Đại sứ Armenia Tigran Gevorgya đến trình quốc thư tới Tổng thống Assad.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nhấn mạnh những chiến thắng quân sự gần đây của ông bằng cách gây dựng quan hệ ngoại giao với một số cường quốc trên thế giới. Nhiều trong số đó là các quốc gia từng rút các đặc phái viên hoặc thậm chí là tích cực tài trợ để lật đổ nhà lãnh đạo này khi đất nước ông rơi vào cuộc xung đột.
Theo thông tấn xã SANA đưa tin hôm 11/12, chính quyền Tổng thống Assad vừa thông báo về các đại sứ mới được bổ nhiệm của Armenia và Venezuela tại Syria.
Armenia và Venezuela là một trong số ít các quốc gia vẫn sát cánh với chính quyền Damascus trong việc giữ sự hiện diện ngoại giao bất chấp áp lực từ phương Tây và các đồng minh khu vực như Qatar, Saudi Arabia và Israel.
Theo giới quan sát, với tín hiệu mới này, Thủ đô Damascus có thể sớm chào đón thêm nhiều đặc phái viên các nước tới đây, mở ra những mối quan hệ tích cực về mặt ngoại giao sau khi cuộc chiến kết thúc.
Ammar al-Assad, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Syria đã tiết lộ với Sputnik vài ngày trước về thông tin "có rất nhiều quốc gia, bao gồm cả Ý và Hy Lạp, đã đưa một số nhân viên ngoại giao trở lại", mặc dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra.
Quan chức này cùng với một nghị sĩ Syria giấu tên cho biết, một trong những quốc gia Ả Rập nổi bật khác là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng có thể trở lại.
Những tuyên bố này được đưa ra sau khi có các báo cáo trên tờ Nezavisimaya Gazeta của Nga cho rằng, Abu Dhabi và Damascus đang đàm phán để UAE mở lại đại sứ quán sau 6 năm đóng cửa. Đây là một trong những minh chứng mới nhất báo hiệu sự bình thường hóa giữa Syria và thế giới Ả Rập.
Trước cuộc khủng hoảng bắt đầu vào năm 2011, Syria đã luôn là một quốc gia có vị trí lịch sử nổi bật trong khu vực, trong đó có một hệ tư tưởng chống lại các chế độ quân chủ bảo thủ và ảnh hưởng của phương Tây.
Theo tờ Newsweek, Mỹ bắt đầu nhắm mục tiêu vào Syria khi làn sóng Mùa xuân Ả Rập quét qua khu vực vào năm 2010 và 2011. CIA bắt đầu cung cấp sự hỗ trợ ngầm cho các phiến quân vũ trang chiến đấu với Chính phủ.
Vào năm 2015, Nga đã tiến vào can thiệp ở Syria theo lời mời của Tổng thống Assad, giúp đỡ các lực lượng vũ trang nước này thắng thế trước phiến quân trên khắp đất nước.
Chính phủ Syria hiện kiểm soát phần lớn lãnh thổ, để lại một phần dưới sự quản lý của các phe phái chủ yếu là người Kurd, được Mỹ hậu thuẫn và một tỉnh nằm trong tay phe nổi dậy và các nhóm cực đoan.
Mỹ đã tiếp tục yêu cầu ông Assad phải rời bỏ quyền lực và tiến hành các cuộc tấn công để phản ứng với những cáo buộc tấn công vũ khí hóa học chưa có bằng chứng. Bất chấp lập trường của Mỹ, các nước Ả Rập đã sẵn sàng công nhận Tổng thống Assad là người chiến thắng rõ ràng trong cuộc xung đột ở Syria.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với một tờ báo có trụ sở tại Ả Rập kể từ năm 2011, ông Assad tiết lộ rằng, "các phái đoàn phương Tây và Ả Rập đã bắt đầu đến Syria để sắp xếp cho sự trở lại của họ, bao gồm nhiều lĩnh vực, từ ngoại giao, kinh tế đến công nghiệp".
Màn chào hỏi nồng nhiệt giữa Tổng thống Nga và Thái tử Saudi.
Khoảng một tuần trước khi ông Assad đưa ra những nhận xét này, Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmad al-Khalifa đã khiến các nhà quan sát ngạc nhiên khi ôm hôn Ngoại trưởng Syria Walid al-Muallem bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ông Khalifa tiếp tục nói rằng, "thật không đúng khi thấy các nước trong khu vực và quốc tế hợp tác ở Syria trong khi người Ả Rập thì không", đồng thời khẳng định, "Chính phủ Syria là người cai trị ở Syria và chúng tôi hợp tác với các nước ngay cả khi chúng tôi không cùng quan điểm với họ".
Lời bình luận được đưa ra như một cú sốc ngoại giao. Trước đó, Bahrain đã cáo buộc các đồng minh Syria là Iran và Hezbollah luôn khuấy động tình trạng bất ổn ở quốc đảo này.
Đối với các quốc gia láng giềng, chính Israel cũng đã xuất hiện để làm dịu lập trường chống lại kẻ thù lâu năm Syria. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quốc gia ủng hộ lớn cuối cùng của phe đối lập Syria, nhưng từ lâu đã thỏa hiệp với Nga và Iran, cũng như không còn mặn mà trong mục tiêu lật đổ quyền lực ở Damascus.
Đối với các quốc gia Ả Rập ở Bắc Phi như Algeria và Ai Cập, họ cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Assad. Bên ngoài khu vực, các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào tái thiết ở Syria, trong khi Triều Tiên luôn là quốc gia giữ mối quan hệ chặt chẽ với Damascus từ nhiều năm.
Một câu hỏi lớn ở thời điểm hiện tại là Saudi Arabia - quốc gia ủng hộ hăng hái nhất cho nỗ lực lật đổ Tổng thống Assad - sẽ ứng biến như thế nào khi bối cảnh địa chính trị của khu vực thay đổi.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman nói với TIME hồi tháng 4 rằng, "Tổng thống Assad trong thời điểm hiện tại sẽ không rời đi", nhưng ông bày tỏ sự phản đối ảnh hưởng của Iran ở Syria. Vương quốc Ả Rập đã luôn có mặt trong trận chiến gây dựng ảnh hưởng trên khắp Trung Đông với Iran, nhưng có thể được coi là đã “thua” trước Tehran ở Syria.
Ngay sau khi báo cáo về việc UAE có thể mở cửa đại sứ quán trở lại ở Syria, tờ Al-Masdar News đã trích dẫn một nguồn tin ở Damascus cho biết Riyadh có thể sẽ làm theo.
Giống như Israel, quốc gia Ả Rập đã tìm cách gạt bỏ “cái gai” Iran ở Syria để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga .
Điều này trở nên rõ ràng tại Hội nghị thượng đỉnh G20 gần đây ở Argentina, nơi Tổng thống Vladimir Putin và Thái tử Mohammed bin Salman đã có màn chào hỏi đặc biệt nồng nhiệt khi nhìn thấy nhau.
Khoảng một ngày sau khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt, tờ Al Jazeera trích dẫn một nguồn tin của Chính phủ Syria báo cáo rằng, UAE đã mở một kênh bí mật để tổ chức các cuộc đàm phán nhằm khôi phục quan hệ giữa Syria và Saudi Arabia.
Theo giới phân tích, Riyadh có thể đang tìm cách vớt vát lợi ích ở Syria để chống lại ảnh hưởng của Iran, cùng với các đối thủ trong khu vực là Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.