Động đất chồng động đất: Chuyên gia lý giải nguyên nhân Indonesia liên tiếp gặp thảm họa

Nguyễn Hằng |

Trong khoảng 2 tháng nay, một loạt trận động đất liên hoàn xảy ra ở Indonesia khiến gần 500 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và nhiều ngôi nhà bị phá hủy.

Theo Hội chữ thập đỏ Indonesia, chỉ tính riêng từ hồi cuối tháng 7 và tháng 8 vừa qua, Indonesia đã phải hứng chịu một loạt các trận động đất lớn, khiến cho gần 500 người dân thiệt mạng, 7.000 người bị thương và 415.000 người ở đảo Lombok phải di dời. Ngoài ra, nhiều ngôi làng trên đảo cũng bị tàn phá nghiêm trọng.

Đặc biệt, các nhà chức trách ước tính chỉ riêng trận động đất xảy ra vào ngày 5/8 đã gây ra thiệt hại hơn 342 triệu USD.

Động đất chồng động đất: Chuyên gia lý giải nguyên nhân Indonesia liên tiếp gặp thảm họa - Ảnh 1.

Một loạt trận động đất xảy ra trong thời gian gần đây khiến Indonesia thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Ảnh: News.com.au

Mới đây nhất là mấy trận động đất liên tiếp xảy ra vào ngày 28/9 (theo giờ địa phương) cũng đã làm rung chuyển hòn đảo Sulawesi ở Indonesia và kéo theo thảm họa sóng thần.

Theo giới chức địa phương, ước tính thiệt hại trong trận động đất này hiện vẫn chưa được xác đinh do một vài khu vực trên hòn đảo Sulawesi đang bị mất thông tin liên lạc.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Indonesia lại xảy ra nhiều trận động đất liên hoàn trong thời gian gần đây?

Các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu về địa chất học cũng đã có những lý giải về nguyên nhân Indonesia xảy ra nhiều trận động đất mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là thảm họa gây thiệt hại lớn cho hòn đảo Lombok.

Indonesia là quốc gia được mệnh danh là "Xứ sở vạn đảo" với hàng ngàn hòn đảo nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Do nằm trên khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương (nơi xảy ra khoảng 90% các trận động đất trên phạm vi toàn cầu và có nhiều núi lửa hoạt động) nên Indonesia thường xuyên xảy ra nhiều trận động đất, và đôi khi còn gây ra cả sóng thần.

Động đất chồng động đất: Chuyên gia lý giải nguyên nhân Indonesia liên tiếp gặp thảm họa - Ảnh 2.

Indonesia nằm trên khu vực Vành đai lửa Thái Bình Dương. Ảnh: Youngzine

Theo các nhà nghiên cứu, Vành đai lửa Thái Bình Dương gây ra rất nhiều trận động đất vì sự di chuyển của những mảng kiến tạo ở lớp vỏ Trái Đất.

Lý giải về nguyên nhân xảy ra các trận động đất hồi cuối tháng 7 vừa qua ở Indonesia, các nhà địa chất cho biết đây là kết quả từ sự va chạm giữa hai mảng kiến tạo ở vỏ Trái Đất là lục địa Á – Âu và châu Đại Dương nằm ngay bên dưới quốc đảo này.

Cụ thể, sự nén giữa hai mảng kiến tạo này đang kích hoạt các hoạt động địa chất dọc theo một vết đứt gãy lớn được gọi là cung Flores, nằm ở phía bắc của đảo Lombok và chạy khoảng từ đoạn cuối phía đông của đảo Java cho tới đảo Timor.

Động đất chồng động đất: Chuyên gia lý giải nguyên nhân Indonesia liên tiếp gặp thảm họa - Ảnh 3.

Nhiều ngôi nhà ở đảo Sulawesi bị hư hại nghiêm trọng khi liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất trong ngày 28/9 (theo giờ địa phương). Ảnh: AP

Chris Elders, một chuyên gia địa chất học tại Đại học Curtin, Tây Australia, nhận định, các hoạt động địa chất gia tăng khi những phần khác nhau của vết nứt gãy này bị xê dịch, trượt ra, nhằm giải phóng một sự dồn nén ở khu vực này. Đây là lý do khiến cho nhiều trận động đất đã xảy ra ở đảo Lombok.

Trong khi đó, Danny Hilman Natawidjaja, nhà địa chất học cấp cao tại Viện Khoa học Indonesia, nhận định rằng vết nứt sẽ di chuyển theo định kỳ khi mà sức ép, sự dồn nén gia tăng.

Những thay đổi, sự va chạm giữa các mảng kiến tạo khiến cho Indonesia xảy ra nhiều trận động đất, đặc biệt là trong khoảng thời gian gần đây.

Trong quá khứ, Indonesia từng phải trải qua nhiều trận động đất lớn gây thiệt hai nghiêm trọng về người và của.

Đáng chú ý là vào năm 2004, một trận động đất mạnh ở đảo Sumatra ở Indonesia đã gây ra sóng thần trên Ấn Độ Dương, khiến cho 226.000 người ở 13 quốc gia thiệt mạng, và trong đó có tới hơn 120.000 nạn nhân là ở quốc gia này.

Tham khảo nguồn: Nation, TheSun, Express.co.uk

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại