Nga nhiệt tình cung cấp vũ khí cho Philippines
Theo nhà báo Dimitri Simes Jr – một cây viết chuyên về các vấn đề quan hệ quốc tế và quốc phòng, chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Nga hồi đầu tháng 10 là bước tiến mới nhất trong mối quan hệ đối tác an ninh đang phát triển nhanh chóng giữa hai phía.
Mối quan hệ này đang lặng lẽ tái định hình bàn cờ chiến lược ở châu Á, giữa một bên là Philippines – đồng minh lâu năm của Mỹ và Nga – đối thủ hàng đầu của Washington.
Kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào năm 2016, tính đến nay các tàu chiến Nga đã ghé thăm Philippines 6 lần. Trong năm 2017, Nga còn tặng hàng nghìn khẩu súng trường và mũ bảo hiểm, gần 1 triệu viên đạn và 20 xe tải cho Philippines.
Trong khi đó, Philippines bày tỏ mong muốn mua các tàu ngầm và trực thăng của Nga, bất chấp việc khiến Washington phật ý. Moscow gần đây đã đề nghị hỗ trợ Philippines huấn luyện lực lượng vũ trang và tổ chức các cuộc tập trận chung giữa hai phía.
Tháng 9 năm nay, Nga đã chỉ định tùy viên quân sự đầu tiên tới Philippines kể từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.
Đối với ông Duterte, mối quan hệ này là một trong những bước phát triển cần thiết trong bối cảnh các chính phủ phương Tây ngày càng do dự bán vũ khí cho Philippines.
Năm 2016, Mỹ đã đình chỉ thỏa thuận cung cấp 26.000 khẩu súng trường cho Manila do lo ngại chính quyền ông Duterte đã tiến hành các vụ trừ khử phi pháp và vi phạm quyền con người trong nỗ lực triệt phá những kẻ buôn bán ma túy.
Tuy nhiên, mối quan hệ đầm ấm giữa Moscow và Manila không chỉ làm phức tạp quan hệ giữa Mỹ-Philippines.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trên boong tàu khu trục Admiral Panteleyev (của Hạm đội Thái Bình Dương Nga) tại cảng Manila để tham dự buổi lễ tiếp nhận lô thiết bị quân sự từ Nga, bao gồm các loại vũ khí cá nhân và xe tải quân sự. Ảnh: TASS
Bất chấp những tuyên bố lớn tiếng của Kremlin về quan hệ đối tác mới với Trung Quốc, giới chính trị Nga ngày càng lo ngại về việc trở nên quá phụ thuộc vào nước láng giềng phía nam trong bối cảnh đang phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và có mối quan hệ xuống dốc với châu Âu.
Bên cạnh đó, theo Giáo sư Alexey Maslov tại Trường kinh tế, Đại học Nghiên cứu Quốc gia (Nga), Moscow cũng ngày càng thất vọng với thái độ chẳng mấy mặn mà của Trung Quốc về việc đầu tư vào Nga hoặc cùng Nga phản kháng lại các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Moscow.
Để giải quyết tình trạng bất cân bằng ngày càng gia tăng này, Nga đang tìm kiếm quan hệ đối tác với các quốc gia khác ở châu Á, đặc biệt là những quốc gia có mối quan hệ không mấy hữu hảo với Trung Quốc. Và Philippines – quốc gia đang vướng vào tranh chấp hàng hải với Trung Quốc – là một ứng viên hoàn hảo.
"Philippines là đối tác rất quan trọng trong bối cảnh này, bởi đây là lần đầu tiên Nga tiến chân vào cả lãnh địa của Mỹ và Trung Quốc", ông Maslov nói, "Đây là một bước đi mới và rất quan trọng đối với Nga".
Cũng có một số lý do khác kéo Nga và Philippines lại gần nhau hơn, chẳng hạn như sự ngưỡng mộ công khai của ông Duterte đối với Tổng thống Nga Putin và việc Tổng thống Philippines sẵn sàng thách thức phương Tây.
Ông Duterte từng ca ngợi Tổng thống Putin là "vị anh hùng yêu thích" của mình và tuyên bố về ý định cân bằng mối quan hệ giữa Philippines với Mỹ bằng cách xích lại gần Moscow và Bắc Kinh.
Sự hỗ trợ của Nga dành cho Philippines còn được thúc đẩy bởi khao khát chung là để thấy Manila thắng thế trong cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ nhằm chống lại phiến quân thánh chiến ở phần phía nam của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo ông Dmitriy Mosyakov, chuyên gia Đông Nam Á tại Viện Khoa học Các nghiên cứu phương Đông – Học viện Nga cho rằng, Moscow muốn ngăn các phần tử nổi dậy Hồi giáo tràn sang các vùng biên giới của Nga.
"Chúng ta đều thây, hôm nay các nhóm Hồi giáo cực đoan có thể gây chiến ở Philippines nhưng ngày mai chúng đã có thể ở Syria, và ngay kia có thể sẽ có mặt tại Trung Á hoặc các khu vực khác", ông Mosyakov nói, "Trong tình huống như vậy, chúng ta cần tự cứu mình bằng cách hỗ trợ Philippines".
Nước cờ được tính toán kỹ lưỡng có suôn sẻ?
Tất nhiên, mối quan hệ hợp tác quân sự Nga-Philippines sẽ gặp phải những trở ngại đáng kể, bất chấp hai phía chia sẻ lợi ích chung. Ông Viktor Murakhovsky, tổng biên tập chuyên san quốc phòng Arsenal of Fatherland tỏ ra hoài nghi khả năng Philippines sẽ tiến tới những thỏa thuận vũ khí lớn với Nga, do nước này có nguồn ngân sách hạn chế.
Ngoài ra, ông cũng băn khoăn liệu Moscow có thể giới thiệu cho Manila nhiều loại vũ khí hay không, bởi "Philippines, do vị trí địa lý, đang chú trọng vào việc mua sắm các trang thiết bị đường biển và đường không có thể hỗ trợ cho hải quân của họ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này, Nga không có nhiều hệ thống vũ khí có thể thu hút Philippines".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đang xem xét những khẩu súng trường Kalashnikov nhận từ Nga trong một buổi lễ diễn ra vào tháng 10/2017. Trong bức ảnh còn có Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Philstar
Cũng theo ông Murakhovsky, hỗ trợ Philippines huấn luyện lực lượng vũ trang cũng là việc "nói dễ hơn làm". Thực tế là hai quốc gia chưa từng tham gia các cuộc tập trận chung và Philippines chưa từng cử sĩ quan sang học tại các học viện quân sự của Nga, trong khi đây là những phương thức quan trọng để xây dựng lòng tin và trao đổi thông tin giữa quân đội hai nước.
Để tiến tới mối quan hệ đối tác quân sự dài hạn và có tổ chức thì hai quốc gia cần bắt đầu từ những điều cơ bản và phải mất nhiều năm để xây dựng nền tảng.
Mặc dù ông Duterte có thể sẽ đi theo hướng này nhưng ông Murakhovsky không tự tin rằng các chính quyền tiếp sau của Philippines sẽ cưỡng lại áp lực từ Washington như Tổng thống hiện nay.
"Điều quan trọng cần phải lưu ý là toàn bộ cỗ máy chính trị-quân sự trước nay của Philippines đều thiên hướng thân Mỹ", ông Murakhovsky nói, đồng thời nhấn mạnh rằng khó có khả năng cỗ máy này sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác tại Nga lại lưu ý tới tốc độ mà Philippines đang xoay trục về phía Nga dưới thời Tổng thống Duterte. Theo họ, đây là một dấu hiệu lạc quan cho thấy mối quan hệ thắt chặt giữa hai nước trong tương lai.