Đồng minh của Iran sợ hãi tột độ dưới đòn trừng phạt của ông Trump: "Mòn mỏi" mong ông Biden đắc cử

Hải Võ |

Lực lượng Hezbollah gặp rất nhiều khó khăn sau 4 năm vật lộn dưới chính sách "sức ép tối đa" của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào Iran cùng các đồng minh.

Cách tiếp cận của Washington dưới thời Trump mang đến nhiều lệnh cấm vận nhằm vào các thành viên Hezbollah cùng những doanh nghiệp có mối liên hệ với tổ chức, đặc biệt làm cản trở nghiêm trọng dòng tiền tài trợ từ đồng minh Iran.

Trong khi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden được các hãng truyền thông lớn của Mỹ dự phóng (projection) là sẽ chính thức đắc cử, Hezbollah tin rằng vận may của họ có thể một lần nữa xoay chiều tại Lebanon và trong khu vực.

Người ủng hộ và các nhà phân tích thân cận với Hezbollah bày tỏ vui mừng lẫn lạc quan thận trọng trước viễn cảnh ông Biden thắng cử.

Ông Sayyed Hassan Nasrallah - Tổng thư ký phong trào Hezbollah được Iran ủng hộ - hôm 11/11 bày tỏ vui mừng trước "thất bại" của ông Trump.

Nguồn tin thân cận với các chỉ huy Hezbollah nói với Middle East Eye (MEE), "Mọi người đều theo dõi bầu cử Mỹ ở các vùng ngoại ô phía nam Beirut và ủng hộ ông Biden, kể cả người ủng hộ Hezbollah lẫn các chiến binh."

"Mọi người tin rằng ông Biden sẽ hòa dịu hơn với Iran và trở lại thỏa thuận với Tehran, kèm theo đó là hệ quả tốt đẹp cho Hezbollah," nguồn tin ẩn danh nói thêm.

Đồng minh của Iran sợ hãi tột độ dưới đòn trừng phạt của ông Trump: Mòn mỏi mong ông Biden đắc cử - Ảnh 1.

Lá cờ của Hezbollah cùng hình ảnh thủ lĩnh Hassan Nasrallah trên đường phố Sidon, Lebanon (Ảnh: Reuters)

Khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân

Chính sách của ông Trump trong nhiệm kỳ đã làm các hoạt động tài chính của Hezbollah điêu đứng, bao gồm một nhà bằng có liên hệ với tổ chức phải đóng cửa, cùng nhiều đồng minh chính trị của Hezbollah bị trừng phạt với cáo buộc lạm dụng các vị trí trong chính quyền. Nhân vật bị Mỹ nhằm vào gần đây là Gebran Bassil, con rể Tổng thống Lebanon Michel Aoun và là cựu ngoại trưởng nước này.

Các đòn kinh tế của Washington nhằm vào Iran khiến Hezbollah trả giá đáng kể. Cho đến năm 2018, lực lượng này nhận được khoản tài trợ thường niên khoảng 700 triệu USD từ Tehran.

Ông Biden nêu lập trường rằng nếu đắc cử, ông sẽ chấm dứt chính sách sức ép tối đa nhằm vào Tehran và đưa Mỹ tái gia nhập Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - tức thỏa thuận hạt nhân Iran - mà chính quyền Trump rút khỏi từ năm 2018.

Thỏa thuận tái sinh sẽ cho phép Iran khôi phục hoạt động bán dầu mỏ trên thị trường quốc tế, cũng như tiếp tục tài trợ các đồng minh khu vực như Hezbollah.

"Biden chắc chắn sẽ quay trở lại với JCPOA. Điều này mở ra chân trời mới cho cả Hezbollah và Iran, bởi bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ đưa đến kết quả là sức ép được giảm nhẹ cho Hezbollah," Brahim Beyram, nhà phân tích thân cận với Hezbollah bình luận với MEE.

"Việc [Mỹ] trở lại JCPOA cũng được hiểu là sự cải thiện tình hình tài chính của Lebanon và chúng ta sẽ chứng kiến ít hơn tình trạng khủng hoảng thanh khoản."

Một nguồn tin nói với MME, các vấn đề tài chính của Hezbollah do cấm vận Mỹ đã buộc họ phải cắt giảm nhiều trợ cấp dành cho các chiến binh của mình.

"Ví dụ, chiến binh bị thương hầu như không được điều trị hay thuốc men, cũng như bị cắt giảm khoản trợ cấp tàn tật thêm vào lương. Việc nới lỏng cấm vận có thể đồng nghĩa với vận may thay đổi cho Hezbollah."

Nhiều khả năng ông Joe Biden sẽ tiếp tục lộ trình được đặt ra từ thời Tổng thống Barack Obama - theo các nhà phân tích Hezbollah. Vào năm 2016, chính quyền Obama xác nhận đã chuyển 1.7 tỷ USD tiền mặt cho Iran, đây là khoản thanh toán giải quyết các khiếu nại trọng tài kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước.

Cuộc chuyển giao khó khăn ở Mỹ

Kassem Kassir, nhà phân tích người Lebanon thân cận với Hezbollah, tỏ ra thận trọng về chính sách đối ngoại mà ông Biden theo đuổi. Theo ông, Hezbollah sẽ tiếp tục trong tình thế khó khăn "đến khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng".

Ông Kassir lưu ý, Trục kháng chiến - chỉ liên minh Iran, chính phủ Syria và Hezbollah - vẫn duy trì gắn kết bất chấp áp lực từ chính sách của ông Trump, cũng như vụ ám sát tướng Qassem Soleimani của Iran hồi đầu năm.

"Thắng lợi của Biden sẽ có lợi cho Iran và Hezbollah, cụ thể hơn với sự trở lại [Mỹ] với JCPOA và kết thúc các cấm vận. Tại Iraq, tình hình sẽ tùy thuộc nhiều vào chiến lược của quân đội Mỹ và quyết định rút quân của họ," ông nói.

Đối đầu giữa lực lượng do Iran bảo trợ và Mỹ đã leo thang tại Iraq dưới thời Trump. Quốc hội Iraq hồi tháng 1 đã thông qua nghị quyết kêu gọi chính phủ chấm dứt cho phép các lực lượng nước ngoài hiện diện tại Iraq, sau vụ tướng Soleimani bị ám sát bởi máy bay không người lái Mỹ tại một sân bay ở Baghdad.

Các vụ tấn công tên lửa nhằm vào Mỹ đã gia tăng trong những tháng gần đây. Các lực lượng thân cận với Iran còn bị nghi ngờ tấn công các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia từ Iraq.

Vai trò của Hezbollah đã trở nên quan trọng trong giai đoạn này. Tầm ảnh hưởng của chỉ huy Hezbollah tại Iraq, Mohamad Kawtharani, tăng lên sau vụ ám sát Soleimani khi ông này được trao nhiệm vụ hòa dịu căng thẳng giữa các nhóm vũ trang thân Iran.

"Iraq nhận thấy họ ở trong tình thế tương tự với Lebanon và Iran, và lực lượng Hezbollah ở đây sẽ dễ chịu hơn khi ông Biden làm Tổng thống Mỹ, vì những lý do tương tự," nhà phân tích Brahim Beyram nói.

Không có thay đổi nhanh chóng

Chính sách đối ngoại của Mỹ liên quan đến Hezbollah trong tương lai gần khó có khả năng thay đổi nhanh chóng.

Tờ báo thân Hezbollah Al-Akhbar dự đoán nghị trình của ông Joe Biden sẽ vấp phải thách thức tại Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát. Ngoài ra, nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Hezbollah đã nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ.

Michael Young, nhà phân tích kiêm biên tập cao cấp tại Trung tâm Trung Đông Carnegie, nói rằng bất kỳ sự tiếp cận nào với Iran đều phải cân nhắc đến quan ngại của các nước Vùng Vịnh đối với tên lửa tầm xa và các thỏa thuận bình thường hóa mới đây với Israel.

"Tôi cho rằng rất nhiều chính sách đối ngoại với Iran có thể duy trì nguyên trạng," Young nói với MEE. Tuy nhiên, những tiếp xúc ngoại giao mới với Tehran được kỳ vọng hướng đến giảm nhẹ các cấm vận kinh tế với Iran.

Nhiều người ủng hộ Hezbollah nói với MEE, tín nhiệm đối với tổ chức đã bị tổn hại bởi các chính khách tham nhũng, trong khi những "sự tích" về cuộc chiến với Israel năm 2006 và trước đó chỉ còn là ký ức đối với thế hệ người ủng hộ trẻ tuổi. Việc khôi phục được nguồn viện trợ tài chính dồi dào có thể giúp có thể giúp Hezbollah giành lại cảm tình từ những người đang xa rời khỏi hàng ngũ.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại