Đóng đinh - lắp khung - cắt xương để kéo dài chân: Không phải hễ ai muốn là làm được!

Ngọc Minh |

Theo các chuyên gia, do ngưỡng chịu đau của mỗi người là khác nhau, nên có bệnh nhân chỉ đau vừa, có bệnh nhân lại đau như chết đi sống lại khi kéo dài xương.

Ai có thể kéo dài chân?

Không phải ai cũng nên và có thể kéo dài chân. Có 2 nhóm người do khách quan hoặc chủ quan phù hợp hơn cả với công nghệ này, gồm:

- Nhóm 1: Do bị bệnh lý khiến chân dài chân ngắn không đều, do di chứng của tai nạn gây mất đoạn xương và cần phải kéo bù lại đoạn xương để chân cân đối bằng nhau. Hoặc, do bị u xương bị cắt mất 1 đoạn xương, cần phải kéo bù.

- Nhóm thứ 2: Do nhu cầu thẩm mỹ, những người có tầm vóc thấp hoặc lùn. Y học định nghĩa người lùn là người cao chỉ dưới 1m40 ở cả nam và nữ; còn người tầm vóc thấp là dưới 1m63 với nam và 1m53 với nữ. Đa phần trường hợp đã thực hiện kéo chân là người có tầm vóc thấp; còn nhóm người lùn do liên quan tới các yếu tố cơ thể (hóc môn, bệnh lý) nên sẽ khó thực hiện hơn.

Video mô phỏng. Nguồn: Quốc phòng Việt Nam.

Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ để có thể kéo dài chân là từng người phải "vượt qua được chính mình".

PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện Trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 nhấn mạnh, trước khi quyết định phẫu thuật kéo dài chân bệnh nhân cần phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, thời gian, người chăm sóc, tiền bạc. Có những người không vượt được qua chính mình đành chấp nhận bỏ cuộc dở dang.

Viết "tâm thư", từ Canada quay về kéo dãn chân nhưng rồi bỏ cuộc!

Sợ đau do phải mổ, khoan, đục, kéo dãn là những nỗi sợ "kinh điển" đối với những bệnh nhân kéo dài chân. Đã rất nhiều bệnh nhân tới tư vấn sau đó không thực hiện hoặc đã mổ xong lại cương quyết xin bác sĩ tháo khung, đó là những câu chuyện không hề hiếm gặp.

PGS.TS Lê Văn Đoàn chia sẻ ông còn nhớ mãi về trường hợp nam thanh niên du học tại Canada, bệnh nhân có nguyện vọng rất tha thiết kéo dài chân vì cho rằng chiều cao thấp cản trở với việc hòa nhập với bạn bè, cơ hội làm việc… sau này.

Nam thanh niên đã viết thư trao đổi với bác sĩ nhiều lần và quyết tâm bay về nước để thực hiện phẫu thuật.

Đóng đinh - lắp khung - cắt xương để kéo dài chân: Không phải hễ ai muốn là làm được! - Ảnh 2.

Cuộc mổ diễn ra khá thành công, nam thanh niên rất vui vẻ đeo khung để thực hiện thao tác kéo dãn. 10 ngày sau mổ, chuẩn bị bước vào giai đoạn kéo dãn thì nam thanh niên cương quyết xin bác sĩ tháo khung và ra viện. Bác sĩ Đoàn đã rất ngạc nhiên vì trước đó bệnh nhân thể hiện sự quyết tâm vô cùng lớn.

Trên thực tế, PGS Đoàn đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân đặt ra mục tiêu kéo dài 7-8cm nhưng sau khi kéo được 5cm thì dừng vì sợ đau đớn.

Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, bệnh nhân dự định kéo 8cm nhưng đã tăng lên 10cm. Ngưỡng chịu đau của bệnh nhân tốt tới mức dưới 5cm bệnh nhân gần như không phải uống thuốc giảm đau. Khi bệnh nhân kéo được 8cm đã mong muốn bác sĩ kéo theo 2cm nữa vì vẫn có thể chịu đựng được.

"Do ngưỡng chịu đau của mỗi người là khác nhau nên có bệnh nhân rất đau hoặc đau ít. Kéo dài dưới 5cm mức đau sẽ ít, từ 5cm trở lên đau sẽ nhiều do mạch máu, cơ, dây thần kinh bị kéo ra", PGS Đoàn chia sẻ.

Đóng đinh - lắp khung - cắt xương để kéo dài chân: Không phải hễ ai muốn là làm được! - Ảnh 3.

1. Yêu cầu để thực hiện kỹ thuật kéo dài chân người đó cần phải có sức khỏe tổng thể đảm bảo cho một cuộc mổ dài, không có bệnh lý cơ thể.

2. Người kéo dài chân cần phải có thời gian, trung bình thời gian chờ đợi khoảng từ 6-9 tháng. Khoảng thời gian phục hồi để xương cứng như bình thường sẽ mất thêm khoảng gần 1 năm, tùy thuộc vào từng người.

3. Khi đã thu xếp được thời gian thì cần phải có một nguồn kinh phí nhất định do đây là phẫu thuật tự nguyện nên bảo hiểm y tế không chi trả. Chi phí toàn bộ cho một phẫu thuật kéo dài chân cho tới khi kết thúc khoảng 100-200 triệu đồng.

4. Trong khoảng 3 tháng đầu kéo dài người kéo chân cần phải có người chăm sóc có thể là người thân, người giúp việc.

5. Một trong những yếu tố làm nên thành công của quá trình kéo chân đó là phải sẵn sàng tâm lý chịu đau. Vấn đề giảm đau hiện nay đã đơn giản hơn do có nhiều loại thuốc giảm đau bệnh nhân có thể sử dụng.

Quy trình phẫu thuật kéo dài chân hiện đại

Theo PGS Đoàn khi bệnh nhân đã chuyển bị sẵn sàng bác sĩ tiễn hành phẫu thuật lần lượt theo các bước sau:

Nguồn: Quốc phòng Việt Nam

Bước 1: Đóng đinh

Bác sĩ sẽ rạch da dọc mặt trước gân bánh chè, sau đó dùng dùi 1 lỗ vào ống tủy và khoan ống tủy và đóng một đinh vào ống tủy xương chày. Ở mặt trong đầu trên cẳng chân để lắp dụng cụ định vị để bắt 2 vít chốt ở đầu trung tâm.

Mô phỏng kéo dài chân

Bước 2: Lắp đặt khung cố định vào cẳng chân

Hai vòng khung trên và dưới được liên kết với nhau bằng 3 thanh liên kết có ren ngược chiều. Khi vặn, đấu cho 2 vòng cung này xa dần nhau ra.

Bước 3: Cắt xương

- Xác định vị trí cắt xương mác

- Xác định vị trí cắt xương chày

PGS Đoàn cho hay, sau mổ bệnh nhân được tiêm thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, giảm nề, gác chân cao trong 5 ngày và thay băng vết mổ cách ngày.

Sau 3-5 ngày, được tập vận động thụ động nhẹ nhàng khớp gối và khớp cổ chân, đeo giá kéo bàn chân khi nghỉ ngơi và khi ngủ để chống biến chứng co ngắn gót.

Sau 7-10 ngày, bác sĩ tiến hành căng dãn khung và hướng dẫn cho bệnh nhân tự vận hành khung để căng dãn ổ cắt xương với tốc độ 1mm/ngày, chia đều cho 3 lần.

5 ngày tại viện, nếu ổ cắt xương đã được căng dãn tốt, người kéo dài chân được ra viện, điều trị ngoại trú thực hiện tự căng dãn theo hướng dẫn.

"Trong thời gian căng dãn, bệnh nhân đã bắt đầu phải tập tỳ nén một phần trọng lượng cơ thể khi đứng hoặc đi bằng hai nạng trong khung tập đi. Khi căng dãn đủ chiều dài, bệnh nhân được nhập viện và được bắt 2 vít chốt ngoại vi của đinh nội tủy, tháo bỏ khung cố định ngoài. Thời gian nằm viện khoảng 3 đến 5 ngày", PGS Đoàn lưu ý.

Ra viện bệnh nhân tiếp tục tập luyện đi lại dưới sự trợ giúp của khung hoặc nạng và tỳ nén tăng dần và được tì nén hoàn toàn khi có can xương bắc cầu ở hai vỏ xương trên phim X-quang. Khám kiểm tra định kỳ 2 tháng/lần đến khi liền xương vững.

Sau khoảng 2 năm xương bệnh nhân sẽ cứng như người bình thường, bệnh nhân chạy nhảy, mang vác được vật nặng.

Biến chứng kéo chân có hay không?

Theo PGS Đoàn toàn Viện tính đến nay đã thực hiện 500-600 ca kéo dài chân nhưng chưa có trường hợp nào gặp biến chứng. Tuy nhiên, là phẫu thuật rạch da, cắt xương, xuyên đinh vẫn có nguy cơ xảy ra biến chứng.

Tai biến nhẹ như nhiễm trùng chân đinh, hiện nay đã có thể kiểm soát tốt. Tai biến tổn thương mạch máu thần kinh là những tổn thương nặng có thể xảy ra.

Trong kỹ thuật khi cắt xương không chính xác, chuẩn có thể cắt vào cơ, mạch máu, thần kinh. Xuyên đinh nếu không xuyên chính xác cũng có thể xuyên vào các mạch máu, thần kinh. Khiến cho bệnh nhân không thể đi lại như bình thường được.

Bệnh nhân lớn tuổi nhất thực hiện kéo dài chân tăng chiều cao là nam bệnh nhân người nước ngoài 41 tuổi. Bệnh nhân đã tới kéo dãn chân thêm 5cm.

* Đọc bài tiếp theo: "Chuyện lạ" ở BV Quân y 108: Không chỉ người Việt, "Tây" cũng đến xin kéo dài chân!

Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại