Thắng lợi của "Nhành Ô liu"
Sau hai tháng khởi động chiến dịch "Nhành Ô liu", ngày 25/3/2018, các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ được các đơn vị của quân đội Syria tự do hậu thuẫn, đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Afrin thuộc Tây Bắc Syria.
Theo số liệu chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, trong chiến dịch này, 3.700 quân của lực lượng Bảo vệ Nhân dân của người Kurd YPG đã bị giết, 50 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và khoảng 400 chiến binh của quân đội Syria tự do bị thiệt mạng. Hơn 200 ngàn dân thường, phần lớn là người Kurd đã phải rời bỏ thành phố, hiện là một trong những nơi hứng chịu thảm họa lớn nhất tại Syria.
Chiến dịch "Nhành Ô liu" giành thắng lợi, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đạt được các mục tiêu đề ra và vị thế của ông ở trong nước được nâng cao. Căn cứ quân sự quan trọng bậc nhất của các lực lượng Bảo vệ Nhân dân của người Kurd YPG tại Afrin mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của mình đã bị loại.
Thắng lợi này đã tranh thủ được dư luận xã hội Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ quân đội và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Mặt khác, đã nhiều năm nay Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia vào một chiến dịch quân sự lớn như thế này. Đây là dịp để tập dượt, thử thách sức chiến đấu của quân đội và thử nghiệm các loại vũ khí mới do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Đây là một đòn giáng vào kế hoạch thành lập một khu tự trị của người Kurd ở miền Bắc Syria giáp với biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đây cũng là một đòn giáng vào kế hoạch của Mỹ nhằm thiết lập một lực lượng An ninh biên giới với sự tham gia của người Kurd.
Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ sau Afrin là gì?
Liệu quân Thổ Nhĩ Kỳ có tiến về Manbij, Kobani, Qamishli... những khu vực của người Kurd ở phía Đông sông Euphrate? Nếu như vậy, quân Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ phải đụng độ với 2.500 quân Mỹ đang đóng tại đây. Cho đến nay, chính quyền Mỹ vẫn làm ngơ trước đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ về việc rút các lực lượng Mỹ khỏi các khu vực này.
Các nhà chỉ huy quân sự YPG đã từng thề sẽ chiến đấu đến cùng để giữ Afrin, nhưng nhiều nguồn tin cho biết họ đã rút khỏi thành phố mà không có bất cứ sự chống cự nào. Đây có thể là một thỏa thuận giữa Ankara và Washington. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu mới đây tuyên bố:
"Trong mọi tình huống, các lực lượng Bảo vệ nhân dân của người Kurd YPG sẽ không ở lại Manbij. Ở đó sẽ chỉ có lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ giám sát và bảo đảm an toàn cho các lực lượng YPG rút khỏi thành phố. Kế hoạch rút các lực lượng của người Kurd cũng sẽ được áp dụng với các thành phố khác như Raqqa và bờ phía Đông của sông Euphrate."
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Reuters
Các nhà quan sát cho rằng, đây có thể là thỏa thuận đánh đổi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ để quân Mỹ có thể ở lại "khu vực an ninh" dài 30 km dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Tại Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ đang có ý định thành lập một chính quyền tự trị do Quân đội Syria tự do quản lý.
Người phát ngôn chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag tuyên bố các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút khỏi Afrin sau khi trao thành phố này cho "những người chủ thực sự của nó". Ông Bekir Bozdag không nói rõ người chủ thực sự của Afrin là ai, nhưng có thể hiểu ngầm đó là những chiến binh Hồi giáo thuộc quân đội Syria tự do.
Ngay sau khi chiếm được Afrin của Syria, ngày 25/3/2018 Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố mở chiến dịch quân sự vào khu vực Sinjar thuộc vùng Kurdistan miền Bắc Iraq nhằm tiêu diệt các phần tử vũ trang của đảng Công nhân Kurdistan PKK mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Các thông tin cho biết chính quyền vùng Kurdistan của Iraq đã yêu cầu các lực lượng vũ trang của PKK rời khu vực Sinjar để quân Thổ Nhĩ Kỳ không còn cớ tấn công vào Sinjar, tránh số phận tương tự như Afrin.
Trên một bình diện khác, tôi cho rằng đây cũng có thể còn là một thỏa thuận ngầm với sự bảo trợ của Nga, theo đó thành phố Afrin sẽ nắm trong khuôn khổ chủ quyền của Syria.
Một chi tiết đáng lưu ý có thể giúp đi đến nhận định này là quân Nga đã rút khỏi Afrin ngày 19/1/2018 tức là trước một ngày Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch "Nhành Ô liu" và việc chính quyền Syria, Iran không có phản ứng nào khi quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm thành phố này.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng nhiều lần tuyên bố không có ý định sáp nhập Afrin vào Thổ Nhĩ Kỳ và cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Việc quân đội Syria giành quyền kiểm soát Đông Ghouta đã không vấp phải sự phản ứng nào của Thổ Nhĩ Kỳ và việc Thổ Nhĩ Kỳ chiếm Afrin được Nga bật đèn xanh là bằng chứng để củng cố nhận định cho rằng có sự thỏa thuận ngầm đánh đổi giữa các bên về Đông Ghouta và Afrin.
Những thỏa thuận ngầm giữa Ankara và Washington, giữa Ankara và Moscow cho thấy chính quyền ông Erdogan đang thay đổi các mục tiêu ưu tiên trong chính sách Syria.
Sau 7 năm xung đột tại Syria không lật đổ được Tổng thống Bashar Al-Assad, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển sang ưu tiện ngăn chặn việc thành lập một chính quyền của người Kurd ở miền Bắc Syria, miền Bắc Iraq và Tây Nam Iran.
Sự thay đổi mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ, những thỏa thuận ngầm giữa Ankara với Washington và Moscow trước khi nối lại các cuộc đàm phán hoà bình Geneva sẽ có ảnh hưởng nhất định đến việc tìm ra giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng Syria cũng như tình hình khu vực Trung Đông nói chung.