Đơn xin đánh thuế những… kẻ chém gió, "nhà đạo đức" mạng xã hội

Bảo Nam |

Chả ai đánh thuế giấc mơ, và dĩ nhiên cũng không ai đánh thuế chém gió. Nhưng có lẽ đã tới lúc phải thu thuế những kẻ đi chém gió.

Kính gửi…Thú thật tôi cũng không biết nên kính gửi ai nữa.

Dạo này cuộc sống của tôi đảo lộn vì những kẻ chém gió nhan nhản khắp nơi. Dưới quê, bố mẹ tôi bị một tập đoàn kinh doanh đa cấp thổi vào đầu giấc mơ 1 tháng kiếm vài tỷ, thế là bán sạch đàn lợn chạy theo chúng, rồi ôm nhau mà khóc khi chúng đột nhiên biến mất.

Vợ tôi nghe lời mấy kẻ chém gió trên Facebook về chế độ giảm cân thần thánh, 1 tháng đốt 10 kg mỡ mà không cần tập luyện gì cả. Rốt cuộc ngộ độc thực phẩm nằm viện cả tuần, quả là cũng có giảm vài kg.

Còn tôi đợt vừa rồi đi công tác Nhật Bản về, thấy nước Nhật văn minh quá về kể cho bà con lối xóm nghe, bị họ mắng cho té tát vì cái tội: Gớm, anh đi tây rồi về chê Việt Nam lạc hậu à? Bố mẹ tôi ở quê cũng mang tiếng lây.

Dân ta ngộ thật. Hễ có chuyện gì liên quan tới các quy chuẩn văn hóa, đạo đức trên mạng thì hùa nhau vào lên án.

Trong những dòng comment, họ có thể trích ra hàng tá những quy chuẩn từ cổ chí kim để kết tội nạn nhân.

Nói đâu xa: Đám cưới của anh Trấn Thành và cô Hari Won dù kết thúc vài ngày rồi vẫn bị cư dân mạng đào bới chuyện cô ca sỹ Hàn Quốc bỏ rơi anh rapper Tiến Đạt, chạy theo anh Thành.

Họ cho rằng như thế là cạn tàu ráo máng, qua cầu rút ván, thấy lợi quên nghĩa… Nói chung, họ áp đặt rất nhiều chuẩn mực đạo đức lên đầu cô Hari.

Tôi chỉ ước giá như những người lên án cô Hari làm được 10% những gì họ viết trên Facebook thì tốt biết mấy, có lẽ chúng ta sẽ sống trong một môi trường vô cùng lý tưởng.

Hóa ra họ chém gió cả. Chuẩn mực áp đặt cho người khác thì chẳng có vấn đề gì, nhưng họ có hành động theo chuẩn hay không lại là chuyện khác.

Trên mạng, ai cũng có thể tự mở một phiên tòa lương tâm, tự mình đóng cả thẩm phán, luật sư và hội đồng chấp pháp. Trước tòa, luật pháp như sơn, mọi thứ minh bạch, trắng đen rõ ràng.

Đơn xin đánh thuế những… kẻ chém gió, nhà đạo đức mạng xã hội - Ảnh 1.

Khị "nữ ninja" vượt đèn đỏ, họ bị chỉ trích rất nhiều. Còn nếu đó là một người đàn ông thì...(Ảnh minh hoạ)

Ví dụ: Nhiều anh đóng vai thẩm phán lên án phụ nữ mặc đồ ninja cưỡi Lead đi bậy, vượt đèn đỏ, tấp lề không xi nhan, đi ngược chiều. Họ quả là những con người đầy ý thức.

Nhưng không hẳn đâu. Họ cứ lên án vậy thôi, vì được số đông hưởng ứng. Nhưng khi tham gia giao thông, chưa chắc họ đã không vượt đèn đỏ, không đi ngược chiều, thậm chí hành xử còn tệ hơn vì tay lái đàn ông dĩ nhiên là chắc hơn phụ nữ và độ liều cũng cao hơn.

Liệu có phải do họ không đi Lead và không mặc áo chống nắng nên không bị xã hội lên án chăng? Hay do pháp luật không đánh thuế những kẻ chém gió nên bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà đạo đức trên mạng xã hội?

Vậy nên tôi viết đơn này mong ai đó có trách nhiệm đề xuất thu thuế thật nặng những kẻ chém gió, để ngăn ngừa những kẻ đi khắp nơi đóng vai nhà đạo đức, nhưng bản thân hành xử ngoài xã hội thì trái ngược hoàn toàn.

Nó tạo ra một thói quen vô cùng lệch lạc cho thế hệ sau này – những người không cần hành xử văn minh, mà chỉ cần biết đôi chút về văn minh để chém gió là đủ.

Đó là còn chưa kể tới những nạn nhân trực tiếp như vợ tôi, vì tin những câu chém gió về loại thuốc giảm cân thần kỳ nào đó, mà phải nhập viện vì ngộ độc.

Ở những quốc gia văn minh, người ta sẽ không tin những gì anh viết cho đến khi trực tiếp chứng kiến anh làm điều đó. Mất lòng tin, đó là mức phí mà những kẻ chém gió phải trả và tôi nghĩ, Việt Nam cũng nên thu dần đi là vừa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại