“Không có ai hiểu hệ thống này bằng tôi nên chỉ cần một mình tôi là có thể xử lý được các vấn đề của nó”, ông Trump khẳng định trong Đại hội Đảng Cộng hòa diễn ra tại bang Cleveland.
Tuy nhiên, thực tế có vẻ không dễ dàng như tuyên bố.
Thâm hụt ngoại thương của nước Mỹ gia tăng, Triều Tiên đang “nhăm nhe” khởi động lại chương trình hạt nhân. Cùng lúc đó Quốc hội Mỹ quyết không từ bỏ chương trình Obamacare đồng thời từ chối “chi tiền” cho dự án xây tường ở biên giới hay thông qua kế hoạch rút khỏi NAFTA của ông. Các mục tiêu mà ông Trump “rêu rao” trên Twitter ngày càng trở nên xa vời.
“Là một doanh nhân ông ấy có quyền thương lượng trong các thương vụ làm ăn. Ông ấy có thể quyết định dừng các thương vụ đó nếu thấy không có lợi. Nhưng bây giờ “đối tác” làm việc của ông ấy là Quốc hội. Ông ấy phải tuân thủ một quá trình dân chủ”, Bill Hoagland, người có 25 năm kinh nghiệm làm việc tại Quốc hội Mỹ, nhận xét.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Trump đã gặp một bài toán “khó nhằn” khiến ông phải thốt lên rằng “không ai có thể lường trước được” việc cải cách chương trình chăm sóc y tế lại phức tạp như vậy. Trước đó, Đảng cộng hòa không thể đưa ra một chương trình chăm sóc sức khỏe nào khả dĩ, có thể thay thế được Obamacare.
Thực tế, ông Trump cũng đạt được một số thành tựu như kí kết số lượng luật kỉ lục, bổ nhiệm các thẩm phán tòa phúc thẩm với số lượng nhiều chưa từng có và giám sát chặt chẽ các biện pháp chống ma túy mới.
Nhưng Trump cũng khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong khoảng thời gian dài kỉ lục, và giờ đây ông còn đối mặt với một loạt các phép thử tại quê nhà cũng như nước ngoài, phép thử về lòng trung thành của các đồng minh và khả năng thuyết phục của ông trong các cuộc đàm phán.
Một số ý kiến cho rằng chính Trump đã “gieo hạt” cho các rắc rối của mình ngay từ lúc tranh cử vào Nhà Trắng. Việc phê phán đối thủ quá gay gắt khiến sau này gặp khó trong các cuộc thương lượng và các cam kết “như đinh đóng cột”, ví dụ như bắt Mexico phải trả tiền xây tường biên giới, khiến Trump gặp khó khăn nếu không thực hiện được và rơi vào thế bí trong các cuộc đối chất với Quốc hội.
“Ông ấy đang tỏ ra chưa làm được nhiều vì trong chiến dịch tranh cử ông ấy hứa quá “bừa phứa”. Ngoài ra, nhiều vấn đề ông ấy cam kết sẽ giải quyết lại nằm ngoài năng lực của ông ấy, ví dụ như những nhiệm vụ đòi hỏi tính kiên nhẫn, hành động thầm lặng hơn và bổ nhiệm các nhân viên có năng lực”, Daniel Drezner, một giáo sư về chính trị quốc tế tại Đại học Tuffs, nhận xét.
Hôm 7/8, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cho rằng ông Trump “đã đạt được nhiều thành tựu hơn bất kì tổng thống nào vào cùng một thời điểm của nhiệm kỳ”, và các chính sách của ông đang giúp tạo nên “một nước Mỹ an toàn hơn, mạnh hơn và được đảm bảo hơn”.
Cùng lúc đó, nhóm vận động tranh cử cho ông Trump vào chức Tổng thống Mỹ 2020 khẳng định sẵn sàng “đối chất” với ai nghi ngờ khả năng giải quyết vấn đề của đương kim tổng thống và tuyên bố còn nhiều việc mà ông có thể tự mình giải quyết được.
“Nhờ Tổng thống Trump, lương của người lao động tăng nhanh nhất trong 10 năm trở lại đây. Việc làm còn nhiều hơn số người xin việc và các công việc trong ngành sản xuất tăng cao hơn nhiệm kỳ trước 714%”, thư ký báo chí của nhóm vận động Kayleigh McEnany nói.
Nhóm vận động của Trump còn đưa ra các dẫn chứng như ông đã thả tự do các con tin Triều Tiên, thể hiện lập trường cứng rắn với Venezuela và chuẩn bị “tiến hành một cách mạnh mẽ” kế hoạch xây dựng bức tường biên giới.
Nhưng nhóm này không đả động gì đến nguy cơ ông Trump sẽ “bẽ mặt” trong cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện diễn ra vào tuần tới.
Dự kiến các đảng viên Đảng Cộng hòa có tư tưởng chống đối sẽ cùng với các đảng viên Đảng Dân chủ thông qua một dự luật tước quyền thiết lập tình trạng khẩn cấp của ông. Dù vậy, có lẽ Trump sẽ không bị tước mất quyền này do lực lượng đối lập ở Quốc hội không có đủ số phiếu để chiến thắng được ông.
Các chiến thuật thương lượng trên bàn đàm phán quốc tế của Trump cũng chưa đem lại nhiều kết quả. Ông ép được các đồng minh NATO hứa chi tiêu nhiều hơn nhưng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lại không khiến nước này nhượng bộ và dù cho có đàm phán một cách nhẹ nhàng nhất có thể, Trump cũng không thể khiến lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Đến với hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên diễn ra tại VIệt Nam, Trump khẳng định hai bên đã “có cảm tình với nhau” vậy mà kết thúc hội nghị, ông ra về mà không có thỏa thuận nào với Kim Jong Un.
“Trump có lẽ đã sai khi tự nhận là nhà thương thuyết bậc thầy và có khả năng giải quyết vấn đề nan giải này. Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân”, Matt Dallek, giáo sư môn quản lí chính trị tại Đại học George Washington nhận định.
Trump đã có thể sẽthu được nhiều thành tích hơn nữa về thương mại sau khi chính phủ của ông tuyên bố sẽ tăng cường các hàng rào thuế quan và áp dụng các chính sách cứng rắn hơn nữa, đặc biệt với Trung Quốc.
Cũng có thể ông sẽ đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ - Canada – Mexico thay thế cho NAFTA.
Tuy vậy, Trump cần phải “lấy lòng” các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội nếu ông muốn các kế hoạch của mình được thông qua và hiện tại Trump đang có ít cơ hội đạt được điều đó.
“Lúc này tôi không thể nào nghĩ ra có điều gì có thể khiến ông ấy thay đổi phong cách quản lí của mình. Và chắc chắn ông ấy cũng không thay đổi tính cách của mình đâu”, G. Terry Madonna, giáo sư chính trị học tại Đại học Franklin and Marshallnhận xét về Trump.