Đây chính là câu hỏi lớn mà các nước châu Á phải đối mặt, trong bối cảnh tổng thống đắc cử Donald Trump gấp rút chuẩn bị chính thức bước vào Nhà Trắng.
Jeff Kingston, giám đốc khoa Châu Á học thuộc ĐH Temple tại Nhật Bản nhận định: "Chiến thắng của Trump đã đẩy các nước châu Á vào tình thế lưỡng lự. Nhiều người tỏ ra hoảng hốt."
Từ những nước lớn như Trung Quốc và Nhật Bản đến các nước Đông Nam Á nhỏ hơn, lãnh đạo toàn khu vực đều nín thở liệu Trump có khả năng can thiệp vào các liên minh, lật đổ bản đồ địa chính trị và kích động xung đột toàn khu vực như những lời hứa và tuyên bố khi còn tranh cử hay không.
Nhật Bản và Trung Quốc là hai nước hứng chịu vô vàn chỉ trích và cáo buộc của Trump suốt thời kỳ tranh cử. Hai nền kinh tế lớn nhất châu Á cũng đã có những biện pháp xoa dịu và đáp trả của riêng mình.
Trong khi Nhật Bản đối mặt với hăm dọa về quân sự và quốc phòng, Trung Quốc và Donald Trump có những quan điểm về lợi ích thương mại trái chiều. Ông Kingston dự đoán, tình hình quan hệ Mỹ - Trung sẽ phụ thuộc rất lớn về khả năng 'nói được làm được' về thương mại của Trump.
Đối với Hàn Quốc, Phillippines và Pakistan, điểm chung về mặt quan hệ với Mỹ của cả ba nước này, chính là tình hình chính trị phức tạp trong nước khiến vị thế trên bàn đàm phán của Trump hoàn toàn áp đảo.
Theo CNN, chỉ riêng Ấn Độ là quốc gia duy nhất hưởng lợi từ chính phủ dưới quyền Trump.
Trump từng bày tỏ nhiều cảm tình với Ấn Độ, tuyên bố ông có "tình yêu to lớn" với quốc gia này bởi ông "có rất nhiều bạn bè" ở đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Hindustan Times.
Tạp chí The Diplomat đánh giá, Ấn Độ có khả năng cao sẽ hưởng lợi từ việc Mỹ cam kết hỗ trợ các đồng minh châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm mục đích ngăn cản Trung Quốc bành trướng tầm ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Theo đó, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Ấn Độ nâng cấp quân lực cho lực lượng hải quân.
Tuyên bố chống lại ISIS của Trump sẽ có lợi với cuộc chiến chống khủng bố của Ấn Độ. Chỉ có điều, nếu Trump quyết định hạn chế nhập cư vào Mỹ, động thái này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các công ty IT Ấn Độ, do những công ty này kinh doanh dựa vào chương trình visa H-1B cho phép cư dân Ấn Độ tìm việc làm tại Mỹ.