Sự trường tồn của các loại tiêm kích nói riêng, cũng như máy bay quân sự do Mỹ sản xuất đang phục vụ trong Không quân Iran nói chung đã gây rất nhiều ngạc nhiên cho các chuyên gia quân sự thế giới, họ luôn phải đặt câu hỏi làm cách nào mà quốc gia Trung Đông này lại duy trì được tình trạng sẵn sàng chiến đấu cho chúng lâu đến vậy khi nguồn cung phụ tùng bị cắt đứt đã lâu.
Trường hợp của F-14 Tomcat được xem như minh chứng điển hình, chiếc tiêm kích đánh chặn cánh cụp cánh xòe này vốn nổi tiếng bởi đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong công tác bảo dưỡng, đến mức Hải quân Mỹ buộc phải cho nghỉ hưu tương đối sớm khi thời hạn sử dụng vẫn còn khá dài.
Tiêm kích hạm F-14 Tomcat của Hải quân Mỹ
Bất chấp khó khăn, với năng lực sáng tạo đáng nể của mình, các kỹ sư hàng không Iran chẳng những tự chủ công đoạn bảo dưỡng, tăng hạn sử dụng mà còn nâng cấp được chiếc tiêm kích hạm này theo chuẩn chiến đấu cơ thế hệ 4, khiến chúng không bị lạc hậu trong ít nhất là 10 năm tới.
Nhờ học hỏi được công nghệ điện tử hàng không tiên tiến từ Trung Quốc, ngoài nâng cấp radar, hệ thống điều khiển bay... Iran còn sửa đổi cả phần mềm để tích hợp tên lửa không đối không R-27 của Nga cho chiếc tiêm kích Mỹ, đây là trường hợp có một không hai trên thế giới.
Nhưng lại xuất hiện một vấn đề nan giải khác, đó là việc bảo dưỡng động cơ General Electric F110-GE-400 của F-14 là quá sức đối với Iran, đồng minh thân cận cũng chưa đủ năng lực để giúp họ vượt qua khó khăn này. Trong lúc này, thật bất ngờ, một phương án vô tiền khoáng hậu đã xuất hiện.
Tiêm kích F-14 Tomcat của Không quân Cộng hòa Hồi giáo Iran
Nhiều trang quân sự như deagel, revolvy... cho biết, vào cuối thập niên 1990, Iran đã nhập khẩu động cơ phản lực Saturn AL-31F (loại trang bị cho dòng Su-27SK, Su-30MK) để lắp sang cho F-14, hai loại động cơ này có lực đẩy khá tương đồng, do vậy đảm bảo được khả năng vận động cho Tomcat.
Tuy vậy việc lắp đặt động cơ Nga cho máy bay Mỹ sẽ đòi hỏi phải viết lại phần mềm cũng như sửa đổi kết cấu khung thân, đây là việc làm rất phức tạp. Ngoài ra phía Nga cũng chưa từng khẳng định đã cung cấp động cơ AL-31F cho Iran.
Tiêm kích F-14 của Iran qua các thời kỳ, chú ý đến sự thay đổi của miệng xả động cơ
Mặc dù các bên liên quan chưa từng khẳng định nhưng vẫn dễ dàng nhìn ra sự thay đổi tại miệng xả động cơ của những chiếc F-14 đang phục vụ trong Không quân Iran, rõ ràng động cơ nguyên bản của chúng đã được thay thế bằng loại khác.
Ngoài AL-31F, hiện tại không một động cơ phản lực nào tỏ ra tương đồng hơn với F110-GE-400, và cũng chẳng quốc gia nào khác ngoài Nga đủ thân thiết cũng như trình độ khoa học kỹ thuật để giúp Iran thực hiện công việc tưởng như bất khả thi này.
Lịch sử hàng không quân sự sẽ phải ghi nhận những chiếc F-14 Tomcat phục vụ trong Không quân Iran như một ví dụ điển hình của tinh thần vượt khó, sáng tạo vô tiền khoáng hậu trên thế giới.