Tình hình lịch sử phức tạp
Các đại diện của Donetsk, Lugansk và Crimea đã từng xin gia nhập Nga. Cựu Chánh Văn phòng Tổng thống đầu tiên của Nga, ông Sergei Filatov, cho biết đây là việc từng xảy ra hồi năm 1991. Tuy nhiên khi đó đội ngũ của ông Yeltsin không có thời gian để quan tâm tới vấn đề này, bởi vì họ cần tập trung giải quyết nhanh gọn những vấn đề ở trong nước.
"Tất nhiên, đó vốn là những vùng đất của chúng ta từ thời xa xưa, và người ta giao chúng cho Kiev. Họ hiểu về vị trí bất tương xứng của mình trước những người Ukraine bởi chủ nghĩa dân tộc phát triển rất mạnh ở Ukraine.
Cuộc chiến tranh xung quanh các vùng này và cả những vùng khác nữa vẫn đang tiếp diễn. Hiện giờ, nhiều người tung tin đồn rằng chúng ta sẽ lấy cả những vùng khác về Nga", ông Filatov cho biết.
"Họ [chính quyền ông Yeltsin] khi ấy phải trăn trở về việc làm thế nào để nước Nga tồn tại được. Trước khi triển khai các cuộc cải cách của Gaidar, nhiều nơi còn không có bánh mỳ để ăn. Bột mì đủ cho vài ngày, và số tiền nợ để lại từ Liên Xô là 120 tỷ USD. Phải nghĩ về cái gì đây – về Ukraine vào thời điểm đó hay vẫn phải nghĩ về bản thân, về những người dân của mình?", ông Filatov trả lời.
Cùng với đó, ông Filatov lưu ý rằng Moscow đã từng cố gắng "giành lấy Crimea" trước tiên và đã có những cuộc đàm phán với Kiev. Tuy nhiên, sau đó bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khi ấy là ông Constantin Morozov, đã phản đối mạnh mẽ chính quyền Nga với việc không đồng ý trao trả vũ khí hạt nhân cho Nga.
"Ông ấy gần như phản đối kịch liệt việc trao trả vũ khí hạt nhân cho Nga. Khi đó các bên liên quan đã đứng ra bảo đảm, kể cả đất nước của chúng ta, về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine với điều kiện Kiev phải trao trả cho chúng ta vũ khí", ông Filatov nhấn mạnh.
Ukraine đòi lại Crimea
Bán đảo Crimea đã gia nhập Nga vào năm 2014 sau khi một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào hồi tháng 3 cùng năm. Phần lớn người dân vùng này đã tham gia bỏ phiếu. Người dân Crimea đã quyết định muốn trở thành công dân Nga và tách khỏi Ukraine.
Tuy nhiên các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ không thừa nhận kết quả này nên đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Bên cạnh đó, Ukraine vẫn coi bán đảo là lãnh thổ của mình, nhưng là tạm thời "bị xâm chiếm". Như chính nhà lãnh đao Ukraine Vladimir Zelensky từng lưu ý, nhiệm vụ đầu tiên của ông là chấm dứt cuộc xung đột tại Donbass và "giành lại Crimea".
Điều này mới đây được ông nhắc lại trên trang thông tin chính thức của mình. Trên đó có đăng tải đoạn video, mà trong đó ông chúc mừng người dân nhân ngày Các lực lượng vũ trang Ukraine. Trong đoạn video thông điệp này, ông Zelensky cam kết sẽ đưa người dân và lãnh thổ trở lại. Theo lời của ông, "Donbass là Ukraine, Lugansk là Ukraine, Crimea là Ukraine".
Đáp lại điều đó, phó chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga, bà Natalya Poklonskaya đã tuyên bố rằng, chính quyền Kiev gần như đã tự chối bỏ những người dân Crimea.
"Cách cư xử với Crimea từ phía chính quyền Ukraine trong suốt 6 năm gần đây được thể hiện dưới các hình thức bao vây – năng lượng, nước uống, lương thực, giao thông vận tải. Ukraine gần như đã quay lưng lại với nhân dân Crimea", bà phó chủ tịch nói trong cuộc nói chuyện với hãng thông tấn RIA Novosti.
Bà Poklonskaya cho rằng mọi nỗ lực phủ nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý của người dân Crimea đã thất bại. Những kiến nghị liên quan tới tính pháp lý của sự kiện này bà coi là "mang tính hình thức và nực cười".
Tuy nhiên, chính quyền Kiev tin vào khả năng của mình và dự định "đưa bán đảo trở về". Trước đó, đại diện thường trực của tổng thống Ukraine tại Crimea, ông Anton Korinevich, đã tuyên bố rằng đội ngũ của ông Zelensky đang chuẩn bị chiến lược để thực hiện kế hoạch này.
Ông lưu ý rằng, một nhóm công tác đặc biệt được thành lập sẽ tìm kiếm các giải pháp chính trị và ngoại giao để thực hiện kế hoạch trên. Theo lời ông Korinevich, "không ai chấp nhận nhượng bộ về vấn đề Crimea", bởi vì Kiev tin rằng Crimea thuộc về Ukraine.