Đồng minh của Nga 'nổi loạn', hàng nghìn tên lửa tới tay Ukraine: Kremlin phản ứng – Hé lộ cách Nga đáp trả

Tùng Chi |

Vốn là đồng minh truyền thống của Nga tại Balkan nên động thái của nước này đã khiến Moscow lập tức phản ứng.

- Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić úp mở rằng, các lô đạn dược trị giá khoảng 800 triệu euro do Serbia xuất khẩu đã được chuyển tới Ukraine thông qua bên thứ ba. Động thái này khiến Kremlin phản ứng.
- Rò rỉ thêm các tài liệu cho thấy thỏa thuận bí mật cung cấp vũ khí bí mật giữa Serbia và Ukraine.
- Nga sẽ đáp trả Serbia như thế nào?

Động thái gây tranh cãi của Serbia

Tờ Kommersant của Nga ngày 26/6 cho hay, Thủ tướng Serbia Milos Vucevic – người đứng đầu Đảng Tiến bộ (Đảng cầm quyền ở Serbia) đã lên tiếng phản đối các hạn chế về việc cung cấp đạn dược cho các nước phương Tây, bất chấp rủi ro rằng số đạn dược này có thể được đưa tới Ukraine.

"Tôi không muốn ngăn cản các công ty trong nước cung cấp đạn dược cho Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech hay Mỹ, bởi việc chúng tôi sản xuất vũ khí và đạn dược không bị cấm, cũng không phải việc làm vô đạo đức, dù chúng là những thứ không may được sử dụng khi có chiến tranh" – Ông Vucevic nói.

Đồng minh của Nga 'nổi loạn', hàng nghìn tên lửa tới tay Ukraine: Kremlin phản ứng – Hé lộ cách Nga đáp trả- Ảnh 1.

Các lô đạn dược trị giá khoảng 800 triệu euro do Serbia xuất khẩu đã được chuyển tới Ukraine thông qua bên thứ ba. Ảnh: FT

Tuyên bố của ông Vucevic được đưa ra sau khi tờ Financial Times (FT) hôm 22/6 đưa tin rằng, số đạn dược, vũ khí xuất khẩu trị giá khoảng 800 triệu euro của Serbia đã đến Ukraine thông qua bên thứ ba, tính từ thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tháng 2/2022.

Trả lời FT, Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić cho biết, Serbia không xuất khẩu trực tiếp sang Ukraine nhưng nước này vẫn có hợp đồng với Mỹ, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech...

"Sau đó, các nước này làm gì (với vũ khí nhập khẩu từ Serbia) thì đó là việc của họ" - Ông Vučić nói.

Nhà lãnh đạo Serbia lưu ý thêm rằng, xuất khẩu vũ khí là cơ hội phát triển kinh doanh ở Serbia và nước này "từ chối đứng về bất cứ phía nào trong cuộc xung đột".

Vốn là đồng minh truyền thống của Nga tại Balkan nên động thái của Serbia đã khiến Moscow lập tức phản ứng.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay: "Chúng tôi đã nghe thấy và ghi nhận tuyên bố của ông Vuvic. Nga sẽ liên lạc với những người bạn Serbia để trao đổi cụ thể về vấn đề này".

Đồng minh "nổi loạn" và thỏa thuận bí mật

Trang tin News.ru (Nga) ngày 26/6 cho hay, các lô vũ khí Serbia đã đến tay Ukraine rải rác từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tháng 2/2022. Trong thời gian từ đó tới nay, đã xuất hiện nhiều bằng chứng liên quan.

Các báo cáo về sự xuất hiện của vũ khí Serbia trong khu vực xung đột ở Ukraine được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 2/2023. Những bức ảnh chụp tài liệu rò rỉ được công bố qua mạng xã hội X cho thấy Kiev nhận được tên lửa do công ty Krusik (Serbia) phân phối để dùng cho hệ thống phóng loạt.

Số lượng lên tới 3.500 tên lửa cỡ nòng 122mm. Đơn vị xuất khẩu trực tiếp cho Kiev là công ty Thổ Nhĩ Kỳ Arca Savunma Sanayi Ticaret Limited. Thông tin sau đó được đăng tải trên website Bộ Quốc phòng Ukraine.

Đồng minh của Nga 'nổi loạn', hàng nghìn tên lửa tới tay Ukraine: Kremlin phản ứng – Hé lộ cách Nga đáp trả- Ảnh 2.

Một lượng lớn vũ khí do Serbia sản xuất đã tới tay Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine

Bộ Ngoại giao Nga thời điểm đó đã yêu cầu Serbia làm rõ các thông tin trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, những lô đạn dược như vậy được chuyển tới Ukraine "gây ra mối lo ngại sâu sắc cho Moscow".

"Chúng tôi đã yêu cầu Belgrade làm rõ quan điểm. Sự thật phải được phơi bày và cần có kết luận được đưa ra, bởi đây là chủ đề cực kỳ quan trọng trong quan hệ song phương" – Bà Zakharova nói.

Đáng lưu ý, vào tháng 4/2023, hãng tin Reuters tiết lộ thêm rằng, Belgrade "được cho là đã đồng ý chuyển vũ khí cho Ukraine và đã tiến hành việc giao hàng".

Hãng tin Anh dẫn một tài liệu rò rỉ của Lầu Năm Góc, trong đó thông tin được trình bày dưới dạng sơ đồ, chỉ ra "các vị trí đánh giá" – có thể hiểu là thái độ hoặc mức độ sẵn lòng – của 38 quốc gia Châu Âu (bao gồm cả Serbia) khi phản hồi các yêu cầu về việc hỗ trợ quân sự từ Kiev.

Trả lời News.ru, ông Andrey Kortunov - Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho rằng, chuỗi cung ứng vũ khí này (chuỗi phân phối vũ khí từ Serbia đến các quốc gia khác, bao gồm cả việc vũ khí đó cuối cùng được chuyển đến Ukraine) có thể rất dài. Không phải lúc nào quốc gia khởi đầu chuỗi đó cũng có khả năng kiểm soát toàn bộ quá trình.

Cũng theo vị chuyên gia, nếu một quốc gia không muốn vũ khí của mình rơi vào tay bên thứ ba thì "hoàn toàn có những lựa chọn pháp lý" để ngăn chặn nguy cơ.

Cùng bàn về chủ đề trên, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Châu Âu Stevan Gajić nói với News.ru rằng, đạn pháo Serbia từ lâu đã được Ukraine sử dụng. Theo vị chuyên gia, Tổng thống Vučić về cơ bản đang theo đuổi chính sách của NATO và chống lại Nga.

Nga sẽ đáp trả như thế nào?

Theo News.ru, Serbia không phải là thành viên NATO và EU. Cho tới nay, nước này vẫn từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm chống lại Moscow. Belgrade chưa đóng cửa không phận với máy bay Nga, và Moscow hiện vẫn cung cấp khí đốt cho nước Cộng hòa với mức giá khoảng 300 USD/1.000m³ (ưu đãi hơn so với mức giá 400 USD trên thị trường).

Nga cũng thường xuyên lên tiếng tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc nhằm phản đối các ý kiến chống lại Serbia liên quan tới tình hình ở Kosovo.

Đồng minh của Nga 'nổi loạn', hàng nghìn tên lửa tới tay Ukraine: Kremlin phản ứng – Hé lộ cách Nga đáp trả- Ảnh 4.

Thủ tướng Serbia Milos Vucevic và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: News.ru

Vậy thì liệu việc Serbia cung cấp vũ khí cho Ukraine có ảnh hưởng tới quan hệ giữa hai phía hay không? Theo ông Kortunov, lãnh đạo Nga sẽ "không hành động bộc phát".

"Moscow sẽ tiếp cận cực kỳ thận trọng với bất kỳ tình huống nào có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho mối quan hệ song phương. Chúng ta không còn nhiều đối tác và bạn bè ở châu Âu, và Serbia là một trong số đó. Tôi cho rằng hiện tại không phải lúc thích hợp để Nga làm lớn chuyện này" – vị chuyên gia nhận định.

Theo ý kiến của ông Stevan Gajić, điều cần thiết là phía Nga phải hiểu chính xác những gì đang diễn ra.

"Ông Vučić đã thực hiện một chính sách chống Serbia và chống Nga một cách nhất quán, ông ấy đã vài lần đối mặt với khả năng cắt đứt quan hệ với Nga. Điều duy nhất kiềm chế ông ấy là người dân Serbia có xu hướng hướng về Nga.

Tôi hy vọng chính phủ Nga sẽ hiểu rằng có một sự khác biệt lớn giữa người dân và chính quyền Serbia. Người Serbia là những người duy nhất từ đầu đã ủng hộ chiến dịch đặc biệt. Việc gán những hành động của chính phủ cho người dân của họ là điều không nên" – Ông Gajić nói.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov cho biết, Tổng thống Putin hiện chưa có kế hoạch liên lạc với Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić vào thời điểm này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại