow là "mối đe dọa chính".
Ông nói thêm rằng Nga đã tính đến thực tế này trong chính sách hạt nhân quốc gia.
Ngoài ra, hồi tháng 6/2023, Tổng thống Vladimir Putin xác nhận rằng Nga đã gửi vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia giáp Ukraine và Ba Lan. Tuy nhiên, theo Moscow, nước này không bao giờ cho phép xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân và cũng chưa bao giờ đe dọa sử dụng kho vũ khí nguyên tử quốc gia.