Mức lương mới, mức đóng mới
Khi mức lương cơ sở tăng thêm 90.000 đồng/tháng, từ mức 1.300.000 đồng/tháng hiện nay lên 1.390.000 đồng/tháng thì mức đóng mới của BHXH sẽ được tính toán lại. Cụ thể, số tiền đóng BHYT đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 62.550 đồng/tháng. Được tính theo công thức: 1.390.000 x 4.5% = 62.550 đồng/tháng.
Số tiền đóng BHXH đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là 111.200 đồng/tháng. Được tính theo công thức: 1.390.000 x 8% = 111.200 đồng/tháng.
Số tiền đóng BHXH đối với các đối tượng khác hưởng tiền lương do nhà nước quy định = (lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng) x 8%. Số tiền đóng BHYT đối với các đối tượng khác hưởng tiền lương do nhà nước quy định = (lương + các khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng/tháng) x 4.5%.
Số tiền tối đa đóng BHXH đối với người lao động, người hưởng tiền lương do nhà nước quy định = 1.390.000 x 20 x 8% = 2.224.000 đồng/tháng.
Khó cũng phải triển khai
Đây là quan điểm của ông Triệu Văn T - Giám đốc 1 doanh nghiệp chuyên gia công hàng may mặc tại Khu làng nghề Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).
Ông T cho biết, dù không phải là doanh nghiệp lớn nhất trên địa bàn nhưng công ty của ông có 80 lao động thường xuyên làm việc. Do tuân thủ nghiêm các điều khoản của hợp đồng lao động nên ông tham gia đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động làm việc.
Được hỏi về việc thực hiện mức lương cơ sở mới từ ngày 1.7.2018 có ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp, ông T cho rằng, dù mức trả lương và mức đóng BHXH sẽ gây khó khăn ít nhiều nhưng doanh nghiệp không thể “né” được.
“Đã là quy định của nhà nước thì mình phải làm thôi. Quỹ lương của chúng tôi sẽ tăng lên gần 5%/tháng, nên không còn cách nào khác, doanh nghiệp buộc phải tiết kiệm các chi phí có thể cắt giảm được, đồng thời tính toán lại nguồn cung đầu vào, sao cho mua được nguyên liệu đảm bảo chất lượng nhưng giá cạnh tranh hơn để có thêm chi phí cho việc tăng lương” - ông T cho biết.
Không có nhiều công nhân như doanh nghiệp của ông T nhưng ông Ngô Đức Hạnh - Giám đốc Công ty dịch vụ & Thương mại Việt Á, chuyên thi công và thiết kế nội thất tại quận Gia Lâm, Hà Nội - cũng tăng chi phí cho nhóm lao động cơ hữu thường xuyên của doanh nghiệp mình.
Ông Hạnh cho biết: “Chúng tôi thường thuê lao động thời vụ theo đơn hàng mà Cty ký kết được. Ví dụ, chúng tôi nhận 1 công trình thi công nội thất trong vòng 20 ngày và cần 15 nhân công thì sẽ thuê các đơn vị đối tác cung ứng.
Do đó, số nhân công cơ động này chúng tôi không phải lo mức tăng lương hay các chi phí khác vì mặt bằng chung giá thuê nhân công thời vụ khá ổn định. Chúng tôi chỉ lo cho 12 lao động thường xuyên ở các vị trí kế toán, nhân viên thiết kế đồ họa, nhân viên kinh doanh của Cty.
Việc tăng lương theo quy định của nhà nước được thực hiện nghiêm túc vì đây là những lao động đã gắn bó với Cty gần chục năm, nếu chúng tôi không đảm bảo mức lương và mức đóng BHXH theo quy định sẽ rất dễ mất người, dù việc tuyển dụng lại không khó nhưng doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian đào tạo lại”.
Cũng theo ông Hạnh, do nhóm lao động 12 người đã có thâm niên làm việc hàng chục năm nên mức lương theo quy định mới và lo đóng BHXH mức mới khiến doanh nghiệp tăng thêm khoảng 7% quỹ lương so với mức cũ.
“7% là số tiền khá lớn với doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi. Vì đa số nguồn cung vật liệu và nhân lực thời vụ chúng tôi đã lấy tận gốc nên chỉ còn cách đẩy mạnh kinh doanh, thêm nhiều đơn hàng để bù đắp cho khoản chi phí này” - ông Hạnh nói.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3.5, khi phản hồi thông tin "đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì lo quỹ lương hưu không đủ chi trả từ năm 2025", Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, BHXH Việt Nam là cơ quan được tham gia xây dựng đề án.
Tất cả các thành viên khi xây dựng đề án, liên quan tới tuổi nghỉ hưu, đều cân nhắc rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ vấn đề cân đối quỹ, chẳng hạn vấn đề kinh tế, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, năng suất lao động, số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực, bình đẳng giới và cân đối quỹ.
"Tôi xin nhắc lại, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ liên quan tới vấn đề cân đối quỹ, mà liên quan tới rất nhiều nhiều yếu tố khác, bao gồm kinh tế, lao động, việc làm, thất nghiệp. Số liệu mà dư luận nêu ra hoàn toàn không chính xác. Tóm lại, không có chuyện quỹ BHXH mất cân đối vào 2025" - ông Ánh nói. T.L