Kết quả này giúp ông có cơ hội dẫn đầu các cuộc đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền mới và có thể trở thành thủ tướng cực hữu đầu tiên của Hà Lan .
Theo hãng tin AP, cuộc thăm dò sau bỏ phiếu cho thấy chiến thắng vang dội của Đảng vì tự do (PVV) mà ông Wilders đứng đầu dường như khiến ngay cả chính trị gia 60 tuổi này cũng phải ngạc nhiên.
Trong phản ứng đầu tiên, được đăng trong một video trên X (Twitter), ông Wilders úp mặt vào tay và nói đơn giản "35!". PVV giành được 35 trong 150 ghế của quốc hội Hà Lan, hơn 10 ghế so với đối thủ gần nhất, liên minh Lao động/Cánh tả Xanh (GL/PvdA) của chính trị gia Frans Timmermans.
Ông Wilders vui mừng nói: "Tôi đã véo vào cánh tay của mình".
Thành tích của ông Wilders được đánh giá là một trong những cú sốc lớn nhất trong chính trị Hà Lan kể từ Thế chiến 2 và có thể sẽ gây ra cơn địa chấn trên khắp châu Âu.
Chính trị gia cực hữu Geert Wilders vào ngày 22-11. Ảnh: AP
Chương trình vận động tranh cử của ông Wilders bao gồm lời kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về việc Hà Lan rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), ngừng hoàn toàn việc tiếp nhận người xin tị nạn và từ chối người di cư qua biên giới Hà Lan.
Ông Wilders cũng ủng hộ việc "phi Hồi giáo hóa" Hà Lan, dù trong cuộc bầu cử này ông thể hiện quan điểm ôn hòa hơn về đạo Hồi so với trước đây.
Ông Wilders khẳng định "Hà Lan sẽ lại là số 1".
Nếu được xác nhận chiến thắng, ông Wilders trước tiên phải thành lập chính phủ liên minh trước khi có thể nắm quyền.
Các đảng chính thống không muốn hợp lực với chính trị gia Wilders và đảng của ông, nhưng mức độ chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này sẽ giúp ông có vị thế mạnh trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Ông Pieter Omtzigt, một cựu thành viên đảng Dân chủ Thiên chúa giáo trung dung, người đã lập ra đảng Hợp đồng xã hội của riêng mình, cho biết ông luôn sẵn sàng đàm phán.
Ông Wilders vốn được gọi là Donald Trump phiên bản Hà Lan, là một trong những nhà lập pháp nổi tiếng nhất của Hà Lan, cả trong và ngoài nước.
Ông Wilders từ lâu đã chỉ trích Hồi giáo, Liên minh châu Âu (EU) và người di cư - một lập trường đưa ông đến gần quyền lực nhưng chưa bao giờ quan điểm này trở nên phổ biến ở quốc gia nổi tiếng với chính sách hài hòa.
Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử, ông Wilders đã phần nào mềm mỏng hơn trong lập trường của mình và cam kết sẽ là thủ tướng của tất cả người dân Hà Lan.
Để thu hút cử tri, ông Wilders đã giảm bớt giọng điệu chống Hồi giáo, tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề nóng như thiếu nhà ở, khủng hoảng cuộc sống và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.