Dù đã để thua trước đối thủ Joe Biden, Donald Trump đã có thứ mà ông mong muốn nhất: 1 cuộc bầu cử mà ông là trung tâm. Bất chấp những tín hiệu cảnh báo rằng các cử tri ở nhiều bang trên khắp đất nước không hài lòng với ông, vị Tổng thống với tính cách phô trương và những phát ngôn gây sốc cố gắng thuyết phục rằng tầm nhìn của ông về nước Mỹ là thứ đúng đắn.
Trong các sự kiện vận động tranh cử, các bài phát biểu, các quảng cáo chiến dịch và những bài đăng trên Twitter của ông Trump hiện lên 1 nước Mỹ mà trong đó virus đã biến mất, nền kinh tế đang hưng thịnh trở lại, người da màu và người Mỹ gốc Latinh có cuộc sống tốt hơn bao giờ hết, phụ nữ ở các vùng ngoại ô ca ngợi sự bảo vệ của ông, các kẻ thù sợ hãi trước ông.
Nhưng bức tranh đó đã không thuyết phục được các cử tri. Chiến thắng của cựu Phó Tổng thống Joe Biden là minh chứng rõ ràng cho thấy nước Mỹ mà ông Trump vẽ nên không phải là nước Mỹ mà họ nhìn thấy hoặc thứ mà họ mong muốn.
Nhưng các cử tri cũng không phản đối ông Trump và đảng Cộng hoà quá mạnh mẽ như những gì đảng Dân chủ dự đoán. Thay vào đó, những lá phiếu đem đến 1 cuộc chạy đua nghẹt thở. Đảng Cộng hoà bất ngờ có thêm quyền lựcở Hạ viện (mặc dù đảng Dân chủ vẫn kiểm soát Hạ viện) và vẫn giữ được Thượng viện. Cấu trúc quyền lực ở lưỡng viện không thay đổi sau cuộc bầu cử.
Nếu ví nước Mỹ như 1 công ty, có thể nói các cử tri Mỹ đã quyết định thay CEO nhưng vẫn giữ nguyên hội đồng quản trị.
Kết quả này cũng phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Sarah Longwell, 1 chiến lược gia của đảng Cộng hoà, miêu tả: "Tâm trạng mà tôi gặp ở rất nhiều cử tri là tôi không nghĩ tôi có thể bầu cho ông Trump một lần nữa... nhưng tôi cũng không tin vào đảng Dân chủ".
Thực tế là ông Trump chưa từng nhận được sự ủng hộ của tất cả người dân Mỹ. Năm 2016, số phiếu phổ thông mà bà Clinton giành được cao hơn ông Trump rất nhiều. Trong suốt nhiệm kỳ, mức tín nhiệm của ông chưa bao giờ quá 50%. Trên các vấn đề chủ chốt mà ông Trump để lại nhiều dấu ấn như thương mại và nhập cư, ông vấp phải sự phản đối khá gay gắt.
Với hơn 236.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì Covid-19 và hiện con số người chết mỗi ngày vẫn là hơn 1.000 ca, các cử tri run sợ trước virus chọn quay lưng với vị Tổng thống tỏ ra không hào hứng với chuyện đối đầu với cuộc khủng hoảng y tế chết người này.
"Covid thay đổi mọi điều về cuộc bầu cử này", Lynn Vavreck, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH California, Los Angeles nói. "Khó có thể nói rằng câu chuyện của năm 2020 là điều gì khác".
Ông Biden và Thượng nghị sĩ của bang California, bà Kamala Harris là những người hưởng lợi từ nỗi sợ hãi và hoang mang của dân chúng trong bối cảnh các thành tựu về kinh tế của ông Trump có thể bù đắp các vấn đề khác. Năm 2008, khi Mỹ ở trong Đại suy thoái, khảo sát của Gallup cho thấy 86% người Mỹ nhận định kinh tế là "vấn đề quan trọng nhất của quốc gia". Ngày nay, dù kinh tế Mỹ suy thoái trầm trọng hơn cả thời kỳ đó, chỉ 9% coi kinh tế là vấn đề hàng đầu. Khoảng 50% nhận định sự lãnh đạo của chính phủ và virus corona là các vấn đề quan trọng nhất.
Joe Biden chiến thắng một phần là bởi sự đối lập với ông Trump mà ông đã thể hiện, cả trong phong cách cá nhân và những thứ ông sẽ làm nếu đắc cử. Trong sự nghiệp 47 năm của mình, Biden nổi lên là 1 "người điều phối" ăn nói giản dị khơi dậy lòng trung thành trong những người Mỹ da màu nhờ những năm tháng làm Phó Tổng thống của ông Barack Obama. Không giống như bà Hillary Clitnon, ứng viên của đảng Dân chủ năm 2016, ông Biden cũng có được sự ủng hộ của những cử tri da trắng có thu nhập thấp.
Trước khi virus tấn công, các cuộc thăm dò cho thấy cử tri tin tưởng ông Trump hơn ông Biden về khả năng điều hành kinh tế. Nhưng đến ngày bầu cử, điều đó biến mất. Thành tựu kinh tế lớn nhất của ông Trump, cuộc cải cách thuế năm 2017, bị cho là làm lợi cho những cá nhân và các công ty giàu có hơn là đem lại lợi ích cho các hộ gia đình trung lưu.
Quá mệt mỏi với các cuộc chiến tranh thương mại và thất vọng với việc ông Trump không thể tung ra thêm 1 gói kích thích kinh tế trong những tuần ngay trước bầu cử là điều khiến phố Wall quay lưng với ông. Theo con số thống kê, ông Biden đã huy động được 74 triệu USD từ những người làm trong ngành chứng khoán vàầu tư, so với con số 18 triệu USD mà ông Trump nhận được.
Thứ khiến ông Biden hấp dẫn được nhà đầu tư là đề xuất kích thích kinh tế mà theo 1 phân tích của ĐH Pennsylvania’s là sẽ giúp tạo ra 5.400 tỷ USD chi tiêu mới trong thập kỷ tới. Mặc dù kế hoạch của ông Biden cần 1 Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm ưu thế để trở thành luật, lãnh đạo đa số của Thượng viện Mitch McConnell được cho là sẵn sàng thông qua 1 gói kích thích khiêm tốn hơn. Ông McConnell là thành viên của đảng Cộng hoà.
Ông Biden cũng hưởng lợi từ sự đổi chiều của các cử tri lớn tuổi. Trong cuộc bầu cử trước, họ ủng hộ ông Trump nhiều hơn 9% nhưng lần này họ đã bỏ rơi ông sau khi đại dịch trầm trọng hơn vào mùa thu vừa qua.
Ông Trump cũng có được những nhóm cử tri ủng hộ mới trong cuộc bầu cử lần này. Đó là các cử tri da trắng ở vùng nông thôn và một số cử tri da màu. Đó là lý do giải thích cho kết quả rất tốt ở Florida và Texas. Tuy nhiên chừng đó chưa đủ để cứu ông ở những nơi như Michigan và Wisconsin.
Ngay từ đầu, Trump đã không dồn sức cho việc mở rộng liên minh của mình. Ông thất bại với lời hứa về bức tường biên giới cũng như các chương trình phát triển cơ sỏ hạ tầng và phục hưng khu vực Rust Belt, sau đó ông lại không thể đảm bảo được gói cứu trợ mới sau khi Covid khiến nền kinh tế lâm vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ thế chiến thứ hai.
Ông Biden và bà Harris nói về Covid-19 trong quá trình tranh cử.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của cử tri đối với ông Biden đã không chuyển hoá thành chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ ở Quốc hội Mỹ như dự đoán trước đó. Làn sóng xanh - kịch bản đảng Dân chủ chiến thắng áp đảo ở cả Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện - đã không bao phủ nước Mỹ. Đảng Cộng hoà không chỉ có được những chiếc ghế thượng nghị sĩ ở những bang truyền thống như Texas, Maine mà còn có được những bang như Alabama, Oklahoma, South Carolina và Florida. Điều này đồng nghĩa ông Biden sẽ gặp khó khăn hơn khi hiện thực hoá chương trình nghị sự đầy tham vọng, đặc biệt là những thứ như tăng thuế đối với người giàu và những thay đổi lớn trong luật môi trường.
Mặc dù thua cuộc, phương thức tiếp cận mang tính chia rẽ của ông Trump trong việc điều hành nước Mỹ đã khiến nền chính trị Mỹ thay đổi theo cách mà sẽ còn ảnh hưởng đến lâu dài. Trong quá khứ, 1 cuộc bầu cử có kết quả rõ ràng sẽ mở ra 1 cuộc đại tu trên diện rộng, nơi 1 đảng sẽ tích luỹ được ưu thế vượt trội so với các đảng khác. Còn lần này, cuộc bầu cử năm 2020 để lại bối cảnh chính trị hỗn độn hơn rất nhiều.