Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo đang vấp phải phản ứng dữ dội từ các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.
Theo đại diện các doanh nghiệp, dự thảo có hơn 50 quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm, nếu được thực thi sẽ khiến họ thêm kiệt quệ.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Ngày 11/3, PV VTC News liên hệ với ông Trần Văn Công – Cục phó Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để nghe quan điểm của cơ quan soạn dự thảo về những vấn đề doanh nghiệp băn khoăn.
Tuy nhiên, ông Công cho biết đã “hết hạn trả lời, không thể cung cấp gì nữa”.
Ông Công nói: “Thông tin đã đầy đủ rồi. Vấn đề là bây giờ càng đẩy thì càng hiểu lầm nữa”.
“Toàn bộ hồ sơ đã chuyển sang Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN), nên thẩm quyền bây giờ phụ thuộc bên đó. Nếu có vấn đề gì họ sẽ ý kiến. Tôi không trả lời gì thêm nữa. Tất cả mọi thứ đang cao trào nên thôi để lắng lại đã”, ông Công nói thêm.
- Tại sao anh không chia sẻ, việc làm rõ thông tin có lợi cho đơn vị soạn dự thảo nhiều hơn?
Tốt thì đúng rồi, không có vấn đề gì cả nhưng mà nó rõ rồi còn gì? Trong thông cáo đầy đủ hết thông tin rồi. Nó có gì đâu, chỉ là cái khuyến cáo thôi. Bất kỳ ông nào làm cũng phải khuyến cáo cho tốt lên thôi. Có vấn đề gì đâu. Chả ai nói gì cả!
- Vậy việc xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia dựa trên căn cứ nào?
Có hết cơ sở khoa học đấy rồi. Thông cáo có hết rồi, thông tin hết rồi đấy. Giờ hết thời hạn trả lời rồi. Không thể cung cấp gì thêm nữa.
- Anh nói rõ rồi nhưng sao lại có nhiều phản ứng trái chiều như thế?
Không, người làm khoa học thì họ sẽ rõ. Thông tin hiện nay đang bị đi không đúng theo định hướng, có những định hướng khác.
Về mặt quan điểm là Bộ (Bộ NN&PTNT) thẳng thắn, trung thực trong quá trình làm. Bộ giao nhiệm vụ và chúng tôi đã làm xong. Và bây giờ là bên Bộ Khoa học công nghệ (Bộ KH&CN) họ tiếp nhận. Nhưng hai bên vẫn lắng nghe để chỉnh sửa. Đây mới là dự thảo.
- Việc xây dựng dự thảo có chịu áp lực gì không?
Làm công tâm thì làm sao mà chịu áp lực cái gì. Đấy là cái rõ ràng ai cũng phải hiểu. Cái này hoàn toàn khuyến cáo cho sạch hơn chứ có gì đâu. Việc này giao bao nhiêu năm rồi. Anh em bên này cực kỳ công tâm, trong sáng, làm gì có động cơ nào.
Cơ quan vẫn đang tiếp thu tất cả các ý kiến và cho đến bao giờ đạt được đồng thuận cao nhất trong xã hội. Khi cái gì nó không nhận được đồng thuận thì vẫn phải tiếp tục chỉnh sửa để mà hoàn thiện.
Chúng tôi còn đặt ra nhiều câu hỏi về quá trình lấy ý kiến cũng như những băn khoăn của doanh nghiệp làm nước mắm truyền thống nhưng không nhận được câu trả lời.
Trước đó, ngày 8/3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã tổ chức họp báo để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Tại đây, ông Trần Văn Công - Chủ toạ cho biết cuộc trao đổi sẽ kéo dài từ 16h đến 17h ngày 8/3. Đáng nói, họp về tiêu chuẩn sản xuất nước mắm nhưng thành phần tham gia buổi gặp gỡ, trao đổi chủ yếu là các chuyên gia về an toàn thực phẩm.
Tại buổi họp báo, TS. Đào Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng phát triển thị trường thủy sản - Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, dựa trên kết quả đề tài nghiên cứu 10 năm (do Bộ Thủy sản trước đây thực hiện) và kế hoạch khoa học công nghệ năm 2017 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (nay là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) được giao nhiệm vụ biên soạn Dự thảo TCVN Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm từ đầu năm 2017.
Qua 2 năm triển khai thực hiện, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã hoàn thiện toàn bộ hồ sơ Dự thảo bảo đảm đầy đủ trình tự xây dựng TCVN.
TS. Hiếu nhấn mạnh: “Các chỉ tiêu đưa ra trong dự thảo tiêu chuẩn này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ, công cụ cho nhà quản lý doanh nghiệp, nhà sản xuất nhận diện được mối nguy, nâng cao uy tín của nhà sản xuất, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Quy chuẩn thì bắt buộc phải thực hiện khi sản xuất còn tiêu chuẩn thì không bắt buộc, DN tùy thực tế của mình để thực hiện theo quy chuẩn để sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn”.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng dự thảo có nhiều nội dung mang tính chất "bóp nghẹt" các cơ sở nước mắm truyền thống khi đưa ra những tiêu chuẩn bất hợp lý. Cụ thể là tiêu chuẩn kiểm soát các loại thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật trong khi nguyên liệu làm nước mắm là cá biển, không thể có thuốc thú y.
Cùng đó, dự thảo cũng có một số điểm gây tranh cãi khi đưa ra yêu cầu nhà sản xuất phải loại bỏ cá nguyên liệu đã bị phân hủy mạnh (có histamine), và phạm vi áp dụng, tài liệu viện dẫn, các chỉ tiêu kim loại, vi sinh, nhà xưởng, ngôn từ…
Phó Thủ tướng: Không để ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nước mắm truyền thống Trong thời gian gần đây, một số tổ chức, hiệp hội đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho nước mắm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại tạo thống nhất, bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.